Thái Nguyên phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng bền vững
VOV.VN - Nhằm khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia cầm, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ. Hiện, các dự án đã và đang thu được kết quả khả quan.
Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ chăn nuôi gia cầm
Chị Nguyễn Thị Ly, xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2017, chị đầu tư chăn nuôi gần 2.000 con gà. Thời gian đầu, do chưa có kiến thức về chăn nuôi gia cầm nên đàn gà của gia đình phát triển kém, tỷ lệ gà chết cao. Sau này, khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do tỉnh, huyện tổ chức, chị đã được trang bị đầy đủ kiến thức về cách phòng, chữa trị nhiều loại bệnh trên đàn gà, quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Năm 2020, tôi được hỗ trợ 500 con gà giống, thức ăn chăn nuôi theo Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, hoạt động chăn nuôi của gia đình ngày càng phát triển. Hiện, gia đình tôi đang nuôi khoảng 5.000 con theo hình thức khép kín. Trung bình mỗi năm, tôi xuất bán 4 lứa gà, mỗi lứa 2.000 con, lợi nhuận thu được đạt khoảng 40 triệu đồng/lứa (tăng khoảng 15-20 triệu đồng so với năm 2017)”, chị Nguyễn Thị Ly chia sẻ.
Trong những năm qua, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi là một trong những giải pháp trọng tâm được huyện Phú Lương chú trọng. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân đầu tư sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm; tạo gắn kết giữa doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi, trang trại. Từ đó, giảm dần chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán, tăng số lượng cơ sở chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp.
Hiện, trên địa bàn huyện Phú Lương có 98 gia trại chăn nuôi gia cầm với quy mô từ 2.000 con trở lên; 21 trại gà quy mô 10.000 con có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, chế biến thịt gà thương phẩm… Đến nay, tổng đàn gia cầm toàn huyện đạt trên 1 triệu con (tăng khoảng 200.000 con so với năm 2015); sản lượng thịt hơi gia cầm tăng bình quân 7,8%/năm; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 8%/năm.
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia cầm
Nhằm khuyến khích người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gia cầm, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ. Hiện, các dự án đã và đang thu được kết quả khả quan.
Tiêu biểu là Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình và dự án Ứng dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học (ATSH) tại 6 hộ dân ở các xóm Cây Khế, Gia Trống, xã Yên Đổ (Phú Lương).
Từ cuối quý II/2018, Dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gà đồi Phú Bình theo hướng an toàn sinh học tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên" giai đoạn 2018 - 2020 bao gồm mô hình chăn nuôi gà sinh sản với quy mô 4.000 gà mái sinh sản giống Lương Phượng và 400 gà trống Ri được triển khai trên 2 hộ.
Thời gian triển khai dự án với việc áp dụng những yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học giúp tỷ lệ dịch bệnh giảm thiểu. Các cơ sở áp dụng tất cả những biện pháp từ cách ly, khử trùng, những biện pháp được áp dụng trong chăn nuôi an toàn sinh học làm cho môi trường chăn nuôi ở từng cơ sở được sạch sẽ, giúp người nuôi có thói quen thực hiện tốt những điều kiện về vệ sinh chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, xóm Cà, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình (tham gia Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh nhằm tạo dựng và phát triển thương hiệu gà đồi Phú Bình) cho hay, hiện tại gia đình ông có khoảng 1,5 ha diện tích chăn nuôi trong đó khoảng 750m2 là chuồng trại nuôi gà, đáp ứng mỗi lứa nuôi 6.000 con gà Ri và gà Ri lai. Đây là 2 giống dễ nuôi phù hợp với điều kiện bán chăn thả, chất lượng thịt thơm ngon, săn chắc được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng.
“Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ chăn nuôi gà trong vùng vẫn chủ yếu nuôi gà theo phương pháp truyền thống. Nhưng từ khi triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học đã có ưu điểm vượt trội, kỹ thuật lựa chọn con giống được nâng cao hơn trước, việc kiểm soát chất lượng đầu vào dễ dàng và đảm bảo. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng lên mà chi phí đầu vào lại giảm đi đáng kể”, ông Tuyên chia sẻ.
Theo ông Dương Sơn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thái Nguyên, việc tham gia chăn nuôi theo phương pháp này đã đem lại nhiều lợi ích cho các hộ dân, mà trọng tâm là góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững. Bên cạnh nâng cao hiệu quả kinh tế, tham gia dự án sẽ góp phần hình thành mô hình phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, thương hiệu và thị trường đầu ra của sản phẩm cũng được mở rộng. Nếu trước kia các hộ chăn nuôi chỉ bán nhỏ lẻ cho thương lái thì nay đã có cơ hội cung ứng sản phẩm cho các cửa hàng thực phẩm, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thái Nguyên khẳng định, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất cấm, không rõ nguồn gốc trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản không chỉ gây hại đối với sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm giảm khả năng tiếp cận thị trường của các mặt hàng nông sản trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
“Việc xây dựng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm là phù hợp với xu hướng tiêu dùng của thị trường hiện nay”, ông Dương Sơn Hà nhận định./.