Thái Nguyên xây dựng thương hiệu chè gắn phát triển du lịch
VOV.VN - Về Thái Nguyên hôm nay, du khách không chỉ được thăm những đồi chè xanh mướt, mà còn được tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm “làm nông dân” hái chè, sao chè búp.
Chè Tân Cương là đặc sản, thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên, được nhiều người ưa chuộng từ nhiều năm qua. Với địa hình đồi thấp trùng điệp, những đồi chè đẹp mắt, vùng đặc sản chè Tân Cương cũng là điểm du lịch sinh thái, thu hút nhiều khách du lịch đến trải nghiệm. Làm gì để gắn phát triển thương hiệu chè ở Thái Nguyên với du lịch?
Vùng đặc sản chè Tân Cương với những đồi chè thấp được trồng ngay ngắn, đẹp mắt từ lâu đã là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Xã Tân Cương có gần 1.600 hộ dân, trong đó 90% người dân làm nông nghiệp. Xác định cây chè là lợi thế kinh tế của xã, mang lại lợi ích, thu nhập cao cho người dân nên chính quyền xã đã tận dụng mọi nguồn lực, khuyến khích bà con nông dân áp dụng triển khai nhiều mô hình kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, thu hái, chế biến chè, kết hợp với hoạt động du lịch cộng đồng homestay, từ đó cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Xây dựng thương hiệu chè gắn với làm du lịch, nhiều gia đình ở Tân Cương và chủ các cơ sở chè cơ sở sản xuất chè đã xây dựng nhưng không gian thẩm trà và những điểm dừng chân lưu trú, sẵn sàng đón tiếp du khách trải nghiệm thu hái, chế biến chè, dùng cơm và ngủ ngay tại gia đình. Chè Hảo Đạt là một thương hiệu nổi tiếng ở Thái Nguyên và cũng là một điểm đến du lịch hấp dẫn với nhiều du khách. Đến đây, cùng với việc thưởng trả, du khách sẽ được thăm quan xưởng chế biến chè, mãn nhãn với những đồi chè đẹp như trong tranh.
Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Công ty chè Hảo Đạt cho biết: “Hiện công ty đang khai thác nông nghiệp sạch gắn với du lịch sinh thái. Chúng tôi cũng thấy tiềm năng phát triển khi đạt OCOP 4 sao, cũng muốn in ấn lên bao bì. Năm 2021 chúng tôi cũng muốn sản phẩm đạt 5 sao để quảng bá thương hiệu cho người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm”.
Năm 2007, Hội Chè Thái Nguyên được thành lập với các hội viên là những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh chè và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến ngành chè. Đến nay, Hội đã tập hợp được 106 đơn vị hội viên sản xuất, kinh doanh chè, trong đó có 40 doanh nghiệp, 52 hợp tác xã, 4 câu lạc bộ, 1 hội nghề nghiệp và 9 cơ sở hộ gia đình.
Công ty Cổ phần chè Hà Thái, ở xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên có trên 300 ha cây chè, trong đó 40 ha được trồng theo phương pháp hữu cơ. Mặc dù đang là thời điểm khó khăn trong đại dịch Covid-19, nhưng do sản phẩm của doanh nghiệp được chứng nhận OCOP, nên ước tính vẫn xuất khẩu khoảng 100 tấn chè trong năm nay.
“Làm thương hiệu đã khó khăn rồi nhưng đứng được trên thị trường khó khăn hơn bao hàm nhiều công đoạn. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn thì người sản xuất phải có cái tâm, chè từ ngoài vườn chăm sóc như thế nào về sao sấy ra làm sao. Đặc biệt là sản phẩm phải là sản phẩm hữu cơ đảm bảo sức khỏe cho người dân” - bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần chè Hà Thái, cho biết.
Thái Nguyên có 19.000 ha chè, sản lượng hàng năm gần 200.000 tấn chè búp tươi, tiêu thụ thị trường nội địa chiếm 70-80%, còn lại là chế biến xuất khẩu. Xây dựng các sản phẩm OCOP kết hợp với phát triển du lịch ở Thái Nguyên đã tạo cơ hội cho người dân nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Về Thái Nguyên hôm nay, du khách không chỉ được thăm những đồi chè xanh mướt, mà còn được tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm “làm nông dân” hái chè, sao chè búp… được cảm nhận hương vị của từng loại chè đặc sắc nơi đây. Không gian văn hóa chè Tân Cương có diện tích 2,6 ha cũng là nơi du khách có thể tìm hiểu nguồn gốc của từng loại danh chè nổi tiếng ở Thái Nguyên.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh văn phòng xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên kết hợp với du lịch sinh thái đang là hướng đi đúng ở tỉnh Thái Nguyên. Lồng ghép giữa phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch đã giúp kinh tế cho địa phương tăng lên, hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế một cách bền vững”.
Xây dựng và phát triển thương hiệu chè kết hợp du lịch ở Thái Nguyên đang là mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh. Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trọng tâm phát triển sản phẩm OCOP từ chè gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Thái Nguyên./.