Tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển năng lượng tái tạo
VOV.VN - Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo, khung khổ pháp lý về năng lượng tái tạo còn thiếu đồng bộ nên chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, năng lượng sinh khối… Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo cao nhất Đông Nam Á.
Năng lượng tái tạo là nhu cầu tất yếu
Những năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là thủy điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió, năng lượng sinh khối… Phát triển sử dụng năng lượng tái tạo vốn được đánh giá là vô tận sẽ giảm bớt sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch, tiết kiệm tài nguyên cho quốc gia, tạo nguồn năng lượng đa dạng và dồi dào. Theo báo cáo của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo cao nhất Đông Nam Á.
Theo đánh giá của các nghiên cứu gần đây, tiềm năng về kinh tế - kỹ thuật thủy điện của nước ta đạt khoảng 75 - 80 tỷ kWh với công suất tương ứng đạt 18.000 - 20.000MW. Hiện nay, sản lượng khai thác dầu thô trong nước của Petrovietnam trung bình đạt 7,5 - 8,5 triệu tấn/năm; sản lượng khí đạt 6 - 8 tỷ m3/năm. Hằng năm, Petrovietnam cung cấp trên 13,5 triệu tấn xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu trong nước; cung cấp 1,8 triệu sản phẩm hóa dầu; và cung cấp 1,6 - 1,7 triệu tấn phân đạm, đáp ứng 70 - 80% nhu cầu phân đạm trong nước (khoảng 2 triệu tấn/năm).
Petrovietnam đang vận hành thương mại 9 nhà máy điện với tổng công suất 6.600MW, tương đương 8,5% tổng công suất lắp đặt hệ thống điện quốc gia. Các sản phẩm chủ lực của Petrovietnam như dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm,… đã tham gia vào mọi hoạt động đời sống của đất nước với tỷ trọng lớn; góp phần quan trọng cho ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế.
“Phát triển năng lượng phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường. Nhanh chóng xây dựng một thị trường năng lượng đồng bộ, minh bạch, cạnh tranh và đa dạng. Đặc biệt, khuyến khích sự tham gia của kinh tế tư nhân, loại bỏ các biểu hiện bao cấp, độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh trong ngành năng lượng”.
Bà Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu
Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng từ tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời, địa nhiệt, năng lượng sinh khối là một nhu cầu tất yếu, được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.
Từ năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này xác định mục tiêu rõ ràng rằng: “Phát triển năng lượng tái tạo không chỉ tập trung mở rộng quy mô và tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, mà còn giải quyết vấn đề cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, xây dựng một xã hội sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường.
Năng lượng tái tạo của Việt Nam thu hút được sự quan tâm đầu tư từ nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đơn cử như năm 2018, tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo đạt mức kỷ lục 5,2 tỷ USD, gấp 9 lần so với năm 2017; các chương trình, dự án hỗ trợ quốc tế đạt tổng giá trị tài trợ khoảng 440 triệu USD; vốn vay ODA ước tính 420 triệu USD và 15,5 triệu USD là viện trợ không hoàn lại. Đầu tư năng lượng tái tạo từ vị trí thứ 10 (năm 2018) vươn lên vị trí thứ ba (năm 2019) trong xếp hạng các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất cả nước (chỉ sau công nghệ tài chính fintech và giáo dục).
“Điểm nghẽn” từ nhu cầu tăng cao và pháp lý
“Chỉ từ năm 2018 đến tháng 6/2019, đã có hơn 330 dự án điện mặt trời trình Chính phủ phê duyệt, bổ sung vào Quy hoạch điện, trong đó có 121 dự án đã được phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến năm 2020 là 6.100MW và năm 2030 là 7.200MW. Ngoài ra, còn 221 dự án đang chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 14.330MW. Tính đến ngày 23/6/2023, đã có 70/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.851,86MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện”.
TS. Nguyễn Thị Oanh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
Ngành năng lượng giữ vai trò thiết yếu trong sự phát triển kinh tế của nước ta. Việc đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định với chi phí hợp lý là nền tảng cốt lõi cho sự tăng trưởng bền vững. An ninh năng lượng, cùng với các biện pháp đảm bảo nó, luôn luôn là một ưu tiên trong chính sách quốc gia về năng lượng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự sụt giảm đầu tư vào năng lượng đã tạo ra khoảng trống đáng lo ngại, gây áp lực lớn lên an ninh năng lượng của đất nước. Trước bối cảnh nền kinh tế liên tục phát triển với tốc độ cao, việc coi an ninh năng lượng như một trụ cột trong chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít “điểm nghẽn”. Đó là tốc độ tăng cao của nhu cầu gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, thách thức về tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng. Đáng chú ý, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện.
Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam 2019 (EOR 2019) cho thấy, Việt Nam trở thành một nước nhập khẩu năng lượng, nhập khẩu thuần than kể từ 2015 và xu hướng này ngày càng tăng. Từ năm 2020 - 2030, nhập khẩu nhiên liệu tăng gấp 3 và 2050 sẽ tăng gấp 8 lần so với 2019. Điều này cho thấy, có 3/4 năng lượng tiêu thụ của Việt Nam là từ nguồn nhập khẩu.
Trước thực trạng trên, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thúc đẩy chuyển các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời và sinh khối vào hệ thống điện quốc gia, hướng tới việc sản xuất và sử dụng 62 MTOE năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tăng lên 138 MTOE vào năm 2050, với tỷ trọng năng lượng tái tạo dự kiến đạt 32,3% vào năm 2030 và 44% vào năm 2050. Việc phát triển năng lượng tái tạo không chỉ đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo nền tảng cho sự an toàn và ổn định năng lượng dài hạn.
Theo TS. Nguyễn Bình Dương, Trường Đại học Ngoại thương Việt Nam, phát triển năng lượng tái tạo là một hướng đi thiết yếu và mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế ngày càng đề cao vai trò của năng lượng sạch và phát triển bền vững. Song quá trình chuyển đổi này cũng đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam, một quốc gia có nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng hóa thạch và tài chính hạn chế để đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo. Các thách thức về tài chính, cơ sở hạ tầng, và lực lượng lao động trong các ngành truyền thống đòi hỏi sự hỗ trợ đồng bộ từ chính sách nhà nước và quốc tế để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Còn PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, khung khổ pháp lý về năng lượng tái tạo còn thiếu đồng bộ nên chưa khuyến khích được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, hiện còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo, điều này gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư các dự án, cũng như cho các cơ quan quản lý nhà nước.