Thị trường dầu mỏ thế giới năm 2020 gánh chịu những biến động lớn
VOV.VN - Thương chiến Mỹ - Trung, căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Iran… là những yếu tố chính tạo nên sự biến thiên của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Những biến động kinh tế, chính trị quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến diễn biến thị trường dầu mỏ toàn cầu trong năm 2019. Thăng trầm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Iran và các quyết định quan trọng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC +) về sản lượng dầu là những yếu tố chính tạo nên sự biến thiên của thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Trong những ngày đầu của năm 2020, thế giới và khu vực Trung Đông tiếp tục chứng kiến những căng thẳng “tột đỉnh” trong xung đột chiến lược giữa Mỹ và Iran khi Mỹ tuyên bố đã tiêu diệt Tư lệnh Qassem Soleimani của Iran và cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa của Iran nhằm vào hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq.
Ở thời điểm khu vực Trung Đông dường như sắp rơi vào một cuộc chiến tranh tổng lực liên quan đến xung đột Mỹ - Iran, một số nhà quan sát khu vực quan ngại thị trường dầu mỏ sẽ gánh chịu tác động “cực lớn”. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định, trong năm 2020, thị trường dầu mỏ toàn cầu ít có khả năng phải gánh chịu những biến động lớn “ngoài tầm kiểm soát” nhờ vào các yếu tố giúp giữ cho giá dầu ở thế giằng co.
Năm 2020, thị trường dầu mỏ toàn cầu ít có khả năng phải gánh chịu những biến động lớn “ngoài tầm kiểm soát” (Ảnh minh họa: KT) |
Giá dầu thế giới sẽ chịu tác động tăng dưới các áp lực như sự cắt giảm sản lượng của OPEC, tiến triển trong tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung và sự sụt giảm sản lượng dầu khi đá phiến của Mỹ. Nguồn cung dầu mỏ trong xu hướng giảm do OPEC và các đối tác (OPEC+) tiếp tục giảm sản lượng để đẩy giá dầu tăng trong năm 2020. Đầu tháng 12 năm ngoái, OPEC và các nước đối tác, trong đó có Nga, đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày từ ngày 01/01/2020. Theo đó, sản lượng dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm 1,7 triệu thùng/ngày so với sản lượng của tháng 10/2018. Trong khi đó, thị trường toàn cầu cũng chứng kiến sự suy giảm nguồn cung từ hai nhà sản xuất lớn khác là Iran và Venezuela.
Vừa qua, tiến trình đàm phán liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đã chứng kiến những kết quả tích cực khi hai bên đã thống nhất sẽ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Theo kế hoạch, hôm nay 15/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ ký Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một tại thủ đô Washington của Mỹ. Bước tiến triển này giúp khôi phục niềm tin cho giới đầu tư và là động lực cho triển vọng kinh tế thế giới ngay trong những tháng đầu của năm 2020.
Nguồn cung dầu khí đá phiến có khả năng chững lại và suy giảm từ mức đỉnh. Trong năm 2019, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng thêm 2 triệu thùng/ngày lên mức kỷ lục 12 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, đã có những dầu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng của dầu đá phiến sẽ chậm lại, thậm chí suy giảm trong năm nay. Đầu tư vào dầu đá phiến trong năm 2019 đã giảm 6%, xuống còn 129 tỷ USD và dự báo sẽ giảm thêm 11% trong năm 2020.
Dù giá dầu trong năm 2020 có thể tăng do các yếu tố trên nhưng sẽ không thể tăng mạnh và gây nên “những xáo trộn” lớn. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là “khả năng kháng cự tích cực” của giá dầu trước các biến cố lớn trong xung đột khu vực thời gian gần đây. Dù căng thẳng Iran - Mỹ đã lên đến đỉnh điểm trong những ngày đầu năm 2020 nhưng giá dầu mỏ đã không tăng “phi mã” như đồn đoán.
Những diễn biến mới trong căng thẳng Mỹ - Iran ban đầu đã có tác động ngay lập tức đối với các thị trường dầu mỏ quốc tế do lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào hai cơ sở lọc dầu quan trọng của Saudi Arabia hồi tháng 9 năm ngoái, nhưng nỗi lo gián đoạn thị trường dầu mỏ đã nhanh chóng được loại bỏ và giá “vàng đen” sớm trở lại ngưỡng giao dịch bình thường sau khi chính quyền Riyadh khôi phục hoạt động sản xuất ngay trong tháng 9/2019. Đến nay, khi mà sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, hiệu ứng của “khủng hoảng Trung Đông” vẫn chưa thực sự có “tác động đáng kể” đến giá dầu thế giới./.
Căng thẳng Mỹ-Iran có thể đẩy giá dầu vượt 80 USD/thùng
Căng thẳng Mỹ-Trung hạ nhiệt, giá dầu giữ ở mức cao nhất trong 3 tháng