Bài học đắt giá từ gạo ST25 và việc làm thương hiệu chẳng giống ai của Việt Nam
VOV.VN - Thương hiệu gạo ST25 đang bị xâm hại nghiêm trọng. Trong khi gạo Hom Mali của Thái Lan đoạt giải nhất thế giới năm 2020, lập tức được chính phủ nước này tập trung xây dựng thành sản phẩm thương hiệu quốc gia.
Sản phẩm gạo ST25 và câu chuyện giành quyền bảo hộ thương hiệu tại Mỹ và Australia vẫn chưa đến hồi kết thì mới đây, The Rice Trader - đơn vị tổ chức cuộc thi “Gạo ngon nhất thế giới” đã lên tiếng cảnh báo về hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định của biểu trưng giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” từ một số doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Điều này dẫn đến khả năng gạo Việt Nam có thể mất quyền tham gia cuộc thi gạo ngon thế giới trong những năm tới.
Trao đổi với VOV.VN, Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu như hiện nay đang tạo ra bất lợi cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam trên thị trường thế giới.
PV: Thưa ông, việc tổ chức The Rice Trader lên tiếng cảnh báo về tình trạng vi phạm bản quyền giải thưởng thương hiệu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sản phẩm gạo cũng như nông sản xuất khẩu của Việt Nam?
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy: Năm 2019, khi tổ chức The Rice Trader trao giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” cho sản phẩm gạo ST25 đã khẳng định, sản phẩm này mang tâm huyết của người sáng lập, cần thiết phải vinh danh những người có đóng góp quan trọng cho ngành gạo toàn cầu. Chính vì thế, nếu bất cứ một đơn vị nào có hành vi giả nhãn hiệu, hoặc tự nhận sản phẩm đoạt thương hiệu giải thưởng đó là sự vi phạm nghiêm trọng tôn chỉ mục đích của tổ chức The Rice Trader.
Giải thưởng cho một thương hiệu liên quan đến giá trị sở hữu trí tuệ, các vấn đề trách nhiệm xã hội và mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng. Do đó, nếu doanh nghiệp (DN) nào vi phạm vào điều này đồng nghĩa là niềm tin và vị thế của giải thưởng sẽ bị giảm đi. Việc The Rice Trade hay bất cứ tổ chức giải thưởng nào khác phải lên tiếng cảnh báo tình trạng này là một lẽ tự nhiên.
PV: Theo ông vì sao lại có tình trạng DN tranh chấp, lợi dụng thương hiệu nổi tiếng một cách vô nguyên tắc như hiện nay?
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy: Việc xây dựng thương hiệu cũng như vấn đế vi phạm thương hiệu đang nổi lên một số vấn đề, trong đó xác định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm là điều đáng bàn. Hiện nay không chỉ có gạo, còn mặt hàng gỗ, thép xuất khẩu đang có sự tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc, nếu không xem xét kĩ vấn đề nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, chỉ là gia công để xuất khẩu sẽ là mối nguy hại rất lớn cho các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông sản có thế mạnh.
Trong khi đó, thực tế hiện nay mới chỉ có khoảng 20% sản phẩm nông sản của Việt Nam được đăng kí thương hiệu ở nước ngoài. Mặc dù có đến 80% DN của Việt Nam có hàng hóa xuất khẩu, nhưng tối đa mỗi DN cũng dám chỉ chi ra 5% tổng doanh số của mình để lo xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Chính vì những lẽ này mà thương hiệu của Việt Nam vừa dậm chân tại chỗ, lại vừa là lĩnh vực dễ vi phạm quy tắc nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhiều nhất. Những nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam bị xâm phạm bởi các DN trong nước và nước ngoài ngày càng tăng.
Điều này thể hiện các DN chưa nhận thức được rõ về thương hiệu. Về cơ bản, nhãn hiệu hàng hóa của DN khi đăng kí sẽ được bảo hộ nhưng chỉ có giá trị trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà không được bảo hộ tại các nước khác. Do vậy, tất cả các ngành hàng của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông sản khi xuất khẩu rất cần phải được bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài, cũng như xây dựng được hệ thống phân phối độc quyền. Nếu DN không đầu tư cho quy trình này sẽ rất dễ dẫn tới việc mất thương hiệu hoặc bị vi phạm nhãn hiệu hàng hóa.
PV: Ông có đánh giá như thế nào về quy trình xây dựng, bảo vệ thương hiệu của DN cũng như các cơ quan liên quan của Việt Nam hiện nay?
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy: Trong việc xây dựng thương hiệu Quốc gia, có lẽ sản phẩm gạo ST25 sẽ là một bài học đắt giá. Theo quy định pháp luật của Việt Nam, đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ở thị trường xuất khẩu là trách nhiệm của DN, nhưng cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn và dẫn dắt DN.
Trong vụ việc gạo ST25, vai trò của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong liên kết, tư vấn hỗ trợ cho DN xây dựng, bảo hộ thương hiệu Quốc gia hết sức mờ nhạt. Những gì đang diễn ra cho thấy, tầm nhìn của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT còn rất hạn hẹp khi chưa hình dung được đường đi của thương hiệu gạo ST25 trong tương lai gần lại có tầm ảnh hưởng và có uy tín với người tiêu dùng quốc tế lớn đến như vậy.
Nếu nhìn kinh nghiệm xây dựng thương hiệu quốc gia đối với gạo Hom Mali của Thái Lan sẽ thấy, khi loại gạo này đoạt giải nhất thế giới năm 2020, lập tức được chính phủ nước này tập trung xây dựng thành sản phẩm thương hiệu quốc gia. Có như thế, gạo Hom Mali mới bảo hộ thương hiệu tại những thị trường lớn và đương nhiên không bị tranh chấp. Chỉ khi chính phủ đoán được đường đi của thương hiệu, đồng hành cùng thương hiệu và chia sẻ lợi ích cho các bên cùng tham gia thì thương hiệu sản phẩm của họ mới thực sự bền vững.
Nhưng ở Việt Nam, các cơ quan chức năng chưa nhìn nhận được chiến lược phát triển của ngành hàng, không đoán định được sự bùng nổ của mặt hàng chiến lược nên nhiều sản phẩm bị thất thế và nhiều DN rơi vào tình trạng mất phương hướng. Đó là chưa kể đến việc nhiều DN nhỏ luôn ở tầm yếu thế lại bị các tập đoàn lớn chèn ép, can thiệp, khống chế mà không thể vươn lên được vì không đủ vốn cũng như quyền lực. Các nhà sản xuất nhỏ cũng bị tư thương, thương lái thao túng ngay cả trong xây dựng thương hiệu nên có khi dù DN nhìn thấy nhưng cũng đành bất lực.
PV: Theo ông cần có giải pháp cũng như chiến lược dài hạn ra sao nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng, bảo hộ thương hiệu gạo cũng như nông sản xuất khẩu trong thời gian tới?
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy: Cần thiết nhất phải có 1 cơ quan chuyên trách, một không gian tập trung theo cơ chế 1 cửa để tạo thuận lợi cho các DN đến làm thủ tục đăng kí sở hữu trí tuệ, đăng kí và bảo hộ thương hiệu được hướng dẫn, tư vấn và trợ giúp để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục.
Bộ Công Thương nên điều tiết một phần kinh phí xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các DN đã có sản phẩm, có thị trường, hệ thống phân phối tại nước ngoài làm ăn lâu dài. Cần phải tổ chức cho các DN trong nước liên kết với các DN nước ngoài để xây dựng các hệ thống kho chứa sản phẩm phục vụ cho phân phối.
Bộ NN&PTNT cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất theo sản lượng sang tối ưu hóa sản phẩm, bằng việc xác định chiến lược ngành hàng và tổ chức sản xuất để có sản phẩm chủ lực. Khi có sản phẩm chủ lực mới có thương hiệu chủ lực. Những sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu phải được chọn ra để xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế.
Về lâu dài, nhà nước cần điều tiết để giá của sản phẩm xuất khẩu ổn định, bởi các thị trường xuất khẩu họ mua theo số lượng nên rất cần sự ổn định về giá. Phải thực hiện được các yếu tố trên thì việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm của Việt Nam mới được bền vững, không sợ bị làm giả, làm nhái và đánh cắp thương hiệu.
Các Hiệp hội ngành hàng chưa có sự gắn bó mật thiết giữa cấp điều hành với các DN thành viên, các nhà sản xuất; Các Hiệp hội vẫn đang túm lấy đuôi giá trị cuối cùng trong kinh doanh để tạo ra giá trị sinh lời mà không giúp đỡ DN xây dựng và phát triển thương hiệu ngành hàng, không trở thành “bệ đỡ” hay “cánh tay nối dài” của nhà nước góp sức cho các thương hiệu ngành hàng phát triển.
Về phía DN muốn xây dựng thương hiệu về nguyên tắc dứt khoát phải liên kết thành tổ chức, tập thể, tổ hợp tác để đảm bảo chất lượng, khối lượng sản phẩm đủ lớn, chất lượng ổn định, rõ ràng minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý và phải đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước cũng như ở nước ngoài.
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, cuộc chiến sinh kế đang nằm trong tay của các DN khi người tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm dinh dưỡng bảo vệ sức khỏe. Đây sẽ là dịp để các thương hiệu tỏ rõ vị thế, nâng tầm giá trị của mình, vì thế cần đặc biệt coi trọng chất lượng và loại hình sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Chặng đường xây dựng và bảo vệ thương hiệu rất dài, nếu tư duy của người sản xuất còn mang tính mùa vụ, tư duy của DN vẫn là bán hàng qua biên giới để có giá trị cuối cùng là xong thì không bao giờ có thể xây dựng được thương hiệu. Nút thắt trong câu chuyện này vẫn là vấn đề nhận thức, chúng ta hiện vẫn đang thiếu tầm nhìn và những chuyên gia thực sự am hiểu về về thương hiệu cũng như luật thương mại quốc tế.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ