Cần “bình đẳng” trong thu mua giá mía
VOV.VN - Cùng một tỉnh nhưng lại có giá thu mua mía khác nhau, khiến nông dân trồng mía của tỉnh Phú Yên bức xúc và xảy ra tranh chấp nguyên liệu mía.
Giá thu mua mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Phú Yên xuống thấp trong khi đó có sự chênh lệch giá thu mua giữa các nhà máy khiến nông dân bức xúc và đã xảy ra tình trạng tranh chấp nguyên liệu mía.
Huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên là vùng nguyên liệu mía của nhà máy mía đường Tuy Hòa với diện tích hơn 5.000 ha. Từ đầu niên vụ 2018 - 2019, nhiều nông dân ký hợp đồng bao tiêu mía cây với nhà máy đã được cấp phiếu đốn chặt. Tuy nhiên, giá thu mua của nhà máy này thấp hơn so với các nhà máy khác trong tỉnh khiến nông dân rất bức xúc.
Cụ thể, đối với mía đạt 10 chữ đường, nhà máy đường Tuy Hòa chỉ mua với giá 750.000 đồng/tấn. Trong khi đó, nhà máy đường Vạn Phát, huyện Sơn Hòa mua giá là 820.000 đồng/tấn và nhà máy đường KCP thu mua giá cao nhất là 850.000 đồng/tấn.
Huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên là vùng nguyên liệu mía của nhà máy mía đường Tuy Hòa với diện tích hơn 5.000 ha. (Ảnh minh họa). |
Ông Trần Văn Ân, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cho biết: "Chúng tôi so sánh giữa 3 nhà máy trong tỉnh thì có sự chênh lệch cho nên người nông dân người ta rất bức xúc về vấn đề này. Họ muốn có sự bình đẳng trong vấn đề giá cả. Họ không thắc mắc về giá thị trường, giá thị trường có thể lên hoặc xuống, nhưng mà cơ chế giá trong một tỉnh thì phải như nhau".
Trước tình trạng thu mua mía cây chênh lệch giữa các nhà máy đường, nông dân trồng mía ở vùng nguyên liệu của nhà máy đường Tuy Hòa đã bán mía cho tư thương vận chuyển sang nhà máy khác tiêu thụ, dẫn đến tranh chấp vùng nguyên liệu. Ban điều hành mía đường huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã tổ chức đối thoại giữa Nhà máy đường Tuy Hòa với người dân.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Chiến, đại diện Nhà máy đường Tuy Hòa lại cho rằng, việc xảy ra tranh chấp nguyên liệu không phải do cơ chế về giá.
"Thương lái họ chịu gom mía về nhà máy. Họ gom về nhưng không đòi yêu cầu trách nhiệm, chỉ cần cố định một giờ, để người ta mang mía về nhà máy và không hỏi giá. Như vậy là đâu phải là do giá" - ông Chiến cho biết.
Khi được phân bổ vùng nguyên liệu và lúc sản xuất kinh doanh đường thuận lợi, các nhà máy luôn cam kết đồng hành, chia sẻ với nông dân. Nay gặp phải những khó khăn, thiết nghĩ cần có cơ chế hỗ trợ nông dân phù hợp từ phía các nhà máy.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đề nghị các nhà máy chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu mía.
Theo ông Dạn: "Giá cả khó là khó khăn chung, cho nên yêu cầu các nhà máy cũng phải đảm bảo sự công bằng, để cho nông dân không có sự so bì nhà máy này mua thấp nhà máy kia mua cao. Như vậy, vấn đề tranh chấp nguyên liệu chắc chắn sẽ xảy ra.Nên huyện đề nghị phía nhà máy phải làm rõ việc này, để cho nông dân mới có sự tin tưởng nhà máy rất công bằng"./.
Nông dân Gia Lai lao đao vì giá mía rớt kỷ lục, năng suất thấp
Nông dân Quảng Ngãi khóc ròng vì giá mía rớt thê thảm