Đường tồn kho tăng cao kỷ lục
(VOV) - Nguyên nhân của tình trạng này là mức tiêu thụ không tăng trong khi sản xuất tăng.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay, lượng đường tồn kho khoảng 400.000 tấn, đây là mức tồn kho cao nhất từ trước đến nay. Nhiều nhà máy đường đang rơi vào tình trạng bế tắc, mặc dù giảm giá song tiêu thụ vẫn rất chậm.
Ông Hà Hữu Phái, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, 400.000 tấn đường tồn kho là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Nguyên nhân của tình trạng này là mức tiêu thụ không tăng trong khi sản xuất tăng.
Hiện nay, vẫn đang trong thời gian chính vụ, lượng đường tồn kho là hơn 390.000 tấn, tại một số nhà máy sản xuất đường là 22.700 tấn, chưa kể tồn kho trong lưu thông phân phối trên thị trường. Đó là chưa kể trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 tấn đường nhập lậu vào nội địa. Như vậy, một năm có từ 300.000 – 400.000 tấn đường thao túng thị trường đường. Điều này đã góp phần đẩy lượng đường tồn kho trong nước tăng cao.
“Để giảm được lượng đường tồn kho chỉ có cách là đẩy mạnh lượng tiêu thụ. Trong nước, nếu kinh tế phát triển, đời sống lên cao thì tiêu thụ cũng tăng lên, nhưng chúng ta cũng biết năm nay tiêu thụ khoảng 1,4 triệu tấn đường, nếu kinh tế thế giới hồi phục, nhu cầu tăng lên, trong nước cũng đẩy mạnh lên và các ngành sữa, nước giải khát và các ngành dùng đường hoạt động mạnh lên thì tiêu thụ cũng tăng lên” - ông Hà Hữu Phái cho hay.
Trước tình trạng lượng đường tồn kho tăng cao, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn đường giá rẻ Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam. Bên cạnh đó, cấp phép cho các doanh nghiệp xuất khẩu đường với số lượng lớn bằng nhiều hình thức khác nhau. Đề nghị này mới đây đã được lãnh đạo Bộ Công Thương chấp thuận, đây sẽ là một tin vui với các doanh nghiệp sản xuất đường và những người nông dân trồng mía.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mía đường Việt Nam theo dõi tình hình cung cầu đường trên thị trường. Trước đây chúng ta thiếu đường nhưng hiện nay đã sản xuất đường dư thừa, đặt ra một vấn đề là xuất khẩu. Hiện nay trong xuất khẩu đường, chúng ta xuất khẩu đường qua tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhưng số lượng này vẫn là nhỏ. Tuy nhiên trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, tồn kho còn tăng cao thì tìm được một cửa ngõ để xuất khẩu là rất đáng quý.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành mía đường không chỉ trông chờ vào giải pháp của Chính phủ, để tăng sức tiêu thụ và giảm lượng đường tồn kho, cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả, chất lượng sản phẩm với hàng nhập lậu, tiến tới xuất khẩu chính ngạch./.