Khánh thành giai đoạn 1 nhà máy nước sạch lớn nhất miền Bắc

VOV.VN - Nhà máy đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Sáng 13/10, tại Hà Nội diễn ra lễ khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Đuống, dự án cung cấp nước sạch có quy mô lớn nhất miền Bắc.

Toàn cảnh công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá, Lễ khánh thành giai đoạn 1 công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống nước sạch.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Hồng Quang)

"Đây cũng là minh chứng rõ nét cho những cam kết, nỗ lực của Hà Nội trong việc thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án trên địa bàn thành phố," ông Nguyễn Đức Chung nói.

Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống được phê duyệt chủ trương đầu tư với quy mô đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch cho địa bàn 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực phía đông bắc và phía nam của thành phố Hà Nội, các khu đô thị, khu công nghiệp và một số vùng phụ cận như tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên…

Tham dự buổi lễ còn có đại diện Đại sứ quán Đức, Đại sứ quán Hàn Quốc. (Ảnh: Hồng Quang)

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch với quy mô lớn, liên vùng và liên tỉnh, công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trong phát triển một hệ thống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định và lâu dài cho Thủ đô và các vùng lân cận.

Bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt Sông Đuống cho biết, việc khánh thành giai đoạn 1 của nhà máy khẳng định nỗ lực của chủ đầu tư, nhà máy trong thực hiện cam kết mang nguồn nước sạch đến cho các hộ dân.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và nhà đầu tư thực hiện nghi lễ phát nước giai đoạn 1 (Ảnh: Hồng Quang)

Với mục tiêu phát triển bền vững, nhà máy đang nghiên cứu và sẽ áp dụng các giải pháp tái sử dụng bùn thải cùng với việc tận dụng mặt bằng thuận lợi để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để tận dụng nguồn năng lượng sạch và tiết kiệm chi phí.

Nhà máy nước mặt sông Đuống đạt kỷ lục về thi công phát nước. Chỉ trong 15 tháng, Nhà máy đã hoàn thành công tác xây dựng toàn bộ giai đoạn 1, bảo đảm công suất phát nước là 150.000 mét khối nước/ngày đêm theo đúng chuẩn cao nhất hiện hành của Việt Nam và quốc tế.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng, bao gồm 02 hợp phần chính gồm trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km phân bố tại Gia Lâm, Long Biên, Sóc Sơn, Đông Anh, Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên.

Nhà máy nước mặt sông Đuống đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân) và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.

Trước đó, 3 tuyến ống dẫn nước HDPE đường kính 1.000 mm với tổng chiều dài hơn 1.000 m vừa được hạ thủy thành công xuống lòng sông Đuống tại khu vực Km49+500 thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Theo thiết kế, các tuyến ống dẫn nước từ nhà máy nước sạch tới khu vực dân cư phải vượt qua 3 con sông, trong đó 2 sông lớn là sông Hồng và sông Đuống bằng phương pháp đánh chìm qua sông. Đây là một trong những hạng mục thi công quan trọng của giai đoạn 1 của dự án.

Đến nay, đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật đánh chìm đường ống cỡ lớn và với quy mô lớn nhất, đoạn đánh chìm qua lòng sông Đuống có chiều dài trên 200 m và qua lòng sông Hồng dài trên 500 m.

Các đại biểu nhấn nút khởi công xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy nước mặt sông Đuống (Ảnh: Hồng Quang)

Ngay sau lễ khánh thành giai đoạn 1, Dự án nhà máy nước mặt sông Đuống gấp rút triển khai xây dựng các hạng mục giai đoạn 2./.

Theo quy hoạch và kế hoạch mở rộng Nhà máy nước mặt sông Đuống đến năm 2019, nhà máy sẽ đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm, chia thành hai kỳ đầu tư: Kỳ 1 đến năm 2018, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 150.000 m3/ ngày đêm và kỳ 2 đến năm 2019, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 300.000 m3/ ngày đêm.

Sau giai đoạn trên, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ được mở rộng lên công suất 600.000 m3/ ngày đêm vào năm 2023 và đạt công suất 900.000 m3/ ngày đêm trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đẩy mạnh hợp tác Việt - Nhật về công nghệ nhà máy nước
Đẩy mạnh hợp tác Việt - Nhật về công nghệ nhà máy nước

VOV.VN - Các công nghệ nhà máy nước tiên tiến của các công ty Nhật Bản đang được các đối tác Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng.

Đẩy mạnh hợp tác Việt - Nhật về công nghệ nhà máy nước

Đẩy mạnh hợp tác Việt - Nhật về công nghệ nhà máy nước

VOV.VN - Các công nghệ nhà máy nước tiên tiến của các công ty Nhật Bản đang được các đối tác Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng.

Khánh thành nhà máy nước giải khát number one lớn nhất miền Trung
Khánh thành nhà máy nước giải khát number one lớn nhất miền Trung

VOV.VN - Đây là nhà máy nước giải khát đầu tiên tại Việt Nam sở hữu công nghệ chiết Aseptic ABF có công suất lớn nhất thế giới hiện nay.

Khánh thành nhà máy nước giải khát number one lớn nhất miền Trung

Khánh thành nhà máy nước giải khát number one lớn nhất miền Trung

VOV.VN - Đây là nhà máy nước giải khát đầu tiên tại Việt Nam sở hữu công nghệ chiết Aseptic ABF có công suất lớn nhất thế giới hiện nay.

Nhà máy nước thải Yên Sở lộ sai sót nghìn tỷ đồng sau kiểm toán
Nhà máy nước thải Yên Sở lộ sai sót nghìn tỷ đồng sau kiểm toán

VOV.VN - Sai sót, bất cập trong giá trị nhà đầu tư đề nghị quyết toán với thành phố Hà Nội với tỷ lệ lên đến vài nghìn tỷ đồng.

Nhà máy nước thải Yên Sở lộ sai sót nghìn tỷ đồng sau kiểm toán

Nhà máy nước thải Yên Sở lộ sai sót nghìn tỷ đồng sau kiểm toán

VOV.VN - Sai sót, bất cập trong giá trị nhà đầu tư đề nghị quyết toán với thành phố Hà Nội với tỷ lệ lên đến vài nghìn tỷ đồng.