Nhập khẩu thực phẩm: Sao lại “chở củi về rừng”?!

VOV.VN -Trên thị trường đang bán rất nhiều loại thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các loại thịt bò, thịt gà, thịt lợn…

Điều đáng nói là giá các loại thực phẩm này chỉ cao hơn chút ít so với thịt cùng loại sản xuất ở trong nước. Đương nhiên, rất nhiều người tiêu dùng đã chọn mua các loại thịt này bởi giá cả phù hợp và thịt tươi ngon, còn về hình thức bao bì bảo quản thì hơn hẳn so với thịt cùng loại được bán trên thị trường. Nhiều người liên tưởng và ví von chuyện nhập khẩu này là “Chở củi về rừng”.

“Chở củi về rừng” trong trường hợp này đang mang lại lợi nhuận cho người nhập khẩu, mang lại nhiều cơ hội chọn lựa hàng hóa hơn cho người tiêu dùng trong nước, và không hề vi phạm các quy định của Nhà nước. Nói cách khác, đây là hoạt động lưu thông hàng hóa bình thường của một thị trường toàn cầu, lưu thông theo quy luật cung cầu và giá cả.

Tuy nhiên, các nhà chăn nuôi trong nước thì bức xúc bởi các loại thịt nhập khẩu này đang tạo thêm khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ khi tình hình chăn nuôi ở trong nước lâu nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cho đến nay, thức ăn chăn nuôi vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài làm chủ thị trường, nguyên liệu sản xuất hầu như phải nhập khẩu với giá cao, dẫn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi cũng cao. Đáng tiếc, một nước có tỷ trọng nông, ngư nghiệp đóng góp vào GDP cao như nước ta mà nguyên liệu cung cấp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi lại phải nhập khẩu, từ cám gạo, ngô hạt, bột ngô cho đến bột cá, bột tôm và nhiều loại nguyên liệu khác. Cùng với đó là thuốc thú y, con giống, bệnh dịch gia súc gia cầm…, tạo nên một mặt bằng giá thành chăn nuôi khá cao trong khi giá bán sản phẩm ra thị trường lại thường thấp.

Theo cam kết khi gia nhập WTO, chúng ta chỉ còn 4 mặt hàng là được hạn chế nhập khẩu vào thị trường trong nước (bằng cách cấp hạn ngạch cho phép nhập khẩu) là muối, đường ăn, trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu. Đáng ngại là hiện nay, nhiều loại hàng hóa, trong đó có các loại thịt được nhập lậu, nhập trốn thuế, trốn kiểm soát kiểm dịch và an toàn thực phẩm nên giá rất thấp, vào thị trường đã cạnh tranh ngoạn mục với các loại thịt gia súc gia cầm sản xuất trong nước.

Trong khi đó, nghịch lý khác cũng đang diễn ra. Đã từng xảy ra rất nhiều lần, ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong khi hàng nông lâm thủy sản tươi sống của Việt Nam bị dồn ứ, tồn đọng đến thối, nát phải đổ bỏ thì hàng đoàn xe ăm ắp rau quả từ bên kia biên giới lại nối đuôi nhau vào thị trường trong nước rồi tỏa đi các địa phương. Trong số hàng nhập khẩu còn có cả tăm tre, đũa, giấy, giày dép, quần áo, đồ gia dụng... Rồi ở các cửa khẩu của các tỉnh phía Nam, các mặt hàng như đường, lúa, gạo cũng từ bên kia biên giới đổ vào.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và theo cam kết của nước ta với các tổ chức quốc tế mà chúng ta tham gia, đặc biệt là với WTO, hầu hết hàng hóa của các nước đều được xuất, nhập khẩu với mức thuế hải quan nhỏ nhất có thể để tiến tới tự do thương mại toàn cầu. Đó là điều mọi thành viên của các tổ chức phải tuân thủ. Nhưng cùng với các quy định và cam kết ấy còn có các biện pháp phi thuế quan - vẫn được gọi là rào cản thương mại, khiến các loại hàng hóa ngoại không thể cứ ào vào thị trường trong nước để cạnh tranh và chèn ép hàng trong nước một cách vô lý.

Được biết ngay cuối tháng 12/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi trong nước đối với nông hộ. Thế nhưng còn một yếu tố quan trọng hơn, sẽ có tác động rất mạnh và mang lại hiệu quả cao - chính là trách nhiệm công dân, tức là trách nhiệm của mỗi nhà doanh nghiệp và mỗi người tiêu dùng Việt Nam.

Theo quy luật, có cầu ắt có cung, hàng hóa có tiêu thụ được thì doanh nghiệp mới nhập khẩu. Xét về hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp nhập khẩu không hề có lỗi khi nhập khẩu hàng hóa, thậm chí còn có thành tích làm lợi cho doanh nghiệp, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Xét về nhu cầu tiêu dùng, người dân cũng không hề có lỗi. Khi hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng, người tiêu dùng có quyền lựa chọn hàng hóa phù hợp với nhu cầu của mình.

Tuy nhiên, xét về trách nhiệm công dân, mỗi doanh nghiệp và mỗi người tiêu dùng cần có những hành động sáng suốt và hợp lý.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động mang ý nghĩa thật lớn lao. Với người tiêu dùng, cuộc vận động nhằm kêu gọi hãy ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng. Với các nhà doanh nghiệp, cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng tốt và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Có như thế, “củi” ở ngay tại “rừng” sẽ được ưu tiên sử dụng, và lượng “củi” từ nơi khác chở về sẽ phải tự giảm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên