Thực phẩm nuôi trồng bằng chất hữu cơ “hút” người tiêu dùng
VOV.VN - Sử dụng thực phẩm hữu cơ là xu hướng mới của nhiều người tiêu dùng do chất lượng sản phẩm tốt, nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong bối cảnh các loại thực phẩm bẩn, không an toàn tràn lan trên thị trường, nhiều người tiêu dùng đang tìm đến một loại thực phẩm tin cậy, chất lượng hơn, đó là được nuôi trồng bằng chất hữu cơ. Đây là xu hướng mới của nhiều người tiêu dùng hiện nay, do chất lượng sản phẩm tốt, nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối.
Thực phẩm hữu cơ không chứa các chất kích thích tăng trưởng hay tạo nạc. |
Qua tìm hiểu chị được biết, thực phẩm hữu cơ là những sản phẩm an toàn vệ sinh không chứa các chất kích thích tăng trưởng hay tạo nạc, được nuôi hoàn toàn bằng thức ăn tự nhiên như: cám, gạo... chất lượng của thực phẩm hữu cơ cũng cao hơn sản phẩm thông thường khác...
“Cảm quan hàng hóa đã đem đến cho người tiêu dùng sự yên tâm. Thực phẩm qua sơ chế đẹp mắt, đảm bảo vệ sinh hơn so với việc mua các mặt hàng ngoài chợ vì được đóng gói cẩn thận và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trong quá trình chế biến, các sản phẩm thực phẩm như thịt không có bọt bẩn, khi nấu không có mùi kháng sinh. Đối với cá, thịt gà thịt dai và chắc nên nhiều người tiêu dùng rất hài lòng về chất lượng”, chị Hoa chia sẻ.
Thực phẩm hữu cơ trên thị trường hiện nay rất đa dạng và có nhiều loại như rau, thịt gà, thịt lợn, giò, chả, cá... Qua khảo sát tại một số cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ, giá của loại thực phẩm này đắt gấp 2-3 lần so với giá của thực phẩm bán ngoài chợ hay trong siêu thị. Cụ thể, thịt gà 250.000 đồng/kg, cá thu 450.000 đồng/kg, tôm sú 580.000 đồng/kg, giò chả 250.000/kg...
Chị Nguyễn Ngọc San, Chủ của chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Clever Food tại Hà Nội cho biết, để có được thực phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn, từ khâu nuôi, chăm sóc đến khi giết mổ, bảo quản sẽ phức tạp hơn và mất nhiều thời gian so với thực phẩm thông thường (thời gian nuôi thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm mới được giết mổ).
Các loại cá hữu cơ được đánh bắt tự nhiên tại đảo Phú Quốc, sông Lô, sông Đà... Trung bình mỗi ngày, hệ thống cửa hàng Clever Food có từ 150-200 lượt khách tới mua thực phẩm hữu cơ.
“Khách hàng thường bị ảnh hưởng bởi tâm lý và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, khi sử dụng sản phẩm hữu cơ sẽ thấy khác biệt so với thực phẩm an toàn bởi độ ngọt, chắc, thơm của sản phẩm. Thời gian tới, xu hướng thực phẩm hữu cơ sẽ được khách hàng quan tâm nhiều hơn và người tiêu dùng sẽ hướng tới sự an toàn tuyệt đối hơn cho sức khỏe bằng cách lựa chọn các sản phẩm hữu cơ”, chị San cho biết.
Hiện nay, tại Hà Nội có gần 100 cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ, với ưu thế và độ an toàn vượt trội, thực phẩm hữu cơ ngày càng “hút” người mua. Ông Lê Văn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm chứng nhận hữu cơ, thuộc Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, khi tìm mua thực phẩm hữu cơ, người tiêu dùng nên đến các siêu thị hoặc các cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ có uy tín, sản phẩm đã được công nhận, chứng thực bởi Hiệp hội hữu cơ Việt Nam.
Theo ông Hùng, sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam cũng như trên thế giới được đánh giá là sản phẩm có độ an toàn cao nhất. Bản thân quá trình sản xuất ra sản phẩm hữu cơ được kiểm soát hoàn toàn các nguyên liệu đầu vào. Trong sản xuất hữu cơ không sử dụng phân bón, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng và đất cũng như thức ăn cho động vật được kiểm soát rất chặt chẽ. Do vậy sản phẩm là sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Các nước tiên tiến trên thế giới cũng như Việt Nam hiện nay xu hướng người tiêu dùng đang tìm đến sản phẩm hữu cơ an toàn, trong bối cảnh khi cả nước đang tuyên chiến với thực phẩm bẩn thì đây là xu hướng và là sự lựa chọn thông minh”, ông Hùng cho biết.
Thực phẩm hữu cơ đang trở thành một trào lưu tiêu dùng cũng như đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định nào cụ thể về chứng nhận hữu cơ và kiểm soát sản phẩm hữu cơ khi đưa ra thị trường. Vì vậy, Nhà nước cần có những biện pháp quản lý để minh bạch thị trường, vừa đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tránh tình trạng lập lờ nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, gây mất lòng tin của người tiêu dùng./.