Thương hiệu quốc gia: Người tiêu dùng cần gì do doanh nghiệp tạo ra?
VOV.VN - Cộng đồng DN Việt Nam cần vươn tới những giá trị thương hiệu mới, từ đó chủ động nâng tầm thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.
“Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập” là vấn đề được nhiều diễn giả đưa ra bàn thảo tại hội thảo do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 29/12, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc đổi mới chính sách của Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam sẽ tạo ra những bước phát triển mới cho DN ngày càng vững mạnh, chiếm lĩnh vị trí cao trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, các diễn giả đã đưa ra nhiều kiến nghị, tham mưu khả thi cho Chính phủ và cơ quan liên quan trong việc xây dựng Chiến lược THQG Việt Nam phù hợp xu thế hội nhập; giúp cộng đồng DN Việt Nam vươn tới những giá trị thương hiệu mới, từ đó chủ động nâng tầm thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương), Phó trưởng ban Thường trực, Ban thư ký Chương trình THQG Việt Nam cho biết, thông qua Chương trình THQG, nhiều tập đoàn và DN Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu, coi như chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của DN.
“Các DN đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, năm 2019, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG đã xuất khẩu hàng hóa với giá trị gần 123.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 5,3 tỷ USD) tăng 203% so với năm 2016 (đạt mức 60.000 tỷ đồng); các DN này đã tạo việc làm cho trên 350.000 lao động, nộp NSNN đạt trên 197.000 tỷ đồng, kinh phí tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện đạt trên 9.500 tỷ đồng”, ông Chiến cho biết.
Cũng theo ông Chiến, khi 1 DN có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của DN đó cũng sẽ được nâng cao. Khi một quốc gia có nhiều DN với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ.
“Khi con số DN có sản phẩm đạt THQG tăng cao qua các thời kỳ có nghĩa là số lượng các thương hiệu mạnh của Việt Nam đang dần tăng cao. THQG Việt Nam sẽ càng có cơ hội vươn mình cùng sánh vai với thương hiệu quốc gia của các nước khác trong khu vực và trên thế giới”, ông Chiến khẳng định.
Để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho các DN, xứng tầm là doanh nghiệp đại diện cho THQG Việt Nam trong giai đoạn mới, ông Chiến cho rằng, chương trình đặt mục tiêu mỗi năm tăng 10% số lượng DN được vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới, đồng thời 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
“Thông qua việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa, dịch vụ có thương hiệu đến người tiêu dùng trong nước trên truyền hình và các phương tiện truyền thông, như vậy sẽ tôn vinh các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đạt THQG, khích lệ và hỗ trợ các DN có sản phẩm đạt THQG khẳng định mình, tăng niềm tin trong cộng đồng và phát triển kinh doanh một cách thiết thực đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có chất lượng, đạt THQG tại thị trường trong nước”, ông Chiến cho biết.
Theo quan điểm của ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SUNHOUSE - Đại diện cho các DN có sản phẩm đạt THQG 2020, các DN cần hiểu chính xác về THQG Việt Nam để ủng hộ đúng đắn, nhằm kích thích tăng trưởng của đất nước. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển và bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, DN, địa phương và quốc gia.
Do đó theo ông Phú, mỗi DN đều có chiến lược riêng để xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu một cách bền vững. Thương hiệu của DN đó không chỉ được khẳng định được ở trong nước, mà còn được biết đến và chấp nhận khi vươn ra thế giới và đây chính là niềm tự hào của mỗi DN bởi sản phẩm đã tạo dựng được hình ảnh, đất nước, con người của Việt Nam.
Để tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra trong thời kỳ mới, trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các DN ngày càng gay gắt, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) đề nghị các DN cần nhìn nhận rõ những hạn chế về phát triển THQG, thương hiệu DN, thương hiệu sản phẩm.
“Ngoài cơ chế tốt, bản thân DN phải nỗ lực, quyết tâm và có khát vọng, đam mê, sáng tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ THQG Việt Nam. Nếu vận dụng hiệu quả, THQG sẽ tạo ra cơ hội để DN vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa”, ông Phú khích lệ./.