Thụy Điển coi trọng vai trò thương mại của Việt Nam trong khối ASEAN
VOV.VN - Theo Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander, Thụy Điển ngày càng coi trọng vai trò về thương mại của Việt Nam trong khối ASEAN.
Đại sứ Thụy Điển Camilla Mellander cho biết: "Nắm chắc và đầy đủ các quy định và tiêu chuẩn của EU sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tương đối so với các nhà xuất khẩu đến từ các nước khác”.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Camilla Mellander phát biểu tại hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang Thụy Điển và Liên minh châu Âu (EU)”, diễn ra tại Hà Nội sáng 26/4. |
Bà Camilla Mellander nhấn mạnh, Thụy Điển ngày càng coi trọng vai trò về thương mại của Việt Nam trong khối ASEAN. Kể từ năm 2013, Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước thành viên ASEAN là đối tác thương mại của EU.
Còn bà Nesli Almufti, chuyên gia chính sách thương mại đến từ Cục Thương mại Thụy Điển cho rằng, Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở cả châu Âu và Việt Nam. Thụy Điển là một thành viên của EU, mọi quy định chung của EU sẽ được áp dụng ở Thụy Điển. Khi tiếp cận được thị trường Thụy Điển, có thể sẽ tiếp cận được các nước khác như Pháp, Ý, Đức….
Bà Nesli Almufti, chuyên gia chính sách thương mại đến từ Cục Thương mại Thụy Điển (bên phải). |
Bà Nesli Almufti cho biết thêm: "Với cá nhân tôi, người tiêu dùng Thụy Điển có xu hướng sử dụng các sản phẩm organic (sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ tự nhiên). Người dân Thụy Điển cũng mong muốn sử dụng hàng hóa có chất lượng cao, mặc dù giá cả có thể đắt hơn một chút. Quan trọng nhất là hàng hóa ấy được sản xuất như thế nào, có ảnh hưởng đến môi trường hay không, có đáp ứng các tiêu chuẩn về xã hội hay không… Khi tiếp cận thị trường Thụy Điển, cần lưu ý quốc gia này sử dụng đồng tiền riêng của mình chứ không sử dụng đồng tiền chung châu Âu”.
Các doanh nghiệp muốn tìm hiểu về các quy định xuất khẩu sang thị trường Thụy Điển nói riêng và thị trường châu Âu nói chung có thể truy cập trang web www.opentradegate.se để tham khảo; hoặc trực tiếp gửi câu hỏi đến hộp thư info@opentradegate.se để nhận được giải đáp từ Cục Thương mại Thụy Điển.