Tiếp sức cho phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo
VOV.VN - Với sự đồng hành của Trung ương, tỉnh và Hội liên hiệp phụ nữ các cấp bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, như hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, tạo mô hình sinh kế, học nghề... giúp nhiều chị em phụ nữ tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát huy được năng lực trong phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Chị Súc Thị Mỹ lệ ở xã Long Phú, huyện Long Phú là một trong những điển hình phụ nữ vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay với mô hình trồng sen lấy ngó và chăn nuôi bò thịt, cho thu nhập gia đình vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Gia đình chị Lệ trước đây cũng là hộ nghèo, thiếu tư liệu sản xuất nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội với lần lượt là 30 triệu đồng, 50 triệu đồng và 100 triệu đồng để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, chị đã mạnh dạn chọn mô hình trồng sen lấy ngó kết hợp nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình.
Với sự quyết tâm thoát nghèo, vươn lên làm giàu, chị Lệ và gia đình đã từng bước nhân rộng mô hình. Hiện nay, với hơn 10 công đất thuê để trồng sen, chị Lệ chia thành 2 đợt trồng sen kẽ để thu hoạch ngó sen quanh năm. Thời gian cách 3 ngày sẽ lấy ngó sen một lần, mỗi lần thu hoạch được vài chục kg giúp cho gia đình chị có nguồn thu nhập khá quanh năm. Ngoài ra, mô hình nuôi bò thịt của gia đình cũng từng bước nhân rộng với khoảng chục con bò.
“Trước đây tôi cũng đi làm mướn cho người ta, thấy mô hình trồng sen hiệu quả về cũng thuê đất trồng, lời hơn mình làm lúa. Trồng sen thì vất vả nhất là lúc thu hoạch, nhưng lợi nhuận cao, giúp gia đình có nguồn thu ổn định lo con cái ăn học” - chị Lệ chia sẻ.
Hiện tại, các cấp Hội Phụ nữ huyện Long Phú tiếp tục duy trì các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với 839 tổ, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm, hùn vốn, vay vốn, tương trợ có hơn 8.300 thành viên. Riêng trong năm 2023 đã giúp cho 612 chị phát triển kinh tế gia đình, với số tiền gần 1 tỷ đồng. Đồng thời tranh thủ từ các nguồn vốn của Hội Phụ nữ tỉnh, với số tiền trên 1 tỷ đồng, giúp 133 hội viên vay, thực hiện các mô hình như nuôi dê, nuôi bò, gà thả vườn, trồng trọt, mở rộng sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo.
Chị Thạch Thị Oành Thu, ấp Trường Thành A, xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Từ khi có nguồn vốn hỗ trợ từ phụ nữ vay số tiền 20 triệu từ đó gia đình có điều kiện mở rộng thêm mô hình buôn bán, giải khát, tạo được thêm nguồn thu nhập cho gia đình, cuộc sống cũng khá giả hơn trước”.
Tại tỉnh Sóc Trăng, trong những năm qua, chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, phụ nữ khởi nghiệp đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, góp phần khẳng định được vị thế của phụ nữ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực trong sản xuất, kinh doanh. Từ các nguồn hỗ trợ, nhiều phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, đặc biệt nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn, có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Chị Lý Thị Thanh Xuân, ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, chia sẻ, gia đình gắn bó với cây hồng nhung đã hơn 5 năm nay, từ khi được địa phương tạo điều kiện tiếp cận vay vốn để sản xuất kinh doanh. Ban đầu chị chỉ mua trái vào, chọn những loại trái có hạt để ươm giống. Sau thời gian sản xuất, giống cây Hồng nhung từng bước phát triển, mở rộng quy mô với số lượng lên đến hàng chục ngàn cây giống hiện nay.
Chị Xuân cho biết thêm, gia đình kinh doanh bán sỉ và lẻ đối với giống hồng nhung, khách hàng chủ yếu đến từ các địa phương như Cù Lao Dung (Sóc Trăng), tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp… Bán được nhất là vào mùa mưa. Ước tính trung bình mỗi năm, chị thu về khoảng 70 triệu đồng tiền lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh giống cây này.
“Cơ sở của tôi hiện tại là có bán hạt giống, bán cây lớn nhỏ tùy theo nhu cầu của khách, kể cả những cây đang cho trái. Cây lớn thì bán tuỳ theo vành, tùy theo nhu cầu, cây nhỏ thì giá rẻ hơn. Thành viên thì tham gia ươm cây giống, rồi bán cho tổ hợp tác. Mỗi cây như vậy thì tôi mua về 10.000 đồng. Tuy theo cây lớn nhỏ, xấu đẹp” - chị Xuân nói.
Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đã rất quan tâm trong triển khai thực hiện Đề án 939 về “hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2025, theo đó, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ nhiều hội viên phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công. Ngoài ra, giải ngân từ nguồn vốn do Hội quản lý đã uỷ thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh xét, phát vay khoảng 15 tỷ đồng cho 761 hội viên phụ nữ.
Đồng thời tổ chức chức các hoạt động, như Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp; phát động cho doanh nghiệp, HTX, THT, hộ kinh doanh tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, từ đó, đã giúp cho hội viên phụ nữ được giao lưu chia sẻ, có thêm kinh nghiệm mở rộng kinh doanh, tổ chức kết nối thị trường, giới thiệu quảng bá sản phẩm, thực hiện hoá các ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp của phụ nữ.
Bà Trần Thị Kim Phượng, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh thêm: “Sắp tới chúng tôi cũng sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch số 191 về thực hiện đề án hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 và đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Chúng tôi quan tâm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có hiệu quả, trong đó, chú trọng các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp nữ mới thành lập; kết nối hỗ trợ vốn, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của phụ nữ”.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng tiếp tục khuyến khích phụ nữ ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh trên nền tảng số; vận động phụ nữ tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn; tiếp tục vận động phụ nữ tham gia các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm xây dựng chuỗi liên kết, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tiếp cận thị trường.