Tín dụng tăng mạnh, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn
VOV.VN -Tính đến 25/8/2015, tín dụng nền kinh tế tăng 9,54% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 4,33% của cùng kỳ năm 2014.
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) vừa cho biết, tính đến ngày 25/8/2015, tín dụng nền kinh tế tăng 9,54% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 4,33% của cùng kỳ năm 2014. Dòng vốn tín dụng vẫn chảy mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn của các TCTD (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng 8 ước tăng 9% so với 31/12/2014.
Tín dụng nền kinh tế 8 tháng vừa qua tăng mạnh (Ảnh minh họa: KT) |
Dư nợ cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại tính đến cuối tháng 6/2015 cũng đều tăng, như: xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, “tăng trưởng tín dụng tốt, trích lập dự phòng rủi ro tăng. Tăng trưởng tín dụng tốt hơn, khu vực doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn phần nào giúp khoản mục “lãi dự thu” của các NHTM cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ 2014”.
Hiện tại, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) duy trì ở mức dưới 80%; với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức dưới 85%. Những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng khá, hệ số NIM tăng nhẹ, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến khả năng sinh lời của khối NHTM giảm.
Dự báo những tháng còn lại của năm nay, Ủy ban GSTCQG cho rằng, thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam hiện đã có liên thông nhất định đến thị trường tài chính quốc tế và chịu ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, công tác truyền thông đóng vài trò hết sức quan trọng để duy trì lòng tin của thị trường. UBGSTCQG khuyến nghị các cơ quan hoạch định chính sách cần tăng cường công tác truyền thông để định hướng thị trường theo mục tiêu chính sách.
“Các thông điệp chính sách cần rõ ràng nhưng cần linh hoạt để đảm bảo tính nhất quán trong thông tin và thống nhất, đồng bộ giữa thông điệp chính sách và hành động”./.