Tổng kết mô hình sản xuất kinh doanh nông sản theo VietGAP
VOV.VN-Từ năm 2007 đến nay, 20 mô hình điểm về trồng trọt-chăn nuôi-giết mổ và kinh doanh thực phẩm tại 8 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hôm nay (19/9), tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn) và Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm phối hợp tổ chức Hội thảo tổng kết, phổ biến mô hình điểm chuỗi sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap.
Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm do cơ quan phát triển quốc tế Canada tài trợ, thực hiện từ năm 2007, với 20 mô hình điểm về trồng trọt-chăn nuôi-giết mổ và kinh doanh thực phẩm tại 8 tỉnh, thành phố trong cả nước. Hầu hết các mô hình này đến nay đã được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGap).
Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap tại vùng chè Bảo Thắng, Lào Cai (Ảnh: Báo Lào Cai) |
Theo ông Nguyễn Viết Hoan, điều phối viên của dự án, hiện Dự án đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm giúp nông sản thực phẩm an toàn tiếp cận thị trường, cụ thể là xây dựng thương hiệu, thiết kế logo VietGAP, bao bì, nhãn mác sản phẩm và quảng bá. Dự án còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ cơ sở và bà con nông dân về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
“Dự án đã tổ chức tham quan, học tập cho 54 cán bộ cấp tỉnh, thành phố, 574 cán bộ và gần 3.000 nông dân và người lao động trực tiếp đã được đào tạo về VietGAP và GMPs. Kết quả chung đạt được là mức tăng nhận biết thực hành chuẩn cũng như nhận thức về tầm quan trọng của việc áp dụng những quy phạm này ở các cơ sở thực hiện VietGAP là đạt 72%, trong khi đó ở những đối tượng không tham gia áp dụng VietGAP chỉ đạt ở mức là 58%”
Hội nghị khẳng định từ những kết quả đạt được, dự án đã hỗ trợ các Cục, Vụ có liên quan trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm và văn bản hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm, giúp nông dân và những người sản xuất kinh doanh nông sản thay đổi cách nghĩ và cách làm, góp phần đem lại lợi ích lớn hơn cho người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng./.