Trạm thu phí mọc lên như nấm: Quốc hội cũng phải có trách nhiệm
VOV.VN - Đại biểu mong muốn Quốc hội nên chia sẻ trách nhiệm với cơ quan điều hành, không nên để mặc Chính phủ tự làm một mình rồi lại chất vấn.
Thảo luận về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, chiều 28/3, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng, có một thực tế đang diễn ra là, đáng lẽ một khi Quốc hội đã thông qua luật thì phải giải thích được luật đó đó có lợi như nào.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên đề cao chức năng giám sát và chia sẻ trách nhiệm của Quốc hội với cơ quan điều hành. |
“Tuy nhiên trên thực tế, Quốc hội thường cứ để mặc Chính phủ làm một mình, cứ như cơ quan Quốc hội không phải là người làm công tác pháp luật, công tác điều hành, không phải chịu trách nhiệm… rồi sau đó rồi cả Quốc hội lại phải chạy theo ra nghị quyết để sửa điều ấy, cá nhân tôi thấy cần rút kinh nghiệm”, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên lưu ý.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên lấy ví dụ, tại Quốc hội khóa XII, nhiều đại biểu đã bỏ phiếu không thông qua Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam nhưng thông qua bổ sung vốn trái phiếu 160.000 tỷ đồng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh bằng hình thức TPP, BOT… Đương nhiên nếu đã làm đường bộ theo hình thức đó thì phải lập ra trạm thu phí, nhưng trạm thu phí sẽ ảnh hưởng đến cước vận tải, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến người dân…
“Vậy mà đến cuối kỳ các đại biểu lại lại phản ánh ý kiến của người dân về việc “trạm thu phí mọc lên như nấm”. Quốc hội cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với Chính phủ chứ! Không phải Quốc hội cứ biểu quyết xong rồi khi thấy phát sinh vấn đề rồi mới lại chất vấn từ Bộ trưởng GTVT cho đến Bộ trưởng Tài chính. Với những gì đã diễn ra, Quốc hội nên chia sẻ trách nhiệm với cơ quan điều hành”, Đại biểu Kiên nêu rõ.
Đại biểu cũng cho rằng, nhiệm vụ của Quốc là xem xét biểu quyết thông qua các vấn đề quan trọng, tuy nhiên tài liệu các cơ quan chuẩn bị cho Đại biểu Quốc hội thường là thiếu và yếu, không có liên kết với nhiệm kỳ khóa trước cho nên quyết sách lúc đó thì đúng nhưng sau thì nảy sinh nhiều vấn đề.
Hoặc như từ những thực tế triển khai công tác giám sát, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, sau 2 năm Quốc hội thông qua Hiến pháp (năm 2013), công tác triển khai nhiệm vụ giám sát Hiến pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội “có vấn đề”…
“Nếu chúng ta liên kết báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng sẽ thấy: Có nhiều vấn đề được quy định trong Hiến pháp nhưng trong 2 năm qua chưa triển khai được trọn vẹn mà vẫn chưa tìm được lí do để còn hỗ trợ Bản thân Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có giám sát cụ thể để bộ máy nhà nước thực hiện đúng Hiến pháp, trong đó có vai trò giải thích. Khi nói về điều 60 Bảo hiểm xã hội, các đại biểu bảo là luật ban hành thì là đúng, sau đó phát sinh vấn đề thì rụt rè né tránh, coi đó là trách nhiệm của Chính phủ…”, Đại biểu Kiên nói./.