Trung Quốc năm 2023 tiếp tục là động lực của kinh tế thế giới?

VOV.VN - Dù không đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2022, nhưng với sự nới lỏng các biện pháp kiểm soát Covid-19 và quyết tâm mở cửa trở lại đất nước, kinh tế Trung Quốc hứa hẹn sẽ hồi sinh trong năm 2023.

Năm 2022 sắp qua đi với muôn vàn khó khăn đối với Trung Quốc. Dịch bệnh, thiên tai, cạnh tranh địa chính trị... khiến nền kinh tế thứ hai thế giới không thể đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Tuy nhiên, với sự nới lỏng mạnh tay các biện pháp kiểm soát Covid-19 vào cuối năm và quyết tâm mở cửa trở lại đất nước để phục hồi tăng trưởng và vực dậy niềm tin thị trường, kinh tế Trung Quốc hứa hẹn sẽ hồi sinh trong năm 2023.         

Kinh tế cuối năm không mấy lạc quan

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng đáng kể kiểm soát Covid-19 từ tháng 11, nhưng do tác động của dịch bệnh từ trước đó và các lệnh phong tỏa mỗi khi dịch bùng phát, các hoạt động kinh tế của nước này tiếp tục xấu đi trên diện rộng trong tháng 11.  

Dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố giữa tháng 12/2022 cho thấy, tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội tháng 11 giảm 5,9% so với cùng kỳ, mức giảm lớn nhất trong nửa cuối năm. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp số liệu này của Trung Quốc giảm.

Theo nhà thống kê Phó Gia Kỳ của NBS, tháng 11, dịch cộng đồng ở Trung Quốc đã lan rộng ra hầu hết các tỉnh, thành, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, khiến doanh số hàng hóa không thiết yếu và tiêu dùng quần tụ chịu tác động rõ rệt. Ngành ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề nhất với doanh thu giảm 8,4%, doanh số bán lẻ hàng hóa cũng giảm 5,6%.

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị khảo sát trên toàn quốc là 5,7%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng 10, trong đó tỷ lệ này của 31 thành phố lớn lên tới 6,7%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với tháng 10, mức cao nhất kể từ tháng 5/2022.

Công nghiệp của Trung Quốc cũng chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với mức 5% của tháng 10 và kỳ vọng của thị trường. Giá nhà ở mới tại 70 thành phố lớn và vừa giảm 15 tháng liên tiếp và chưa có dấu hiệu chạm đáy. Mặc dù giá nhà giảm, nhưng doanh số bán nhà tính trên diện tích vẫn không tăng, thậm chí giảm tới 31%, lớn hơn mức giảm 23% của tháng 10.

Trong tháng 10, cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đã ban hành hàng loạt biện pháp giải cứu thị trường bất động sản, nhằm giúp các công ty nhà đất giảm bớt áp lực thanh khoản. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các chính sách này chủ yếu giải quyết vấn đề từ phía cung. Để cải thiện tình trạng phía cầu, vẫn cần dựa vào sự cải thiện chung của nền kinh tế để củng cố niềm tin của người mua nhà. Điều này đòi hỏi nỗ lực chính sách sâu rộng hơn và cần có thêm thời gian.

Hàng loạt dự báo cho thấy, trong năm 2022, GDP của Trung Quốc sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng khoảng 3% - mức thấp nhất trong gần nửa Thế kỷ qua, trừ năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 20/12 thậm chí hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 xuống còn 2,7%, giảm mạnh so với mức 4,3% đưa ra hồi tháng 6.

Các chuyên gia cho rằng, dịch bệnh bùng phát nhanh chóng trên toàn quốc sau khi Trung Quốc liên tiếp nới lỏng phòng chống dịch, sẽ tiếp tục khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với rủi ro suy giảm và phải đợi đến sau Tết Nguyên đán mới dần có dấu hiệu hồi phục. Việc Trung Quốc không thể đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% đề ra hồi đầu năm đã trở thành sự thật hiển nhiên.

Hướng đi nào trong năm 2023?

Trung Quốc vừa tổ chức Hội nghị công tác kinh tế Trung ương thường niên ngày 15-16/12 tại Bắc Kinh. Đây là cuộc họp về công tác kinh tế đầu tiên sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hội nghị này giúp thế giới có thể “bắt mạch” được những điều chỉnh, thay đổi chính sách và hướng đi của kinh tế Trung Quốc trong năm 2023.

Hội nghị nhận định, nền tảng cho sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc hiện chưa vững chắc, ba áp lực lớn gồm “nhu cầu thu hẹp, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu” vẫn tương đối lớn; ảnh hưởng từ sự bất ổn của môi trường bên ngoài đối với nền kinh tế ngày càng sâu sắc.

Xét về các chủ trương lớn, các khái niệm như “ổn định là ưu tiên hàng đầu, tiến lên trong ổn định”, “chính sách tài khóa tích cực và chính sách tiền tệ thận trọng”, “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”..., cơ bản giống cuộc họp năm 2021, thậm chí là năm 2020.

Tuy nhiên, cũng có nhiều cách diễn đạt rất khác so với các năm trước, chẳng hạn “vực dậy mạnh mẽ niềm tin thị trường”, “chú trọng mở rộng nhu cầu trong nước”, lấy việc thực hiện trên thực tế “hai không dao động” (tức không dao động trong việc củng cố và phát triển kinh tế nhà nước, không dao động trong việc khuyến khích, hỗ trợ và dẫn dắt sự phát triển của kinh tế ngoài nhà nước) để cải thiện kỳ ​​vọng tâm lý xã hội và vực dậy niềm tin phát triển...

Theo giải mã của truyền thông Trung Quốc, Hội nghị này phát đi 7 tín hiệu đáng chú ý, gồm đặt phục hồi và mở rộng tiêu dùng ở vị trí ưu tiên; thể hiện thái độ rõ ràng trong việc nghiêm túc thực hiện “hai không dao động”; khẳng định đầy đủ vai trò của kinh tế nền tảng, không đề cập đến việc chống độc quyền và mở rộng vốn mất trật tự; định hướng phát triển bất động sản và ngăn ngừa rủi ro hệ thống; lấy “ổn định” làm đầu, giữ vững niềm tin làm tốt công tác kinh tế; nêu rõ chính sách tài khóa và tiền tệ phải duy trì mức độ mạnh mẽ cần thiết; thúc đẩy mở cửa mức độ cao, nhấn mạnh tầm quan trọng của xuất khẩu đối với nền kinh tế.

Các mục tiêu dài hạn như “thịnh vượng chung”, “đạt đỉnh carbon và trung hòa carbon” được thảo luận trong hội nghị năm ngoái đã không còn được đề cập trong năm nay, thay vào đó là “kiên quyết ngăn chặn tình trạng tái nghèo trên quy mô lớn” và “thúc đẩy chuyển đổi xanh trong kinh tế xã hội”. Điều này cho thấy, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đang chuyển từ tập trung vào các mục tiêu phát triển dài hạn sang ổn định kinh tế trong ngắn hạn.

Theo các nhà phân tích, mở rộng tiêu dùng và tăng cường hỗ trợ kinh tế tư nhân là hai điểm đáng chú ý trong chính sách điều hành kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023.

Tiếp tục là động lực của kinh tế thế giới

Sau Hội nghị công tác kinh tế Trung ương, một số quan chức cấp cao và học giả trong lĩnh vực tài chính kinh tế của Trung Quốc đã bày tỏ sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế trong năm tới.

Một ngày sau Hội nghị công tác kinh tế Trung ương, phát biểu tại Hội nghị kinh tế Trung Quốc 2022-2023 hôm 17/12, ông Hàn Văn Tú, Phó chánh Văn phòng Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương nhận định, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới có thể suy giảm đáng kể vào năm tới, trong khi nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trở lại.

Về tốc độ tăng trưởng năm 2023, Sách Xanh Kinh tế do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố mới đây dự đoán, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng khoảng 5,1% vào năm 2023. Cựu Thứ trưởng Bộ Thương mại nước này Ngụy Kiến Quốc thậm chí lạc quan cho rằng, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng tới 8% trong năm tới.

Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Morgan Stanley cũng nâng dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm sau lên 5,4% so với mức trước đó là 5%. Nếu như trước đó ngân hàng này từng dự báo hoạt động kinh tế Trung Quốc sẽ thực sự phục hồi từ cuối quý II/2023, nay họ nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cải thiện từ đầu tháng Ba năm sau.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng cho rằng, Trung Quốc có không gian tài chính để thúc đẩy nền kinh tế và chống lại áp lực suy giảm. Trong khi đó, các nhà phân tích của công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Societe Generale nhận định, Trung Quốc sẽ có 3-4 quý tăng trưởng mạnh, bắt đầu từ quý II hoặc quý III/2023. Họ đồng thời dự báo kinh tế nước này có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 5% vào năm 2023.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và sẽ phải mất một thời gian để thoát khỏi ảnh hưởng của dịch bệnh, song nhiều nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế lớn thế hai thế giới sẽ hồi sinh và tiếp tục trở thành động lực của kinh tế thế giới trong năm 2023./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc giữ vững thành quả kinh tế trong khó khăn
Trung Quốc giữ vững thành quả kinh tế trong khó khăn

VOV.VN - Việc thực hiện các gói chính sách và giải pháp để ổn định nền kinh tế Trung Quốc đã phát huy vai trò hỗ trợ quan trọng trong, đối phó với những tác động bất ngờ, thúc đẩy nền kinh tế vận hành ổn định.

Trung Quốc giữ vững thành quả kinh tế trong khó khăn

Trung Quốc giữ vững thành quả kinh tế trong khó khăn

VOV.VN - Việc thực hiện các gói chính sách và giải pháp để ổn định nền kinh tế Trung Quốc đã phát huy vai trò hỗ trợ quan trọng trong, đối phó với những tác động bất ngờ, thúc đẩy nền kinh tế vận hành ổn định.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng
Kinh tế Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng

VOV.VN - Việc liên tục tối ưu hóa các biện pháp phòng chống dịch và sự giải phóng dần tác dụng của các chính sách ổn định kinh tế, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng

Kinh tế Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng

VOV.VN - Việc liên tục tối ưu hóa các biện pháp phòng chống dịch và sự giải phóng dần tác dụng của các chính sách ổn định kinh tế, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Trung Quốc phát hành trái phiếu đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trung Quốc phát hành trái phiếu đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

VOV.VN - Theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc, nước này sẽ phát hành trái phiếu quốc gia đặc biệt năm 2022 trị giá 750 tỷ nhân dân tệ (107,93 tỷ USD) vào ngày 12/12.

Trung Quốc phát hành trái phiếu đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trung Quốc phát hành trái phiếu đặc biệt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

VOV.VN - Theo thông báo của Bộ Tài chính Trung Quốc, nước này sẽ phát hành trái phiếu quốc gia đặc biệt năm 2022 trị giá 750 tỷ nhân dân tệ (107,93 tỷ USD) vào ngày 12/12.

Thủ tướng Trung Quốc khẳng định tăng trưởng kinh tế sẽ liên tục phục hồi
Thủ tướng Trung Quốc khẳng định tăng trưởng kinh tế sẽ liên tục phục hồi

VOV.VN - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 8/12 khẳng định, cùng với việc thực hiện các biện pháp tối ưu hóa công tác phòng chống Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ liên tục phục hồi.

Thủ tướng Trung Quốc khẳng định tăng trưởng kinh tế sẽ liên tục phục hồi

Thủ tướng Trung Quốc khẳng định tăng trưởng kinh tế sẽ liên tục phục hồi

VOV.VN - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 8/12 khẳng định, cùng với việc thực hiện các biện pháp tối ưu hóa công tác phòng chống Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ liên tục phục hồi.