Trung Quốc quay lại chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” sau 14 năm
VOV.VN - Điều này có nghĩa là nước này sẽ quay trở lại chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” vốn được áp dụng từ năm 2008-2010, sau 14 năm thực hiện chính sách tiền tệ “thận trọng”.
Trước thềm Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua (9/12) đã nhóm họp và quyết định thực hiện chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” lần đầu tiên sau 14 năm, kết hợp với chính sách tài khóa tích cực hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Cuộc họp của Bộ Chính trị diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với một trong những trọng tâm là phân tích, nghiên cứu công tác kinh tế năm 2025.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa, hội nghị khẳng định, nước này sẽ “thuận lợi hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội trong cả năm”, đồng thời cho biết sẽ thực hiện các chính sách vĩ mô tích cực hơn, mở rộng nhu cầu trong nước, ổn định thị trường bất động sản và chứng khoán, ngăn ngừa và hóa giải rủi ro trong các lĩnh vực trọng điểm và các cú sốc từ bên ngoài, thúc đẩy kinh tế liên tục phục hồi và tốt lên, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” (2021-2025) với chất lượng cao, tạo nền tảng vững chắc để có bước khởi đầu tốt đẹp trong “Kế hoạch 5 năm lần thứ 15” (2026-2030).
Hội nghị cũng quyết định “thực hiện chính sách tài khóa tích cực hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng hợp lý” trong năm 2025. Tân Hoa xã cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011, Trung Quốc thực hiện chính sách này. Điều này có nghĩa là nước này sẽ quay trở lại chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” vốn được áp dụng từ năm 2008-2010, sau 14 năm thực hiện chính sách tiền tệ “thận trọng”.
Cũng theo hãng tin này, trên thực tế, chính sách tiền tệ năm nay của Trung Quốc đã là “nới lỏng hợp lý”. Trong khi đó, trang Cailianpress.com cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất hiện cách đề cập kết hợp giữa “chính sách tài khóa tích cực hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng hợp lý”.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử thông cáo báo chí về cuộc họp đề cập đến “tăng cường điều chỉnh ngược chu kỳ vượt thông thường”. Kết hợp với việc thực hiện tốt “cú đấm tổng hợp” chính sách, các động thái này được nhận định là cho thấy Trung Quốc có thể sẽ đưa ra các chính sách trung và dài hạn mạnh mẽ hơn cùng các biện pháp đa dạng hơn.
Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc của ngân hàng ANZ, cho rằng, thông báo trên là dấu hiệu về một kế hoạch kích thích tài chính mạnh mẽ, một đợt cắt giảm lãi suất lớn và mua tài sản vào năm 2025.
Năm 2024, kinh tế Trung Quốc đã gặp không ít khó khăn, buộc các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra những biện pháp can thiệp vào tháng 9, trong đó Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) công bố chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ nhất kể từ sau đại dịch.
Mặc dù Bắc Kinh khẳng định có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay, nhưng việc duy trì tốc độ này trong năm 2025, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump quay lại Nhà Trắng và cảnh báo áp thuế 60% hoặc hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.