Tuần này VAMC sẽ mua nợ xấu của SCB, SHB và PGBank
Ngay sau Agribank, VAMC tiếp tục ký mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác, trong tuần này dự kiến là SCB, SHB và PGBank.
Liên quan đến việc mua bán nợ đầu tiên của Công ty Quản lý và khai thác tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên VAMC, cho biết: VAMC đã chọn Agribank là ngân hàng đầu tiên để ký kết hợp đồng mua nợ xấu.
Agribank là lựa chọn đầu tiên
Giải thích về lựa chọn này, ông Hùng cho rằng, lý do chính cho quyết định này không chỉ vì Agribank là một ngân hàng có quy mô mạng lưới, tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống; mà còn ở chính quyết tâm của ngân hàng muốn cơ cấu lại, cơ cấu các khoản nợ và danh mục đầu tư. Thực tế, Agribank rất có trách nhiệm trong việc trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ. Đây chính là một trong những tiêu chí rất quan trọng khi VAMC đưa ra quyết định ký kết hợp đồng mua bán nợ. Ngoài ra, VAMC không phải là người đặt vấn đề buộc Agribank phải bán nợ, mà chính ngân hàng chủ động làm việc với VAMC.
Lễ ký hợp đồng mua bán nợ giữa Agribank và VAMC |
Sau một tuần làm việc tích cực rà soát, phân loại trên tổng số mấy chục hồ sơ Agribank đề nghị, VAMC đã chọn ra 11 khách hàng với 27 khoản nợ có thể mua trước. Tổng giá trị ghi sổ của số nợ này là 2.450 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí dự phòng rủi ro cụ thể, chúng tôi mua với giá 1.723 tỷ đồng.
Cùng với đó, ông Hùng cho biết: Thời gian đầu, các tổ chức tín dụng (TCTD) có sự e ngại khi chưa hiểu rõ quy định và cơ chế mua bán nợ, như: Khi bán nợ sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro thế nào, rồi bán nợ xong thì được vay tái cấp vốn với tỷ lệ bao nhiêu, việc bán nợ có ảnh hưởng thế nào tới tình hình tài chính của ngân hàng,… Nhưng sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và VAMC tổ chức hai hội nghị tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội để quán triệt tinh thần triển khai Nghị định 53 của Chính phủ và các Thông tư 19, 20 hướng dẫn mua bán nợ xấu; các TCTD đã hiểu rõ hơn cơ chế mua bán nợ, được giải đáp thỏa đáng các băn khoăn, thắc mắc, họ đã nhiệt tình hơn.
Ngay sau hội nghị tại TP HCM, 5 TCTD đăng ký làm việc luôn với VAMC với tinh thần rất hợp tác.
Nhiều ý kiến đang băn khoăn sau khi mua nợ VAMC sẽ “xử” số nợ xấu này ra sao. Ông Hùng giải thích: VAMC không phải mua nợ để đấy hoặc để bán phát mại với giá rẻ mà sau khi mua nợ sẽ tiến hành cơ cấu lại nợ nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước ổn định và phát triển trong tương lai. Điều đó có nghĩa là TCTD bán nợ xấu cho VAMC sau đó có thể tiếp tục xem xét cho doanh nghiệp vay vốn nếu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện vay vốn có phương án kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, TCTD có thể thế chấp trái phiếu đặc biệt vay tái cấp vốn nhằm đảm bảo thanh khoản, đầu tư tín dụng cho nền kinh tế.
Với những TCTD chưa đến gặp VAMC, ông Hùng nhận định: Các TCTD này đang từng bước dõi theo các TCTD đi trước để thấy tính hiệu quả của việc bán nợ cho VAMC. Để từ đó họ xác định bán nợ cho VAMC là nhu cầu của chính mình chứ không phải là bắt buộc do nợ xấu trên 3%.
Trong giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản đang trầm lắng. Nếu như không mua nợ xấu để tháo gỡ khó khăn cho TCTD, tổ chức kinh tế sẽ dẫn tới việc bán tháo ra thị trường gây mất mát tài sản. Bản thân tổ chức kinh tế bị thiệt trong khi các TCTD cũng chưa chắc thu hồi được hết nợ. Nhưng nếu bán cho VAMC khi nền kinh tế phát triển trở lại, thị trường bất động sản khởi sắc thì tổ chức kinh tế sẽ giảm thiệt hại khi bán tài sản còn TCTD thu được nợ về. Đây là kỳ vọng của VAMC trong tương lai.
“Hiện VAMC thực hiện việc mua nợ theo trái phiếu đặc biệt và như vậy cần sự phối kết hợp giữa TCTD và VAMC. Để từ đó mới đảm bảo vừa mua nợ xấu vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, tạo điều kiện làm sao doanh nghiệp có điều kiện phát triển”- ông Hùng lưu ý.
3 đối tượng VAMC ưu tiên mua nợ xấu
Theo ông Hùng, VAMC ưu tiên cho 3 đối tượng: NHTM Nhà nước, các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu và các ngân hàng có nợ xấu trên 3%; ưu tiên khoản nợ đã hội đủ tiêu chí và sẵn sàng bán được ngay. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các TCTD có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% không được xem xét, mà cần thời gian để sàng lọc.
Ngay sau Agribank, VAMC tiếp tục ký mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác, trong tuần này dự kiến là SCB, SHB và PGBank. Hiện rất nhiều ngân hàng đã gửi hồ sơ với rất nhiều khoản nợ đề xuất với VAMC. Chúng tôi đang nỗ lực làm việc ngoài giờ và ngày nghỉ để từ nay đến cuối tháng mua được tối thiểu 10.000 tỷ đồng.
Về việc nhiều tổ chức nước ngoài đã đánh tiếng mua nợ xấu của VAMC, ông Hùng cho biết: Có rất nhiều lời đề nghị, họ tới tìm hiểu mô hình hoạt động VAMC, cách thức xử lý nợ xấu, quan tâm tới các tài sản đảm bảo để thăm dò bỏ vốn đầu tư... VAMC tiếp xúc, lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm của họ nhưng chưa đặt vấn đề ký kết, hợp tác, vay vốn hay mua bán nợ nào cả. Song, phải có những bước đi thận trọng, vấn đề cuối cùng ở đây là bảo vệ quyền lợi của các TCTD, tổ chức kinh tế, DN, vì vậy không phải qua VAMC bán tài sản của DN, TCTD với giá rẻ cho tổ chức quốc tế.
Và VAMC với mục đích làm sao cơ cấu lại nợ, có thể mua nợ xấu TCTD làm sao giảm thiểu nợ xấu, đưa mức nợ xấu quay trở về mức cho phép, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp một cách hợp lý, tối ưu nhất./.