Tỷ lệ tính thuế tiêu thụ đặc biệt 7% là bất hợp lý
VOV.VN -Việc áp dụng chung một mức trần 7% trong luật thuế tiêu thụ đặc biệt là rất thấp nên xác định tỷ lệ căn cứ theo đặc điểm, tính chất từng mặt hàng.
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt mới có hiệu lực từ đầu năm 2016. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập khiến các tổ chức doanh nghiệp lúng túng và gặp nhiều khó khăn khi áp dụng.
Theo ý kiến của Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị), việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, quy định theo hướng nêu rõ cách xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra nhưng không thấp hơn tỷ lệ 7% với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Tuy nhiên, báo cáo giải trình chưa phân tích và đưa ra được cơ sở khoa học vào thực tiễn cho việc áp dụng tỷ lệ 7% này, tại sao là 7% mà không là 5%, hay 10%, hay 15%. Do đó, việc quy định một con số định lượng cụ thể là hợp lý để bảo đảm tính minh bạch và rõ ràng của điều luật, tránh việc các cơ quan hành pháp lợi dụng kẽ hở để cửa quyền cũng như cơ sở kinh doanh lợi dụng để lách luật.
Ngoài ra, Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng cho rằng, quy định giá sản phẩm bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra chưa rõ ràng, chưa bảo đảm tính minh bạch. Bởi lẽ, việc xác định giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra không mang tính ổn định mà có tính thời điểm, không mang tính chính xác mà có tính tương đối. Do đó, cần xác định và có tiêu chí cụ thể để xác định giá bình quân ở cơ sở kinh doanh thương mại ngay trong Dự thảo Luật.
Hoặc như Dự thảo Luật quy định, cơ sở kinh doanh thương mại không có quan hệ công ty mẹ - con hoặc công ty con của cùng một công ty mẹ với cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất là cơ sở đầu tiên trong khâu lưu thông thương mại. Quy định này mặc dù có ý nghĩa hạn chế sự không minh bạch, hạn chế sự bắt tay giữa các doanh nghiệp trong khâu xác định giá tính thuế nhưng không đầy đủ, không khắc phục những hạn chế của mình.
“Đối với quan hệ công ty, công ty con mang tính sở hữu nhưng các quan hệ có liên quan khác như doanh nghiệp liên kết có số vốn sở hữu lẫn nhau trên 11%, nhưng không phải công ty mẹ, công ty con, người quản lý doanh nghiệp này là người quản lý hoặc điều hành của doanh nghiệp kia thì quy định này lại không phát huy được tác dụng. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư vốn lẫn nhau, sở hữu chéo lẫn nhau, hay có quan hệ khác về quản lý điều hành trong thực tế đa dạng, do vậy việc đưa ra quy định hạn chế này không hiệu quả”, Đại biểu Đồng chỉ rõ.
Xác định tỷ lệ tính thuế tiêu thụ đặc biệt cần căn cứ theo đặc điểm, tính chất của từng mặt hàng cụ thể. (Ảnh minh họa: KT) |
“Với nguyên tắc này sẽ đảm bảo sự bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, khắc phục được tình trạng gian lận thuế tại khâu nhập khẩu, góp phần tăng thu ngân sách khi chúng ta thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu theo hiệp định thương mại tự do”, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ khẳng định.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ cũng không đồng tình với nội dung dự thảo quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt không được thấp hơn tỷ lệ 7% so với giá bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra. Trong khi nhiều loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt có đặc điểm rất khác nhau cho nên chi phí lưu thông trong khâu bán buôn của các cơ sở thương mại đầu tiên cũng rất khác nhau.
“Việc áp dụng chung một mức trần 7% như dự thảo là rất thấp và quá bất hợp lý. Do đó cần phải quy định mức tỷ lệ % theo khung, ví dụ từ 3% đến 12% căn cứ theo đặc điểm, tính chất của từng mặt hàng cụ thể”, Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề xuất.
Cũng theo Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, hiện tại cộng đồng doanh nghiệp đang có nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội cho điều chỉnh thời gian thực hiện luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu Quốc hội đưa vào luật sửa đổi sẽ càng tạo thêm áp lực và quan ngại của doanh nghiệp về môi trường kinh doanh, bởi hiệu ứng tăng thuế kép vừa bị tăng thuế suất theo Luật 70/2014, vừa bị tăng thuế qua giá tính thuế.
Đánh giá chung về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, mặc dù các luật này mới có hiệu lực thực hiện từ đầu năm 2016, nhưng qua thực tế cần thiết phải sửa đổi để phù hợp với những cam kết Việt Nam đã ký trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời để khắc phục những bất cập.
Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu và chỉ đạo nghiên cứu thêm những vấn đề còn bất hợp lý, trên cơ sở đó hoàn thiện thêm để trình lại Quốc hội xem xét. Nếu thấy được Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua luật tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII./.