Về miền Tây xây giấc mơ người Việt đầu tiên làm chocolate
Trở về Tiền Giang sau hơn 40 năm "lăn lộn" nhiều nước trên thế giới, ông Samy Bùi tiếp tục với dự án của người Việt đầu tiên làm ra chocolate.
Mang trong mình hai dòng máu Ấn - Việt, ông Bùi Durassamy (Samy Bùi) thường trú tại tỉnh Tiền Giang được xem là người Việt đầu tiên sản xuất được chocolate.
Cụ ông sản xuất chocolate ở Miền Tây Bùi Durassamy (Samy Bùi) |
Giấc mơ chocolate do người Việt tự làm
Chúng tôi gặp ông Samy Bùi tại một buổi triển lãm nông nghiệp tại TP.HCM. Ông lão với nước da màu đồng cùng nụ cười thường trực trên môi, ở ngưỡng 70 của cuộc đời, lựa chọn hướng đi đơn độc: quay về Việt Nam để làm chocolate cho người Việt.
Nhận lời mời của ông về tham quan khu sản xuất chocolate tại tỉnh Tiền Giang, chúng tôi có mặt tại nhà xưởng vào một sáng cuối tuần để nghe ông kể về những chuyến đi, những thăng trầm cuộc đời và chặng đường để làm ra một loại chocolate thương hiệu Việt Nam.
Trở về Việt Nam sau hơn 40 năm “lăn lộn” trên thế giới, ông Samy Bùi kể, được người thân giới thiệu mua được một mảnh đất tại tỉnh Tiền Giang. Nằm cách quốc lộ 1A khoảng 200 m, khu vực của ông hoàn toàn yên tĩnh so với tiếng xe và khói bụi bên ngoài.
Thời điểm mới về nước, lủi thủi một mình nên ông thường chạy chiếc xe máy cũ quanh quẩn, thăm nom và tiếp xúc với nhiều nông dân trồng ca cao. Gặp gỡ nhiều, ông mới hiểu được nỗi khổ của rất nhiều người nông dân vùng Tiền Giang khi đầu ra cho cây ca cao bế tắc và họ thường xuyên phải chặt bỏ.
Cho đến khi tình cờ xem một phóng sự về việc hai người nước ngoài sản xuất chocolate ngon nhất thế giới tại Việt Nam, ông thấy buồn và tiếc do sản vật của Việt Nam mà người Việt lại không thể khai thác và tạo nên thương hiệu vang danh như những người ngoại quốc.
“Bản thân cũng biết làm chocolate, hơn nữa lại học chuyên ngành thực phẩm, tôi nảy ra ý định làm một xưởng sản xuất”, ông Samy Bùi nói.
Với số vốn gần 6 tỷ đồng, ông bắt đầu xây dựng nhà xưởng, lắp ráp máy làm chocolate bằng việc cóp nhặt những gì ông thấy được, học được ở trong và ngoài nước.
Theo ông, các hãng chocolate chủ yếu là đầu tư vào máy chứ không sử dụng sức người. Các hãng dạy cho nông dân kỹ năng lên men quả ca cao rồi dùng máy làm ra những thành phẩm cuối cùng.
“Tôi rất rành về máy, cũng mày mò đi tìm tòi, chụp lại những cái máy người khác vận hành, rồi về làm thử. Cũng hư, phải bỏ làm lại nhiều”, ông Samy Bùi kể lại.
Ông cho biết để sản xuất được con lăn bằng đá, ông phải qua Ninh Bình tìm nguyên liệu đá, rồi đưa về vùng Sài Gòn, Bình Dương, An Giang... tìm cách gia công cho ra con lăn vừa ý nhất, vận hành tốt nhất.
“Riêng với nghề đá thì Việt Nam làm rất đẹp, đồ thủ công họ tạc gì cũng được nhưng kêu họ làm con lăn một cách chính xác thì họ không làm được”, ông Samy Bùi nói thêm.
Hầu hết máy để sản xuất chocolate là do ông Samy Bùi tự mày mò sản xuất |
Trong quá trình làm chocolate, ông Samy Bùi phải theo sát người dân từ công đoạn lên men đến phơi khô rồi hái ca cao.
Công đoạn lên men và phơi khô được xem là một trong những công đoạn quan trọng nhất trong việc sản xuất. Giai đoạn này quyết định đến hương vị và màu sắc của loại chocolate.
Ông cho biết chocolate ngon nhất khi không cần thêm bất cứ phụ gia gì ngoài ca cao. Còn các loại chocolate sữa thì buộc phải được thêm sữa, đường, chocolate đen thì làm theo khẩu vị.
“Nhận biết chocolate ngon cũng dễ lắm. Chỉ cần bỏ vào miệng là viên chocolate tự tan. Không cần nhai, không có căn và bợn trong miệng, khi bẻ ra thì có tiếng cóc cóc. Đó mới là loại ngon”, ông Samy Bùi nói thêm.
Mẻ chocolate đầu tiên làm được, ông mang ra hợp tác xã Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang), nhờ hợp tác xã cho những người nông dân trồng ca cao thưởng thức những thành phẩm của mình làm ra. Theo ông Samy Bùi, người nông dân chưa nhận biết được thật sự giá trị kinh tế của cây ca cao họ đang trồng.
Đó là chưa kể vấn đề quy hoạch không đồng bộ nên khâu giải quyết đầu ra cho sản phẩm của nông dân không có. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều năm nay, người dân trồng ca cao tại Tiền Giang và một số vùng khác vẫn trong tâm thế trồng rồi lại chặt bỏ.
“Hiện tại, tôi vẫn chưa thu mua của nông dân nhiều được và đây là điều mà tôi rất mong mỏi. Nguyên liệu ca cao của riêng tỉnh Tiền Giang còn rất nhiều nên khi sản xuất chocolate nhiều hơn, sẽ tiêu thụ nhiều lượng ca cao và giải quyết bài toán về đầu ra”, ông nói.
Vị đắng khởi nghiệp làm chocolate
Không tự nhận việc làm chocolate tại Việt Nam là khởi nghiệp, ông Samy Bùi tâm sự cuộc sống hiện tại đầy đủ vật chất, nên nếu nói khởi nghiệp chưa hẳn đúng.
Ông cho biết mục tiêu làm chocolate chủ yếu là có thể giúp đỡ được những người dân ở nông thôn, giải quyết khâu đầu ra cho người dân trồng ca cao.
Về phương diện tinh thần, ông luôn tha thiết mong muốn tạo ra được những sản phẩm chocolate cho người Việt và để Việt Nam có thể “khoe” với thế giới, tự hào với bạn bè năm châu rằng họ cũng có thể sản xuất được chocolate.
“Tôi vẫn muốn người Việt có thể vỗ ngực xưng Việt Nam chúng tôi đã có chocolate, chúng tôi có thể đem tặng cho người thân ở nước ngoài”, ông Samy Bùi nói.
Nông dân trồng ca cao luôn phải đối mặt với cảnh đầu ra nông sản không ổn định |
Dù vậy, ông tâm sự làm chocolate tại Việt Nam cũng không ít “đắng chát”. Hàng Việt thường bị xem nhẹ đối với chính người Việt nên chocolate được ông Samy Bùi đem đến các hội chợ, triển lãm thường không được đón nhận như kỳ vọng.
Thậm chí, một số người không hài lòng sau khi nếm thử và cho rằng chocolate Việt Nam đơn điệu quá, chưa kể đến thương hiệu vẫn khá… Việt Nam.
Nhiều lần ra về tay trắng nhưng ông Samy Bùi cho biết ông vẫn không nản lòng và sẽ sớm cải thiện sản phẩm để giúp chocolate Việt có chỗ đứng trên trường quốc tế. Ông cho biết sắp tới sẽ mở rộng xưởng sản xuất để có thể giúp người dân tiêu thụ quả ca cao nhiều hơn.
Ông Lê Văn Qưới (Tư Qưới), Hợp tác xã (HTX) Ca cao Chợ Gạo (Tiền Giang) chia sẻ ông Samy Bùi và mô hình hoạt động của xưởng ca cao với rất nhiều kỳ vọng.
Theo ông Qưới, trước đây, ca cao tại Tiền Giang ít trái còn hiện tại trái nhiều, chất lượng tốt vì nông dân được trau dồi kỹ năng. Do đó, việc cung ứng ca cao cho doanh nghiệp cũng không khó khăn. Hiện tại, mức giá đưa ra cho ông Samy Bùi là trên 90.000 đồng/kg nếu ca cao chất lượng.
“Doanh nghiệp nào cũng vậy, mới bắt đầu thì vẫn chật vật đầu ra lắm. Nhưng giờ thì doanh nghiệp của ông Samy vẫn nhận được một số đơn hàng lớn. Thị trường chưa có nhiều nhưng theo đánh giá thì tương lai chắc cũng sẽ hoạt động được", ông Quới nói.
Cũng theo đại diện HTX Ca cao Chợ Gạo, người dân mong ông Samy Bùi làm tốt vì như vậy đầu ra cho sản phẩm của họ được đảm bảo.
Theo ông Quới, cũng chính vì mới bắt đầu chạy thử thời gian ngắn nên số lượng chocolate sản xuất ở xưởng ông Samy Bùi chưa nhiều. Lượng ca cao cung ứng từ HTX cũng chưa nhiều để giải quyết cho nông dân Tiền Giang. Nhưng hiện tại, HTX vẫn dự trữ khoảng chục tấn để thời gian tới đưa vào xưởng của ông Samy Bùi sản xuất./. Thịnh suy cây ca cao trong vườn dừa ở Bến Tre