Việt Nam muốn tiến 2 bậc về môi trường kinh doanh trong ASEAN
VOV.VN - Đích mới cho môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ nâng thứ hạng từ hàng thứ 6 trong 10 nước ASEAN lên ít nhất là hàng thứ 4.
Trước yêu cầu cấp bách về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cuối tháng 3/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn 2014-2015, phấn đấu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 đến hết năm 2015.
Đến nay, sau 1 năm ban hành Nghị quyết 19, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Khởi sự kinh doanh từ 10 thủ tục thực hiện trong 31 ngày giảm xuống hiện còn 5 thủ tục và 6 ngày.
Những năm trước, doanh nghiệp phải mất 872 giờ mỗi năm để nộp thuế và bảo hiểm xã hội, nay cắt giảm được khoảng 400 giờ. Thời gian tiếp cận điện năng của doanh nghiệp giảm còn 18 - 36 ngày; chỉ số bảo vệ nhà đầu tư dự tính có thể tăng được 65 bậc trên bảng xếp hạng của thế giới.
sẽ thay đổi rất lớn, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. (Ảnh: VGP)
Đánh giá cao những kết quả sau 1 năm thực hiện cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bà Wendy Werner, Giám đốc Khối Thương mại và Cạnh tranh, Khu vực châu Á - Thái Bình dương khẳng định: Việt Nam đang đi đúng hướng khi những cải cách, đặc biệt trong lĩnh vực thuế đang giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ dễ dàng hơn so với trước đây và kết quả của những thay đổi sẽ được thể hiện chính xác hơn trong báo cáo môi trường kinh doanh 2016 của Ngân hàng Thế giới.
“Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao trong việc cải thiện chỉ số nộp thuế nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung trên bản đồ thế giới. Bộ Tài chính đang đi đúng hướng trong việc ban hành những văn bản sửa đổi, hướng dẫn thực hiện cụ thể lộ trình cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến thuế. Tuy nhiên, để có thể cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ cần có các động thái tích cực hơn nữa, cần có khuôn khổ theo dõi đánh giá tác động thật sự của những chính sách cụ thể để có điều chỉnh cần thiết”, bà Wendy Werner nói.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thời gian tới, đòi hỏi các Bộ, ngành liên quan phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Đặc biệt, năm nay, Ngân hàng Thế giới đã mở rộng phạm vi 3 bộ chỉ số trong 10 chủ đề của Báo cáo môi trường kinh doanh gồm giải quyết tình trọng phá sản, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ và tiếp cận tín dụng. Điều này, đặt ra yêu cầu Việt Nam sẽ cần phải liên tục cải cách môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế.
Bà Nadine Abi Chakra, Chuyên gia môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam cần xây dựng mỗi chỉ số dựa trên những nghiên cứu điển hình nhằm giúp cho cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam; đồng thời, nỗ lực đưa ra những đánh giá cụ thể nhằm bao quát hoạt động của các lĩnh vực kinh doanh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần hướng tới một lộ trình để cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí cho các doanh nghiệp, đó là cải thiện thương mại qua biên giới, thuế quan và tiếp cận điện năng. Chính phủ Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ việc rà soát những kinh nghiệm của các nền kinh tế đã áp dụng những thông lệ quy định kinh doanh hiệu quả hơn và thực hiện tốt các chỉ số.
Đích mới cho môi trường kinh doanh Việt Nam là nâng thứ hạng của Việt Nam từ hàng thứ 6 trong 10 nước ASEAN lên ít nhất là hàng thứ 4 (cùng với Singapore, Malaysia và Thái Lan) trong vòng 2 năm. Theo các chuyên gia kinh tế, việc đặt ra kỳ vọng như vậy là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang vào giai đoạn then chốt của quá trình tái cơ cấu và hội nhập quốc tế sâu rộng./.