Doanh nghiệp nước ngoài chê môi trường đầu tư tại Trung Quốc
VOV.VN - Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong tháng 5 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng trở lại đây.
Bộ Thương mại Trung Quốc hôm qua (17/6) công bố báo cáo cho biết, nước này chỉ thu hút 8,6 tỷ USD vốn FDI trong tháng 5, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng ghi nhận lượng vốn FDI thấp nhất kể từ tháng 1/2013.
Các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng môi trường đầu tư tại Trung Quốc không còn hấp dẫn
(Ảnh: Reuters)
Tính 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã thu hút 49 tỷ USD tổng vốn FDI, chỉ tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó vốn từ Hàn Quốc và Anh tăng cao.
Tuy nhiên vốn đầu tư của Nhật Bản đã sụt đến 42,2%, trong bối cảnh căng thẳng do tranh chấp chủ quyền tại Biển Hoa Đông. Vốn đầu tư từ Mỹ giảm 9% và từ Liên minh châu Âu giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, đầu tư từ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng giảm đến 22,3%.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đà tăng trưởng chậm lại, cộng với GDP dự đoán đạt mức thấp nhất trong vòng 24 năm trở lại đây, là những yếu tố khiến các nhà đầu tư e dè khi bơm tiền vào thị trường này. Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,4% quý I, thấp hơn so với 7,7% quý cuối năm ngoái.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng đồng Nhân dân tệ tiếp tục giảm giá trong năm nay, cộng với căng thẳng chính trị sẽ ảnh hưởng tới hoạt động thương mại đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài trì hoãn các dự án đầu tư mới.
“Các công ty nước ngoài đang có xu hướng giảm đầu tư tại Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế chậm là lý do chính, tuy nhiên những rào cản thương mại đối với các công ty mới cũng là một trong những nguyên nhân. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Trung Quốc cũng chi phối ở hầu hết các lĩnh vực”, Zhou Hao, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ANZ Thượng Hải cho biết.
Trước đó, vào đầu tháng này, Phòng Thương mại EU (EurocCham) tại Trung Quốc cho biết, các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đang phải đối mặt với môi trường kinh doanh kém hấp dẫn, do lợi nhuận ngày càng giảm và chính phủ Trung Quốc thường xuyên ưu tiên doanh nghiệp địa phương. Hơn một nửa doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát cho biết, “kỷ nguyên vàng” tại Trung Quốc đã qua
“Hai phần ba các công ty lớn cho biết môi trường kinh doanh tại Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn. Ngày càng nhiều doanh nghiệp coi các công ty quốc doanh là đối thủ chính”, Chủ tịch EuroCham tại Trung Quốc, ông Joerg Wuttke cho biết.
Lãnh đạo các doanh nghiệp nước ngoài thường than phiền về khả năng tiếp cận thị trường và nhiều thách thức khác tại Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài cho biết, họ thường bị phân biệt đối xử khi đấu thầu cung cấp dịch vụ cho chính phủ Trung Quốc, hoặc bị buộc phải nhượng bộ về quyền sở hữu trí tuệ để đổi lấy quyền gia nhập một số lĩnh vực.
Nhằm thu hút vốn FDI, Trung Quốc trong tháng trước đã nới lỏng một số quy định trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả ngành công nghiệp nhạy cảm như hàng không vũ trụ. Chính phủ Trung Quốc cũng đã cho phép chính quyền địa phương tự phê duyệt các dự án để đẩy nhanh tốc độ đầu tư. Kế hoạch khởi động khu thương mại tự do ở Thượng Hải và nhiều khu vực khác, cũng như một loạt các cải cách tài chính và môi trường cũng nhằm thu hút FDI trong những năm tới./.