Việt Nam sẽ là thị trường thương mại điện tử lớn
VOV.VN-Đây là nhận định của Kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ (CNBC ) khi phân tích về triển vọng của thị trường thương mại điện tử.
Trong bài viết đăng tải trên CNBC, tác giả Nyshka Chandran cho rằng 6 nền kinh tế lớn trong khối ASEAN, trong đó có Việt Nam, sẽ là điểm sáng tiếp theo của thị trường thương mại điện tử toàn cầu.
Hiện nay Trung Quốc và Ấn Độ là thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất thế giới. Việt Nam và 1 số nước châu Á khác: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines - được dự đoán sẽ sớm gia nhập vào hàng ngũ này trong những năm tới.
Theo phân tích của CNBC, 6 nền kinh tế lớn của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trên đang được hưởng lợi từ các nguyên tắc cơ bản của thị trường và sẽ sớm trở thành tâm điểm quốc tế về thương mại điện tử.
Các chuyên gia dự báo doanh thu bán lẻ trực tuyến của 6 quốc gia trên sẽ tăng 34,5 tỉ USD vào năm 2018 so với con số khiêm tốn 7 tỉ USD năm 2013.
"Khi sức mua trực tuyến gia tăng và các dịch vụ Internet được cải thiện thì bán lẻ trực tuyến tại thị trường ASEAN có thể tăng trưởng 25% mỗi năm", theo báo cáo của công ty tư vấn AT Kearney và Viện Nghiên cứu Châu Á CIMB. Báo cáo cũng lưu ý rằng khu vực này đã tăng trưởng ở mức 15% hàng năm trong vòng 4 năm qua.
Clement Teo, chuyên gia phân tích cao cấp tại Forrester Research, cho biết hiện nay đang có xu hướng doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng (B2C) trong khối ASEAN. Nhưng theo thời gian, thị trường có thể phát triển mô hình người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C) giống như ở Trung Quốc.
Nhiều thương hiệu Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện tại khu vực ASEAN và cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu như Amazon hay eBay. Lazada và Zalora hiện đang phổ biến nhất trong số các nhà bán lẻ đa thương hiệu tại 6 nền kinh tế quan trọng của ASEAN, và cả hai đều có trụ sở tại Singapore nhưng các giao dịch thì trải rộng trên toàn khu vực.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng thị trường ASEAN vẫn còn trong giai đoạn trứng nước, với 6 nền kinh tế chiếm dưới 1% doanh số bán lẻ trực tuyến toàn cầu mặc dù dân số khá đông (8% dân số thế giới).
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại cơ sở hạ tầng giao thông kém, thiếu mạng lưới đường bộ, thủ tục hải quan phức tạp đối với nhiều loại sản phẩm khác nhau sẽ tạo ra những thách thức lớn cho việc phát triển thị trường thương mại điện tử trong khu vực. Hy vọng việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm nay sẽ tăng cường hiệu quả thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối giữa các quốc gia./.