Việt Nam sẽ qua khỏi khó khăn bằng sự thận trọng và tích cực
VOV.VN - Theo chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, năm 2015 Việt Nam càng cẩn thận càng tốt, càng tiết kiệm càng tốt, nhưng không thắt lưng buộc bụng.
Chính phủ đã có những thông điệp dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015. Còn giới chuyên gia cũng có những phân tích và dự báo về “sức khỏe” nền kinh tế.
Nhân dịp Xuân Ất Mùi, phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch, Tổng giám đốc công ty InvestConsult Group về nội dung này.
PV: Thưa ông, vừa qua cả Chính phủ và nhiều chuyên gia đều có dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2015. Còn ông, ông có tin tưởng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 sẽ khả quan với con số mà Chính phủ đặt ra về GDP là 6.2% và CPI 5% không?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Chính phủ là thiết chế điều hành nền kinh tế, ý chí của Chính phủ có ảnh hưởng một cách rõ rệt đến số lượng và chất lượng của nền kinh tế. Cho nên khi nghe ý chí, quyết tâm của Chính phủ, có lẽ nhiều người phấn khởi. Rất may cho Chính phủ Việt Nam là ở thời điểm này Châu Âu đã trả giá cho chính sách “thắt lưng buộc bụng”.
Hiện nay, đang có sự rắc rối lớn giữa người Hy Lạp và Cộng đồng Châu Âu liên quan đến khu vực Eurozone vì kết quả của một quá trình thắt lưng buộc bụng. Thắt lưng buộc bụng là không tiêu tiền, là giảm đầu tư, mà giảm đầu tư là giảm sự tăng trưởng kinh tế. Khi thế giới đã thức tỉnh về mặt trái của khái niệm thắt lưng buộc bụng thì lối thoát ấy chắc chắn là tăng cường đầu tư. Tức là các quan điểm bắt buộc phải tăng trưởng, bắt buộc phải đầu tư đang trở thành một khuynh hướng mới, giải phóng kinh tế thế giới ra khỏi sự trì trệ do thắt lưng buộc bụng.
Chính phủ chúng ta có một sự đồng thuận thế giới về nhận thức. Tuy nhiên, chúng ta có một cái vướng, đó là hệ thống ngân hàng và hệ thống nợ của chúng ta khá phức tạp. Tăng đầu tư tức là tăng nợ công. Tăng nợ công trong một quốc gia có nợ công tích cực thì dễ và đơn giản, nhưng Việt Nam là một nước có vấn đề về nợ công, cho nên đấy là cái khó về mặt kỹ thuật mà Chính phủ phải xử lý để tận dụng khuynh hướng tăng trưởng do đầu tư mà giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế.
PV: Thưa ông, trước thực trạng giá dầu mỏ giảm sâu, nhiều ý kiến cho rằng sẽ tác động đến nguồn thu ngân sách quốc gia. Vậy theo ông, nếu giá dầu thế giới tiếp tục kéo xuống mức thấp nhất thì tác động như thế nào đến thị trường trong nước và cân đối kinh tế vĩ mô?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Đây là một cuộc chơi có màu sắc chính trị phức tạp trong quan hệ giữa Châu Âu và nước Nga. Tuy nhiên căn bệnh này là căn bệnh nhân loại, nó không còn đơn giản là quan hệ chính trị giữa Nga và phương Tây nữa. Còn đối với chúng ta, tôi nghĩ chắc chắn nguồn thu sẽ giảm xuống, giống như các quốc gia có công nghiệp khai thác dầu lửa. Đấy là điều không thể tránh được. Khi nguồn thu giảm xuống thì các cộng đồng kinh tế này đều tìm cách khắc phục bằng việc khai thác lợi ích từ giá dầu giảm.
Giá dầu giảm thì chi phí cho sản xuất giảm theo, cho nên nước nào có nền công nghiệp hùng hậu sẽ tận dụng được khía cạnh này để bù đắp. Đối với Việt Nam, khả năng tận dụng mặt thuận, mặt tích cực của hiện tượng này tôi e rằng ít. Nếu chúng ta có một quy mô công nghiệp có thể phát triển được thì việc giảm chi phí đầu vào của sản xuất sẽ làm tăng khối lượng hàng hóa và mở rộng sản xuất, từ đó bù lại nguồn thu do xuất khẩu dầu giảm đi.
Nhưng chúng ta có những chỗ kẹt. Đầu tiên là cấu trúc công nghiệp của chúng ta không thật rõ ràng, cho dù giá dầu giảm thì cũng không tăng trưởng sản xuất được. Cần phải có các chuyên gia chuyên ngành phân tích tình trạng công nghiệp và phản ứng công nghiệp của Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi thấy có một điểm đáng chú ý là nền kinh tế của chúng ta đang ở giai đoạn đi xuống cho nên nguồn thu của xã hội thấp, tức là sức mua của xã hội thấp, liệu có thể tăng sức sản xuất của nền công nghiệp Việt Nam trong khi sức mua của xã hội đang thấp không. Chúng ta vốn dĩ xuất khẩu những hàng hóa ít sử dụng đến xăng dầu, chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu tài nguyên và xuất khẩu có chế biến đối với hàng nông sản, thủy sản, mà những ngành đó sử dụng ít năng lượng. Cho nên các ngành công nghiệp Việt Nam nói chung khó mở rộng quy mô sản xuất và khó bù đắp lại sự thất thiệt do suy giảm giá dầu.
Trong trường hợp này sức mạnh của Chính phủ là ở chỗ phải rắn trong quyết tâm tăng trưởng công nghiệp. Lối thoát là tăng trưởng các quy mô công nghiệp và khuyến khích nền kinh tế, nhất là khu vực vừa và nhỏ và khu vực tư nhân, bởi đó chính là nơi cung ứng công việc, cung ứng tiền lương để người dân có sức mua.
Một trong những đặc điểm kinh tế rất đặc biệt của hiện tượng giá dầu giảm là không biết bao giờ nó tăng trở lại, bởi đây là sự suy giảm có chất lượng chính trị, tức là cuộc chơi của các ông lớn về dầu lửa. Những nước không xuất khẩu dầu lửa mà thuần túy sử dụng thì có lợi một chút. Trung Quốc là một đối tượng hưởng lợi rất rõ trong chuyện này. Vậy Trung Quốc có mở rộng quy mô sản xuất để xuất khẩu những hàng hóa phù hợp với đòi hỏi của thị trường Việt Nam không? Tức là vấn đề này gắn liền cả với ứng xử trong chính sách đối ngoại về kinh tế. Đây là vấn đề thử thách trí tuệ của các nhà điều hành vĩ mô, không trừ một ai trong bộ máy quản trị cao nhất của đất nước chúng ta.
Đây là vấn đề đòi hỏi sự suy tính có hệ thống, có sách lược và có chiến lược thật sự, là một cơ hội để thấy rằng một nước có những đặc điểm địa kinh tế như chúng ta buộc phải có sẵn những chiến lược cho những tình huống như hiện nay. Hiện nay xã hội chúng ta đang thảo luận về chuyện này như là một tình huống ngẫu nhiên, chứ chưa có thái độ của người nghĩ về các bài toán chiến lược. Điều ấy chứng tỏ chúng ta chưa có kinh nghiệm điều khiển vĩ mô một nền kinh tế mà tính chất hội nhập của nó mở rộng như hiện nay. Đây là vấn đề khó, vì thế các hãng truyền thông không nên công kích mà nên khuyến khích sự thảo luận xã hội đầy đủ để tìm kiếm một sự đồng thuận nào đó giúp cho Nhà nước có lối thoát.
PV: Ông vừa nói nền kinh tế của Việt Nam đang đi xuống, vậy ông có thể phân tích cụ thể?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Cả năm 2013 và năm 2014 có đầy rẫy biểu hiện của đi xuống. Ví dụ, sự chết lâm sàng của một số lượng khá lớn các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân, khu vực vừa và nhỏ là rất rõ ràng. Điều này không phải tôi nói mà rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nói. Cho nên chúng ta nói năm 2015 kinh tế sẽ có triển vọng tốt hơn chứ không phải là năm 2015 kinh tế tốt.
Tôi cho rằng năm 2015 chúng ta càng cẩn thận càng tốt, càng tiết kiệm càng tốt, nhưng không thắt lưng buộc bụng như châu Âu đã làm. Chúng ta vẫn phải đầu tư một cách hợp lý, phải xem việc giải quyết nợ công là một chiến lược lâu dài, phải xử lý được vấn đề nợ xấu một cách hợp lý, đồng thời phải cải cách hệ thống ngân hàng và tài chính để nó trở nên bền vững trước các biến động của kinh tế thế giới. Tôi thích một phương châm là Chính phủ chúng ta thấy rõ các vấn đề và cân nhắc thận trọng; xã hội chúng ta cũng thấy rõ và tiết kiệm một cách hợp lý chi tiêu đúng đắn.
Ý chí của Chính phủ phải đi cùng với nhận thức của xã hội nói chung mới có thể ra khỏi khó khăn được. Tôi có thể lạc quan một cách tỉnh táo rằng, chúng ta sẽ qua khỏi khó khăn bằng sự thận trọng và sự tích cực./.