Việt Nam – Trung Quốc tạo điều kiện cho cư dân làm kinh tế
VOV.VN -Cư dân biên giới và ở trong lục địa hai nước được tạo điều kiện thuận lợi để buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Người Hoa ở Việt Nam và người Việt Nam ở Trung Quốc luôn được chính quyền sở tại quan tâm, tạo điều kiện làm ăn, phát triển cuộc sống. Một nhận xét chung là dù cuộc mưu sinh vẫn còn nhiều vất vả nhưng bù lại những cư dân này đều bày tỏ sự hài lòng về cách thức làm ăn, cuộc sống hiện tại.
Người Hoa luôn được tạo điều kiện làm ăn
Chợ Bình Tây với thế mạnh là chợ đầu mối bán buôn của quận 6 nói riêng và của thành phố Hồ Chí Minh nói chung phân phối hàng hóa đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam bộ. Hiện tại, có 2.358 hộ kinh doanh tại chợ, trong đó hộ kinh doanh là dân tộc Hoa 678 hộ, chiếm 30% tổng số hộ kinh doanh tại chợ. Đây là chợ có số người Hoa kinh doanh đông ở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Các ngành hàng có nhiều hộ kinh doanh dân tộc Hoa tham gia là gia vị tạp phẩm, giày dép, bách hóa, nhang đèn…
Phía trước chợ Bình Tây |
Ông Trương Phát – một thương nhân người Hoa, hiện đang kinh doanh tại chợ Bình Tây cho biết: Với những hộ người Hoa kinh doanh ở đây nếu còn bỡ ngỡ sẽ được Ban quản lý chợ tạo điều kiện nhiều hơn. Chính quyền địa phương cũng có những chính sách ưu tiên hơn đối với người Hoa và con em của họ. Cụ thể là con em người Hoa đi học được miễn, giảm học phí; có trường dạy tiếng phổ thông Trung Quốc cho con em người Hoa.
“Các hộ kinh doanh người Hoa cũng có những đóng góp trở lại với cộng đồng. Cụ thể như tham gia các phong trào tương thân tương ái; những người ăn nên làm ra thì tham gia làm từ thiện…” – ông Trương Phát nói.
Bà Lê Thị Sang – Trưởng ban quản lý chợ Bình Tây cho biết: “Chính quyền địa phương và ban quản lý chợ tạo mọi điều kiện hết sức thuận lợi cho các hộ này kinh doanh, tạo bình đẳng giữa các hộ người Hoa và người Việt, phát triển, đẩy mạnh kinh doanh, góp phần ổn định tình hình kinh tế đất nước; đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn TP HCM. Trong quá trình quản lý, chúng tôi không có sự phân biệt”.
Đối với các hộ người Hoa, theo bà Lê Thị Sang, ngoài việc chăm lo kinh doanh hiệu quả họ còn tham gia các phong trào tương thân, tương ái và từ thiện rất tốt. Họ có tính cộng đồng rất cao, chung tay, góp sức chăm lo cho các gia đình khó khăn.
Năm 2013, do có những tác động về kinh tế nhưng tình hình kinh doanh của các hộ tương đối ổn định. Mãi lực kinh doanh có thấp hơn một chút nhưng không đáng kể. Hàng hóa kinh doanh cũng rất phong phú.
Tại gian hàng của bà Mỹ Hoa hiện có khoảng 40% hàng Trung Quốc. Bà Mỹ Hoa bày tỏ sự hài lòng về môi trường kinh doanh ở chợ Bình Tây. Về nguyên tắc kinh doanh của mình, bà Hoa cho biết: “Bán cái gì cũng phải có giấy kiểm duyệt thì mới yên tâm. Mình ở đây buôn bán cái gì cũng phải lấy đường đạo lý, chứ đâu có làm bậy để tham tiền của người khác. Những gì tôi không xài thì tôi cũng không kinh doanh”.
Với lối kiến trúc cổ xưa của Trung Quốc và bề dày lịch sử lâu năm, Ban quản lý chợ Bình Tây đang mở ra một hướng phát triển mới đó là điểm du lịch tham quan mua sắm nhiều tiềm năng cho khách du lịch trong và ngoài nước. Hàng năm có trên 120.000 lượt khách du lịch người nước ngoài đến tham quan và mua sắm tại chợ do các Công ty du lịch của cả nước đưa tới.
Người Việt được tự do qua biên giới buôn bán
Không khí nhộn nhịp, tấp nập luôn có ở chợ biên giới Đông Hưng (giáp Móng Cái). Đến đây, khách có thể cảm nhận một không khí rất Việt Nam, vì có nhiều đồ ăn, thức uống của Việt Nam như chè đỗ đen, bánh gai, bánh đậu xanh, bánh rán… do người Việt Nam làm và bán tại chợ. Nhiều cư dân Việt Nam đang làm ăn, buôn bán tại đây bày tỏ sự hài lòng về công việc của mình.
Ở khu chợ này, chúng tôi gặp cả những em nhỏ tranh thủ ngày nghỉ sang Trung Quốc bán hàng tạp hóa (tăm tre, bông tăm, bật lửa…) phụ giúp gia đình. “Lúc nào rảnh rỗi em mới đi bán hàng, còn bình thường em phải đi học. Khi sang đây, em chỉ cần có một cuốn sổ thông hành có giá trị trong 3 tháng là em có thể qua lại bán hàng như người dân Trung Quốc” – em Nguyễn Thị Phương, học sinh trường Hải Yên (Móng Cái) cho biết.
Quầy hàng của chị Hường khiêm tốn trước cửa đại lý Bitis |
Còn chị Hường – ở Hưng Hà, Thái Bình thì mới bắt đầu tập buôn bán ở chợ Đông Hưng. Hàng hóa của chị được bày gọn gàng phía trước cửa hàng đại lý Bitis của gia đình ông Lê Khánh Sinh. Chị Hường tâm sự: “Tôi mới đi chợ, bán dầu gió, thuốc lá. Nói chung, chúng tôi không có nghề nghiệp gì sang đây buôn bán có lợi hơn. Có giấy thông hành thì đi lại thoải mái. Mỗi tháng nếu đi đều cũng được khoảng 4-5 triệu đồng”.
Ông Lê Khánh Sinh - chủ đại lý Bitis tại Đông Hưng |
Còn ông Lê Khánh Sinh – chủ Đại lý cho Bitis cho biết, công việc làm ăn của ông rất thuận tiện. Các mặt hàng mà Nhà nước không cấm thì buôn bán thoải mái. Chính sách của Nhà nước Trung Quốc khá cởi mở. “Tôi đã sang đây kinh doanh được mười mấy năm rồi. Mặt hàng này bán khá tốt, được người Trung Quốc rất ưa chuộng. Tôi làm đại lý bán lẻ cho hầu khắp các địa phương ở Trung Quốc” – ông Sinh tự hào chia sẻ.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam vào làm ăn ở Trung Quốc, cụ thể là tại Đông Hưng, từ tháng 10/2012, Trung Quốc bãi bỏ qui định “DN muốn đầu tư vào Trung Quốc phải có đối tác ở địa phương”. Việc bãi bỏ quy định này đã mở rộng hơn nữa cánh cửa chào đón các DN, thương nhân Việt Nam vào làm ăn ở Trung Quốc./.