Việt Nam vào top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới
VOV.VN-Năm 2013, lượng kiều hối của Việt Nam đạt con số ấn tượng 11 tỷ USD.
Ngày 3/1, Ủy ban Người VN ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao cho biết, kiều hối năm 2013 đạt con số ấn tượng 11 tỷ USD, đưa Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
500.000 lao động có việc làm ổn định
Theo nguồn tin từ Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), kiều hối vào Việt Nam đã tăng dần qua các năm, trong những năm gần đây, tăng 10% mỗi năm, đạt mức cao. Năm 2010 đạt gần 9 tỷ USD, năm 2011 là trên 9 tỷ USD và năm 2012 đạt hơn 10 tỷ qua các kênh chính thức hoặc trực tiếp mang về. Theo đánh giá của WB năm 2013, kiều hối của Việt Nam sẽ đạt 11 tỷ USD (tương đương 221.000 tỷ đồng) và nằm trong 10 quốc gia trên thế giới có lượng kiều hối chuyển về lớn nhất.
Lượng kiều hối của Việt Nam tăng dần hàng năm |
Nguồn tin này cũng cho biết: Thứ nhất, lượng kiều hối đạt kết quả cao trong nhiều năm là vì quá trình đổi mới mở cửa hội nhập của Việt Nam đã đạt được những thành tựu như kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm, năm sau cao hơn năm trước. Với GDP bình quân đầu người ước đạt gần 2.000 USD, Việt Nam đã ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình.
Thứ hai, cơ hội đầu tư vào Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn, nhiều lĩnh vực kinh doanh mới phát triển như chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm, giáo dục, y tế….
Thứ ba là sự thông thoáng về chính sách của Nhà nước trong việc thu hút nguồn kiều hối (bãi bỏ nhiều quy định về thuế, không hạn chế số lượng tiền, nhận và trả hàng bằng nguyên tệ, người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về hoặc bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, thông thoáng trong việc về thăm quê hương, mua nhà ở, đầu tư trong nước…).
Thứ tư là số lượng người Việt Nam ở nước ngoài có xu hướng tăng lên do hàng năm có thêm hàng trăm nghìn người ra nước ngoài lao động, học tập, tu nghiệp, đoàn tụ gia đình…hình thành các cộng đồng người Việt Nam tại một số địa bàn mới ở châu Á, Trung Đông, châu Phi. Đặc biệt, lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài lên đến 500.000 người, đều có thu nhập ổn định.
Ngoài ra, dịch vụ ngân hàng thuận tiện hơn, ngoài các ngân hàng thương mại còn có hàng chục công ty kiều hối cung dịch vụ chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam với mạng lưới rộng, công nghệ kiều hối hiện đại cho phép xử lý giao dịch kiều hối tập trung với mức độ tự động cao.
Nguồn lực quan trọng
Ngoài những thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Australia, nơi mà lượng kiều hối hàng năm đều ở mức cao, thì trong những năm gần đây, kiều hối từ các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia, đóng vai trò đáng kể và chủ yếu tập trung chuyển về khu vực nông thôn. Điều đó có nghĩa dòng vốn thu được từ xuất khẩu lao động đã và đang “chảy ngược” về những địa bàn khó khăn, góp phần phát triển kinh tế địa phương...
Về những giải pháp để tiếp tục thu hút kiều hối trong những năm tới, Ủy ban NVNONN cho biết, trước hết là phải tiếp tục tốt Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào gắn lợi ích của họ với lợi ích của đất nước, đầu tư kinh doanh, làm việc, hợp tác nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, giao lưu văn hóa, du lịch, thăm thân…
Ngoài ra cần cải thiện môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và minh bạch hóa nguồn thông tin kinh tế…là những vấn đề rất quan trọng đối với thu hút kiều hối.
Ủy ban NVNONN cũng cho rằng, Nhà nước cần tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng mở rộng mạng lưới rộng khắp để thu nhận và chi trả kiều hối tại các nước có đông Việt kiều. Các NHTM cần đa dạng hóa sản phẩm cho đối tượng khách hàng mục tiêu là Việt kiều và người lao động Việt Nam. Một số ngân hàng đã mở chi nhánh tại một số nước như ở CHLB Đức, CH Séc, Lào, Campuchia, Myanmar.
Trong năm qua, tỷ giá và lãi suất ổn định mức thấp hơn trước nhưng tỷ giá đồng Việt Nam và đô la Mỹ duy trì mức ổn định vùng với các kênh đầu tư mới được mở ra tạo thêm sức hút kiều hối.
Cuối cùng, Nhà nước cần thống kê, đánh giá đúng nguồn kiều hối để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô để có các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực dẫn dắt kiều hối đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và phát triển con người, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế./.