WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 đạt 6,5%
VOV.VN - Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được duy trì bền vững trong trung hạn.
Triển vọng tăng trưởng tích cực
Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương được World Bank công bố sáng nay (12/4) nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ ổn định xoay quanh 6,5% với khả năng tăng cao hơn ngoài dự kiện trong ngắn hạn, nhất là khi quá trình phục hồi trên toàn cầu vẫn diễn ra.
Nhận định về GDP quý I/2018, ông Đinh Tuấn Việt, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB tại Việt Nam cho rằng, bước đầu, con số 7,48% có điểm kỳ lạ nhưng khi nhìn nhận lại, nó là hợp lý vì dựa trên nền tăng rất thấp của quý I/2017 vốn chỉ đạt 5,15%.
WB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 đạt 6,5% (Ảnh minh họa: KT) |
"World Bank thận trọng là bởi muốn tiếp tục thu thập số liệu và phân tích tình hình kinh tế nhằm có câu trả lời chính xác: Tăng trưởng quý I/2018 là phần "gia tốc" của nửa cuối năm ngoái hay Việt Nam đang bắt đầu chu kỳ tăng trưởng cao, bền vững. Dù chúng tôi đánh giá cao sự tăng trưởng ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt của Việt Nam... nhưng World Bank cũng đưa ra một số rủi ro, thách thức cần lưu ý”, ông Đinh Tuấn Việt nhấn mạnh.
Theo đại diện WB, mặc dù lạm phát dự kiến vẫn ở mức vừa phải nhờ môi trường giá cả toàn cầu thuận lợi, nhưng mức lương tăng mạnh có thể sẽ khiến lạm phát lõi tăng lên. Cán cân kinh tế đối ngoại dự kiến vẫn được củng cố nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu duy trì mạnh mẽ. Về tình hình tài khóa, cắt giảm bội chi kết hợp với thoái đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước dự kiến sẽ kiềm chế nợ công trong trung hạn.
Trong báo cáo, WB nhận định, tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự kiến vẫn mạnh, đạt mức 6,3% trong năm 2018 do viễn cảnh kinh tế tiếp tục phục hồi trên toàn cầu và sức cầu mạnh trong nước.
Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng, tăng trưởng mạnh là động lực để khu vực đạt những thành tựu to lớn về giảm nghèo cùng cực.
“Để phát huy thành tựu đó và cải thiện tương lai cho một bộ phận dân chúng lớn hơn còn chưa được đảm bảo an ninh kinh tế, đòi hỏi cần phải duy trì tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Các nhà hoạch định chính sách cần chú trọng xử lý những rủi ro về ổn định kinh tế đồng thời tiến hành các bước nhằm nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn", bà Victoria Kwakwa khuyến cáo.
Cẩn trọng với thách thức ngắn và trung hạn
Theo ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB, mặc dù triển vọng tăng trưởng của khu vực được cho là tích cực, nhưng vẫn tồn tại những thách thức ngắn hạn và trung hạn đối với các nhà hoạch định chính sách.
“Xử lý những thách thức đó đòi hỏi các biện pháp nhằm giảm tác động có thể xảy ra do tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ diễn ra nhanh hơn ở các nền kinh tế tiên tiến, đồng thời phải nâng cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn trong điều kiện chính sách bất ổn, đặc biệt về thương mại toàn cầu”, ông Sudhir Shetty nhận định.
Theo WB, cải cách cơ cấu chậm có thể làm quá trình phục hồi hiện nay bị suy yếu và giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong trung hạn. Nhìn từ bên ngoài, độ mở thương mại và mức độ đầu tư nước ngoài khá cao khiến nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt rủi ro với chủ nghĩa bảo hộ.
WB cho rằng, rủi ro chiến tranh thương mại sẽ gây nhiều bất ổn với kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng thương mại năm 2018 sẽ ảnh hưởng lớn mặc dù được dự báo sẽ nối tiếp thành quả năm 2017. Đặc biệt, đối với những nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, chiến tranh thương mại sẽ tác động lớn đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Những rủi ro này đòi hỏi phải có những bước tiếp theo nhằm nâng cao khả năng kháng chịu về kinh tế vĩ mô. WB kiến nghị cần tiếp tục cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt, tăng cường dự trữ ngoại tệ, áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng và các cân đối vĩ mô thích hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý và tạo dựng lớp đệm về vốn trong khu vực ngân hàng. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao năng suất và tốc độ tăng trưởng tiềm năng, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố yếu tố sản xuất./.
ADB dự báo GDP của Việt Nam có thể tăng 7,1% năm 2018
3 lý do chính khiến GDP quý I vọt tăng cao nhất 10 năm
Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt 6,83%