Xăng dầu tăng giá cước vận tải cũng "đội" giá

Từ 16h ngày 7/3, giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng 2.100đ/lít. Ngay sau đó, một số doanh nghiệp vận tải khách công cộng và hàng hoá đã tăng giá dịch vụ.

Trước việc giá xăng dầu tăng, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều họp khẩn cấp để xem xét việc tăng giá cước, trong đó có các hãng taxi. Theo đại diện nhiều hãng taxi tại Hà Nội, việc tăng giá xăng đột ngột cùng với những khó khăn về tài chính trong kế hoạch đầu tư phương tiện, lãi suất ngân hàng, chi phí quản lý điều hành khiến hoạt động taxi gặp nhiều bất lợi...

Theo tính toán của anh Nguyễn Văn Vụ, lái xe hãng taxi Mai Linh tại Hà Nội: Trung bình mỗi ngày anh chạy khoảng 200km. Tính ra, xe “ngốn” tới 14 lít xăng/ngày. Với mức tăng thêm 2.100 đồng/lít như hiện nay, mỗi ngày anh phải bù ra ít nhất 30.000 đồng, như vậy là 900.000 đồng/tháng. Cũng theo anh Vụ, để “cứu vớt” tình hình, ngay trong ngày 9/3, hãng taxi Mai Linh đã điều chỉnh tăng giá, cụ thể tăng thêm 1.000 đồng/km đối với xe Kia Morning, và 600 đồng/km với Toyota Vios và Spark Daewoo...

Anh Trường Hải Nam, trưởng Phòng Thiết bị, chuyên hạch toán thu lỗ và lợi nhuận của công ty có hoạt động kinh doanh vận tải thuộc Viglacera cho biết: Hiện nay, với mức tăng giá xăng 2.100 đồng/lít, doanh nghiệp sẽ phải bù lỗ từ 5 - 7% nếu không tăng cước, vì thế, giá xăng tăng 12% thì cước phí vận tải cũng sẽ điều chỉnh tăng thêm ít nhất 10% may ra kinh doanh mới thu được lợi nhuận. Về mức tăng, ông Nam cho biết, mức tăng sẽ được thỏa thuận với chủ hàng, nếu chủ hàng chấp thuận thì công ty mới vận chuyển. Ngoài ra, công ty cũng sẽ cắt giảm một số chi phí liên quan để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Xe ôm là loại phương tiện dễ dàng đội giá lên cao nhất.

Đối với Công ty cổ phần xe khách Bắc Giang, nguyên liệu chính để chạy xe là dầu diezel, vì thế, việc tăng 1.000 đồng/lít dầu được cho là ảnh hưởng không nhiều tới doanh thu. Theo ông Nguyễn Trọng Tâm, Phó Giám đốc công ty: Hiện nay, doanh nghiệp vẫn chưa điều chỉnh tăng giá, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tuy rằng, mức tăng 1.000 đồng/lít đối với diezel cũng làm giảm lợi nhuận, khiến công ty phải cắt giảm một số khoản, nhưng muốn điều chỉnh giá thì phải xem xét, tính toán kỹ lưỡng. Trước mắt, công ty mới chỉ tập trung vào việc nâng cao chất lượng phục vụ và thanh tra kiểm tra để tránh thất thoát tiền của...

Phương tiện được cho là dễ dàng “đội” giá lên cao nhất vẫn là xe ôm. Vài giờ đồng hồ xăng tăng giá, thì cước phí xe ôm cũng đã tăng từ 4.000 - 7.000 đồng/km lên khoảng 6.000 - 9.000 đồng/km tùy vào độ ngắn dài của đoạn đường.

Theo nhiều chuyên gia, khi xăng tăng giá, việc điều chỉnh giá cước của các hãng taxi là bất khả kháng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và hành khách cần bình tĩnh tính toán, tổ chức vận tải hợp lý để vừa tiết kiệm chi phí, vừa giữ được khách. Vì trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất - thương mại điều chỉnh giá rất dễ tạo ra chênh lệch giữa giá cước vận chuyển, làm tăng tính cạnh tranh.

Sau lần điều chỉnh giá xăng dầu trên đây, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, cụ thể: nếu giá thế giới tăng thì điều chỉnh giá trong nước; nếu giá thế giới giảm thì giảm sử dụng Quỹ BOG, khôi phục thuế nhập khẩu ở mức hợp lý nếu còn dư địa thực hiện giảm giá bán./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên