Công ty nước sạch ở Hải Dương có dấu hiệu không tuân thủ Luật Doanh nghiệp

VOV.VN - Đến khi có đơn tố cáo, cơ quan chức năng bước đầu vào cuộc, Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng mới lộ ra thực trạng không tuân thủ pháp luật và có dấu hiệu tước đoạt quyền về tài sản của thành viên góp vốn…

Tước quyền về tài sản góp vốn của thành viên Công ty?

Thành lập từ ngày 18/9/2012, qua 9 lần thay đổi Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (CNĐKDN), đến thời điểm hiện nay, theo Giấy CNĐKDN do Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương cấp ngày 19/5/2020, Công ty có vốn điều lệ 27 tỷ đồng, có 3 thành viên góp vốn gồm: ông Nguyễn Vĩnh Thọ (10,8 tỷ), chiếm 40% vốn điều lệ; ông Phạm Quốc Kiên (10,8 tỷ), chiếm 40%; và bà Tạ Thị Thương (5,4 tỷ), chiếm 20%.

Hiện tại, Công ty đang cấp nước sinh hoạt cho 5.000 cơ quan, tổ chức và hộ dân trên địa bàn 4 xã, phường thị xã Kinh Môn. Đồng thời, Công ty đang được tỉnh Hải Dương quy hoạch mở rộng diện tích lên hơn 3 lần so với hiện tại.

Điều đáng quan tâm là theo phản ánh của ông Kiên, từ tháng 5/2020, ông Kiên đang sở hữu 80% vốn góp (mua lại từ các thành viên trước đó) đã chuyển nhượng một nửa cho ông Thọ để mỗi ông cùng nắm giữ 40% vốn góp tại Công ty. Đồng thời thống nhất để ông Thọ giữ chức Giám đốc, bà Thương giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV). Nhưng sau đó, ông Kiên bị gạt ra khỏi hoạt động của Công ty, cho dù đang nắm giữ 40% vốn điều lệ.

Suốt 4 năm liền (2020, 2021, 2022, 2023) ông Kiên không được mời họp HĐTV, không được cung cấp báo cáo tài chính, không được chia lợi nhuận, không được tham gia ý kiến vào mọi hoạt động của Công ty. Đặc biệt, ông Kiên cũng không được quyền định đoạt phần vốn góp của mình.

Theo ông Kiên, biết ông Thọ là người có nhiều mối quan hệ trong tỉnh, có trong tay nhiều công ty nước sạch và công ty vệ tinh, nên khi thấy thái độ bất hợp tác của ông Thọ, ông Kiên đã quyết định bán phần vốn góp của mình tại Công ty.

Năm 2023, ông Kiên sau nhiều lần gửi thông báo chào bán vốn góp đến HĐTV theo quy định của Điều lệ nhưng không được hồi đáp, vào ngày 1/10/2023, ông đã chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn Cường. Việc chuyển nhượng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đã hơn 8 tháng nay, ông Cường vẫn không được ông Thọ làm thủ tục sang tên trên Giấy CNĐKDN. Ông Cường và ông Kiên nhiều lần yêu cầu nhưng 2 thành viên còn lại đều né tránh.

Bỏ ra 10, 8 tỷ đồng để mua 40% vốn điều lệ của Công ty, ông Cường cũng rơi vào hoàn cảnh như ông Kiên, không lợi nhuận, cũng không có bất kỳ quyền lợi nào. Hơn 8 tháng qua, chỉ tính riêng lãi suất ngân hàng, số tiền 10,8 tỷ đồng của ông Cường cũng đã lên tới hàng trăm triệu đồng.

Theo Điều lệ của Công ty, HĐTV Công ty chỉ có thể quyết định những nội dung quan trọng trong hoạt động của Công ty khi có đủ thành viên đại diện cho 65% vốn điều lệ trở lên biểu quyết tán thành.

Vậy mà suốt gần 4 năm qua, ông Kiên rồi ông Cường đều không hề được tham gia họp để biểu quyết bất kỳ nội dung nào trong hoạt động của Công ty, không được cung cấp Báo cáo tài chính hàng năm, không được chia lợi nhuận.    

Trong khi đó, chỉ với 60% vốn điều lệ theo Giấy CNĐKDN đang có hiệu lực, nhưng ông Thọ và bà Thương đã tự cho mình quyền quản lý điều hành Công ty, quyết định đầu tư nhiều tỷ đồng trong suốt gần 4 năm qua, mặc nhiên chiếm giữ và sử dụng phần vốn góp đang được ghi nhận hợp pháp của thành viên thứ ba mà không hề cho họ được quyền tham gia và định đoạt tài sản của mình.

Điều đáng lưu tâm là Kế toán Công ty đã được ông Thọ thay thế bằng con dâu Bí thư Đảng ủy xã Bạch Đằng. Mặc dù ông Thọ và bà Thương là 2 cổ đông còn lại chỉ là đại diện 60% vốn tại công ty. Trong khi điều lệ công ty quy định phải có từ 65% vốn trở lên mới được định đoạt việc đàu tư, mua sắm, nhưng trong mấy năm qua ông Thọ đã tự ý đầu tư, xây dựng một số hạng mục, có một số hạng mục xây dựng trên phần đất không thuộc diện tích đất của nhà máy nước.

Cụ thể, trong báo cáo gửi Sở KH&ĐT Hải Dương, ông Thọ đại diện Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng cho biết, giai đoạn từ tháng 6/2020 đến hết năm 2023, Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng đầu tư xây dựng: Đường ống cấp nước phân phối chính cấp cho xã Thắng Hùng với số tiền đầu tư tạm tính 2 tỷ đồng; xây dụng “Nhà điều hành và Nhà hóa chất”, với số tiền tạm tính là 1 tỷ đồng; xây dựng sân vườn và tường rào, tạm tính là 1 tỷ đồng và một số hạng mục khác…

Ông Kiên khi biết có sự đầu tư tiền tỷ này đã bất bình và cho rằng kế toán đã “vẽ ra số liệu để tiêu tiền”. Để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ông Cường đã làm Đơn phản ánh đến Sở KH&ĐT; Đơn tố cáo đến Bí thư Tỉnh ủy và Công an tỉnh Hải Dương.

Sẽ xử lý nghiêm, không bao che sai phạm

Ngày 25/4/2024, làm việc với phóng viên VOV.VN, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương (Sở KH&ĐT), ông Vũ Huy Cường - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh cho biết, Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương nhận được Đơn phản ánh của ông Cường đã yêu cầu Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng có báo cáo giải trình, do thấy nội dung chưa đầy đủ đã mời các bên liên quan đến làm việc. 

Ông Vũ Huy Cường thông tin, sau khi tiếp nhận Đơn phản ánh của ông Nguyễn Văn Cường, Sở KH&ĐT đã yêu cầu Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng có báo cáo giải trình và cung cấp các văn bản liên quan. Sau đó, tổ chức cuộc họp với các bên liên quan dưới sự chủ trì của Phòng đăng ký kinh doanh và Thanh tra Sở KH&ĐT tỉnh Hải Dương.

Nội dung buổi làm việc cho thấy Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng có nhiều sai phạm. Ngày 23/4/2024 Phòng đăng ký kinh doanh đã ban hành Thông báo “về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy CNĐKDN”. Nội dung nêu rõ, bà Thương-Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nước sạch Bạch Đằng là viên chức Đài Phát thanh thành phố Hải Dương, thuộc đối tượng không được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp.

“Với những sai phạm ở Công ty TNHH Nước Bạch Đằng, thanh tra Sở KH&ĐT đã xác định có nhiều sai phạm và đã có quyết định xử phạt, sau thời gian theo quy định, nếu không thay đổi thành viên, sẽ thu hồi Giấy ĐKCNDN của Công ty này”, ông Cường khẳng định.

Đại diện Đội cảnh sát Kinh tế-Ma túy Công an thị xã Kinh Môn cho biết, Công an thị xã Kinh Môn đã nhận được đơn Tố giác tội phạm của ông Nguyễn Văn Cường đối với ông Nguyễn Vĩnh Thọ-Giám đốc Công ty TNHH nước sạch Bạch Đằng từ 05/3/2024. Hiện nay, Công an thị xã Kinh Môn đã giao cho Đội Kinh tế-Ma túy tiếp nhận đơn báo tố giác tội phạm của ông Cường để tìm hiểu và xử lý.

Đại diện Đội Kinh tế-Ma túy Công an thị xã Kinh Môn khẳng định, trong quá trình phân loại, xem xét, nếu xác định có dấu hiệu tội phạm như trong đơn ông Nguyễn Văn Cường tố cáo lãnh đạo Công ty TNHH nước sạch Bạch Đằng thì sẽ phải xử lý theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, không bao che cho bất kỳ cá nhân nào sai phạm.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang, dân thiếu nước sinh hoạt
Công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang, dân thiếu nước sinh hoạt

VOV.VN - Đến mùa khô hạn hàng năm, xã đảo Tam Hải, huyện núi Thành, tỉnh Quảng Nam lại lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt. Người dân xã này cần một giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng này.

Công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang, dân thiếu nước sinh hoạt

Công trình nước sạch tiền tỷ bị bỏ hoang, dân thiếu nước sinh hoạt

VOV.VN - Đến mùa khô hạn hàng năm, xã đảo Tam Hải, huyện núi Thành, tỉnh Quảng Nam lại lâm cảnh thiếu nước sinh hoạt. Người dân xã này cần một giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng này.

Nóng 24h: Xử lý nghiêm Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà
Nóng 24h: Xử lý nghiêm Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà

VOV.VN -Theo ông Nguyễn Đức Chung, Viwausupco đã biết về việc dầu phế thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo, không có biện pháp thích hợp để ngăn chặn hậu quả.

Nóng 24h: Xử lý nghiêm Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà

Nóng 24h: Xử lý nghiêm Công ty CP kinh doanh nước sạch sông Đà

VOV.VN -Theo ông Nguyễn Đức Chung, Viwausupco đã biết về việc dầu phế thải từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo, không có biện pháp thích hợp để ngăn chặn hậu quả.

Có công trình nước sạch gần 10 tỷ, dân ở Đắk Lắk phải dùng nước bẩn
Có công trình nước sạch gần 10 tỷ, dân ở Đắk Lắk phải dùng nước bẩn

VOV.VN -Mặc dù xã Vụ Bổn, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk có công trình nước sạch gần 10 tỷ đồng, nhưng người dân vẫn phải dùng nước bẩn.

Có công trình nước sạch gần 10 tỷ, dân ở Đắk Lắk phải dùng nước bẩn

Có công trình nước sạch gần 10 tỷ, dân ở Đắk Lắk phải dùng nước bẩn

VOV.VN -Mặc dù xã Vụ Bổn, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk có công trình nước sạch gần 10 tỷ đồng, nhưng người dân vẫn phải dùng nước bẩn.

Công ty kinh doanh nước sạch sông Đà Viwasupco không vô can
Công ty kinh doanh nước sạch sông Đà Viwasupco không vô can

VOV.VN - Viwasupco tuy có thể là nạn nhân của sự cố nghiêm trọng này nhưng cũng không vô tội bởi họ phải chịu trách nhiệm tuyệt đối, đến cùng với sản phẩm làm ra bán cho dân.

Công ty kinh doanh nước sạch sông Đà Viwasupco không vô can

Công ty kinh doanh nước sạch sông Đà Viwasupco không vô can

VOV.VN - Viwasupco tuy có thể là nạn nhân của sự cố nghiêm trọng này nhưng cũng không vô tội bởi họ phải chịu trách nhiệm tuyệt đối, đến cùng với sản phẩm làm ra bán cho dân.