Xây dựng nguồn giống chất lượng cao tạo sự bứt phá cho ngành tôm
VOV.VN - Để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và tạo ra sự bứt phá để ngành tôm phát triển bền vững, các địa phương, nhất là vùng ĐBSCL cần chú ý đến việc xây dựng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi, giảm dịch bệnh.
Hôm nay (14/2), tại thành phố Bạc Liêu, Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2025. Theo Cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm nước lợ trong năm 2024 đạt 749,8 ngàn ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2023; sản lượng tôm đạt 1,29 triệu tấn, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2023. Kế hoạch năm 2025, diện tích nuôi tôm là 750.000 ha (trong đó tôm sú 630.000 ha và tôm thẻ 120.000 ha); sản lượng tôm các loại từ 1,3– 1,4 triệu tấn; nhu cầu tôm giống khoảng 140-150 tỷ con.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều tham luận đề cập những thuận lợi, khó khăn, thách thức của hoạt động sản xuất, nuôi tôm nước lợ cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống, tôm thương phẩm; bảo vệ môi trường, xây dựng các vùng nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh. Các địa phương cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, liên kết, chế biến nhằm giảm giá thành sản xuất để ngành tôm phát triển bền vững.
![xây dựng nguồn giống chất lượng cao tạo sự bứt phá cho ngành tôm hình ảnh 1 xay dung nguon giong chat luong cao tao su but pha cho nganh tom hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-02/tien_20250214134518.jpg)
Theo Cục Thủy, các địa phương cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này; theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản để đạt các mục tiêu kế hoạch năm nay.
Cùng với đó, phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; áp dụng kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, phù hợp và hiệu quả với từng phương thức nuôi, ưu tiên công nghệ tuần hoàn nước, ít thay nước, thu gom và tái sử dụng chất thải trong nuôi tôm, đáp ứng yêu cầu của thị trường về bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật và có trách nhiệm xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến biểu dương các đơn vị trực thuộc, cùng các địa phương đã nỗ lực vượt qua những khó khăn hoàn thành các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ trong năm qua, tạo tiền đề vững chắc phát triển ngành tôm trong năm nay, đồng thời đánh giá cao những đề xuất, kiến nghị nâng cao hơn nữa năng lực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm của các địa phương và doanh nghiệp trong thời gian tới.
![xây dựng nguồn giống chất lượng cao tạo sự bứt phá cho ngành tôm hình ảnh 2 xay dung nguon giong chat luong cao tao su but pha cho nganh tom hinh anh 2](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-02/cac_dai_bieu_du_hoi_nghi_20250214134457.jpg)
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và tạo sự bứt phá để ngành tôm phát triển bền vững, các địa phương, nhất là vùng ĐBSCL cần chú ý đến việc xây dựng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi, giảm dịch bệnh.
Cùng với đó, cần có cơ chế chính sách để giải quyết những vấn đề về kỹ thuật nuôi; cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, logistic; cần phải tổ chức lại khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại... Chỉ có giải quyết các vấn đề này một cách đồng bộ, chặt chẽ mới tạo ra cạnh trạnh tốt hơn ở thị trường tôm thế giới, đưa ngành tôm bứt phá đạt được mục tiêu 10 tỷ USD trong thời gian tới.