Xóa thẻ vàng EU để thủy sản Việt Nam "hiên ngang" đi các nước khác
VOV.VN - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hôm nay (6/11), EU cử một phái đoàn sang Việt Nam kiểm tra lần thứ hai đối với việc khắc phục thẻ vàng EU.
Tại buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường sáng nay (6/11), đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu), đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đặt câu hỏi về biện pháp để gỡ thẻ vàng từ Ủy ban châu Âu (EU).
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, EU có luật đưa ra chung cho 28 nước thành viên và tất cả các quốc gia khác khi muốn xuất khẩu thủy sản đến EU. Định chế của cơ chế này là cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo, khai thác không đúng khai báo, để đảm bảo vệ tài nguyên của đại dương, tài nguyên biển phát triển bền vững.
Năm 2011, chế tài này chính thức có hiệu lực. Từ đó đến nay, 25 quốc gia bị rút thẻ, trong đó có 2 cấp: thẻ vàng và thẻ đỏ. Nếu rút thẻ vàng có nghĩa rằng tất cả những hải sản của nước đó xuất sang EU sẽ bị kiểm soát 100%, trong khi trước đó kiểm soát có xác suất. Còn nếu bị thẻ đỏ nghĩa là 28 nước thành viên trong EU sẽ không nhập hải sản của quốc gia đó nữa.
“Việt Nam trước đây do hạn chế về tiềm năng, năng lực khai thác ngư trường và tổ chức quản lý trên khai báo những sản phẩm đó không đúng với yêu cầu… Do đó, 23/10/2017, chính thức EU rút thẻ vàng với Việt Nam. Từ đó đến nay, chúng ta đã tập trung nỗ lực các chương trình hành động để xóa thẻ vàng EU”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.
“Chúng ta phải xác định rằng EU kiến nghị 9 nội dung để xóa thẻ vàng EU cũng trùng với lợi ích của Việt Nam, phải tái cơ cấu lại một nghề cá tự phát thành một nghề cá có trách nhiệm bền vững, không chỉ nuôi dưỡng tài nguyên. Việc này không chỉ thực hiện cho những năm tới mà còn lâu dài cho con cháu chúng ta, đảm bảo hiệu quả cho những đối tượng ngư dân tham gia hoạt động này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, qua 2 năm triển khai các biện pháp, Việt Nam được ghi nhận không còn vụ vi phạm hành vi khai thác trái phép nào trên toàn bộ tuyến Thái Bình Dương và các quốc đảo. Tuy nhiên, vi phạm vùng biển phía Nam vẫn còn. Cụ thể, năm 2019 còn tới 113 vụ, gồm hơn 180 ngư dân của 8 tỉnh, thành tại Việt Nam vẫn còn vi phạm.
“Việc thực hiện các bước khác từ công tác tổ chức quản lý, ghi nhận của doanh nghiệp của ngư dân chưa được tốt; Tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát trên các tuyến biển đã cho thành lập kiểm ngư ở địa phương, nhưng trên thực tiễn hiện nay mới có 2 tỉnh thành lập. Do đó, khâu kiểm soát của ba đới từ đới bờ lộng và khơi hiện nay tuy có mấy lực lượng tham gia nhưng tính hiệu quả cuối cùng lại chưa được”, tư lệnh ngành nông nghiệp thừa nhận.
Hôm nay (6/11), EU cử một phái đoàn sang kiểm tra lần thứ hai đối với Việt Nam. Việt Nam cũng nêu quan điểm rõ ràng, phía EU khuyến nghị là trùng với hướng phấn đấu của Việt Nam, để giúp một nghề cá bền vững.
“Hàng triệu bà con ngư dân, 96.606 tàu đánh bắt cá, với hơn 2.000 tàu lớn phạm vi hoạt động rộng như thế. Không thể nào một sớm một chiều mà yêu cầu làm đồng loạt như vậy. Giờ chúng ta phải đồng lòng, tiếp tục quyết liệt, thái độ của Chính phủ, thái độ của các bộ, các địa phương thì tới đây sẽ làm tốt hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cũng đề nghị các địa phương như Cà Mau, Phú Yên, Bình Định… quyết tâm, quyết liệt lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các doanh nghiệp cũng như các nghiệp đoàn doanh nghiệp cần chung tay. Cuối cùng, bà con ngư dân vì quyền lợi lâu dài và vì thương hiệu Việt Nam hãy thực hiện tốt.
“Xuất khẩu hải sản sang EU chỉ có giá trị mấy trăm triệu USD, không có ý nghĩa quá lớn về kinh tế. Nhưng đây là danh dự của Việt Nam. Thông qua việc xóa được thẻ vàng EU, thủy sản Việt Nam có thể đi các nước một cách hiên ngang. Hay như vừa rồi Hoa Kỳ công nhận chất lượng cá tra và cũng vì lợi ích lâu dài của con cháu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh./. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng 3 lần trong 3 năm qua