Xu hướng mua sắm đa kênh tăng trưởng vượt bậc
VOV.VN - 71% người dùng internet tại Việt Nam từng thực hiện ít nhất 1 lần mua hàng trực tuyến; 94% người dùng sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ số; 81% xem mua hàng trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) năm 2021 cho thấy, có tới 88% DN nhận đơn đặt sản phẩm qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động. 47% DN đánh giá vai trò của thương mại điện tử (TMĐT) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN là tương đối quan trọng. Nếu xét về quy mô DN, có 21% DN lớn đánh giá vai trò của TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ở mức "rất quan trọng”, cao gấp đôi so với tỷ lệ của nhóm DN vừa và nhỏ là 9%.
Đáng chú ý, báo cáo này chỉ ra rằng, 18% DN có sử dụng website/ứng dụng TMĐT để phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu. Tỷ lệ này trong nhóm DN lớn cao gấp đôi so với nhóm DN vừa và nhỏ. Phần lớn doanh nghiệp đều đánh giá việc sử dụng website/ứng dụng TMĐT phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu là tương đối hiệu quả.
Khẳng định những xu hướng nổi bật, những thay đổi hành vi của người tiêu dùng tác động đến chiến lược phát triển lâu dài của DN, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch VECOM chia sẻ, sau đại dịch môi trường kinh doanh thay đổi, thói quen và xu hướng người tiêu dùng đã có sự thay đổi khiến công nghệ số đã có những chuyển biến đáng kể. Vì vậy, DN cần phải thay đổi để đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển chung, thúc đẩy phục hồi kinh tế và tăng trưởng đột phá sau đại dịch.
Trong hơn 2 năm qua, tác động của dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng TMĐT. Đáng chú ý, xu hướng mua sắm đa kênh có sự tăng trưởng vượt bậc, nhiều nhất trong nhóm người tiêu dùng phục hồi sau dịch. Nhìn nhận tích cực về điều này, bà Lê Minh Trang, đại diện Nielsen cho biết, với sự cập nhật liên tục cùng sự đổi mới phương thức kinh doanh của các nhà bán hàng, đến nay những lo lắng của người tiêu dùng về chất lượng hàng hoá, độ tin cậy… dần biến mất, đưa tỷ lệ người tham gia TMĐT ngày càng tăng nhanh.
“Có 3 yếu tố then chốt khi người tiêu dùng mua sắm online mà các nhà bán hàng cần lưu ý là giá, chất lượng và thời gian giao hàng. Do đó, để cạnh tranh, các DN cần nỗ lực hơn, thay đổi cập nhật hành vi của mình để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, bà Trang khuyến cáo.
Là DN đã hoạt động được 10 năm tại thị trường Việt Nam với nỗ lực xây dựng hệ sinh thái TMĐT dựa trên trụ cột chính là công nghệ và logistics, Giám đốc đối ngoại Lazada Vũ Thị Minh Tú cho biết, thời kỳ đầu của TMĐT, người tiêu dùng khi lên sàn TMĐT sẽ tìm kiếm sản phẩm có giá trị thấp, nhỏ lẻ bởi lòng tin và sự hiểu biết về mua sắm TMĐT chưa nhiều.
Tuy nhiên, gần đây người tiêu dùng đã có sự dịch chuyển tâm lý mua sắm bằng việc quan tâm tới uy tín của nhà bán hàng, cũng như chất lượng sản phẩm của từng DN. Ngoài ra, TMĐT cũng là công cụ để hỗ trợ DN Việt lên sàn, kinh doanh online một cách dễ dàng, hiệu quả hơn, tăng được tương tác với tệp khách hàng tiềm năng. Ở vai trò lớn hơn, TMĐT đã phát huy tốt hiệu quả để hỗ trợ cho công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
“Từ quan sát của Lazada cho thấy, TMĐT vẫn phát triển mạnh mẽ sau đại dịch khi các DN đã biết coi TMĐT như một công cụ để quản lý gian hàng một cách chuyên nghiệp. Thông qua các hoạt động như vậy, các DN đang và sẽ góp phần phát triển TMĐT và phục hồi kinh tế nói chung”, bà Tú khẳng định.
Chỉ ra những yếu tố tích cực để TMĐT tiếp tục tăng trưởng và góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch, bà Tú cho rằng, thị trường thương mại trực tuyến còn nhiều dư địa phát triển với 71% người dùng internet tại Việt Nam từng thực hiện ít nhất 1 lần mua hàng trực tuyến; 94% người dùng Việt sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ số; 81% xem mua hàng trực tuyến trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, các DN đang ngày càng coi trọng và đầu tư nhiều hơn vào việc chuyển đổi số và kinh doanh trên TMĐT.
Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, TMĐT ngày càng giúp cho cho giao thương thuận lợi hơn. Song hành với kênh truyền thống, TMĐT đã khẳng định là kênh chủ đạo, hỗ trợ phát triển kinh tế.
Tuy nhiên ông Dũng cũng cho rằng, hiện các văn bản pháp lý, chính sách dù đã tạo điều kiện nhất định cho phát triển TMĐT, song việc kinh doanh, mua sắm thông qua TMĐT chưa có nhiều sự hỗ trợ, ưu đãi. Do đó, ở góc độ quản lý nhà nước cần nhìn nhận TMĐT là phương thức kinh doanh có sản phẩm hữu hình, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để từ đó có sự hỗ trợ, ưu đãi lớn hơn.
Ước tính năm 2021 lĩnh vực TMĐT đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế dự báo, TMĐT sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025./.