Xuất khẩu năm 2019: Biết nắm bắt cơ hội từ các FTA, kết quả sẽ khả quan

VOV.VN - Lĩnh vực xuất khẩu được đánh giá còn nhiều khó khăn, nhưng biết tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do sẽ có kết quả khả quan.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia tới 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó, 10 FTA đã ký kết và có hiệu lực. Ngày 14/1 vừa qua, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Các FTA đã có hiệu lực đang góp phần gia tăng hiệu ứng tích cực của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu năm 2019.

Theo báo cáo sơ bộ đánh giá định lượng về lợi ích và cơ hội của CPTPP đối với Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do tác động của cắt giảm thuế quan, CPTPP, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm xuất khẩu là trên 4% (tương đương 4,09 tỷ USD). Tốc độ tăng xuất khẩu sang các nước trong CPTPP sẽ tăng thêm ở mức 14,3% (giả định lũy tiến đến năm 2035), tương đương với 2,61 tỷ USD.

Đối với EVFTA, bài toán gia tăng xuất khẩu cũng khá khả thi. Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy, EVFTA sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân từ 4% - 6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Giả sử, EVFTA có hiệu lực vào năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm được 16 tỷ USD ngay trong 1-2 năm đầu tiên so với trường hợp không có FTA.

Việc tham gia các FTA như CPTPP và EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp trong ngành dệt may, ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành (Tập đoàn Dệt may Việt Nam) cho rằng, với các FTA, CPTPP và EVFTA sắp có hiệu lực, nếu như không cẩn trọng và có bước đi thích hợp, doanh nghiệp Việt sẽ phải nhường thị phần cho các doanh nghiệp FDI vốn có lợi thế hơn về vốn, kinh nghiệm, công nghệ, con người.

Khi đó, nhiều doanh nghiệp FDI sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi - vải - may mặc tại Việt Nam, vừa để tận dụng các lợi thế miễn giảm thuế từ các FTA, vừa tránh ảnh hưởng, giảm ảnh hưởng nếu có rủi ro kịch bản căng thẳng thương mại với Mỹ trong tương lai. Nếu như vậy, kịch bản tăng trưởng của toàn ngành dệt may vẫn sẽ tốt, chỉ có tăng trưởng khu vực DN nội là đáng quan ngại.

“Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đưa ra các giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường. Doanh nghiệp may làm việc chặt chẽ với khách hàng cũng như doanh nghiệp sợi vải, liên kết chuỗi để cùng vượt qua các khó khăn thách thức mà biến động thị trường gây ra", ông Hiếu lưu ý.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), các FTA đều "có đi có lại" nên cơ hội và thách thức đối với Việt Nam luôn song hành. Tuy nhiên, Việt Nam và EU có sự khác biệt nhiều về cơ cấu sản xuất nên tính bổ sung sẽ nhiều hơn tính cạnh tranh.

"Thị trường EU rất rộng lớn, mở ra cơ hội lớn cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng cũng thu hút FDI tăng theo, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", TS. Nguyễn Đức Độ cho biết.

Tìm cách nắm bắt cơ hội

Có thể nói, việc tham gia các FTA như CPTPP và EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico... , đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, một số mặt hàng dệt may và da giày…

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh, tham gia các FTA, Việt Nam sẽ đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số ít thị trường nhất định, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng phức tạp và khó đoán định.

Bên cạnh đó, các FTA cũng sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi các Hiệp định có hiệu lực. Đây là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển của doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, giảm dần tỷ lệ các công đoạn gia công lắp ráp, chuyển dần lên các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao...

Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế của các FTA, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô một cách kịp thời, linh hoạt, hợp lý và củng cố, ổn định hệ thống và thị trường tài chính trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

“Việt Nam cần phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu nhằm giải quyết vấn đề nhập siêu và bình ổn cán cân thanh toán; vận dụng các biện pháp phi thuế như các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại được phép áp dụng trong WTO và các FTA để hỗ trợ các ngành trong nước cần bảo hộ trước cạnh tranh để phát triển và xuất khẩu”, Bộ trưởng cho biết.

Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, để tận dụng lợi ích và lợi thế các FTA mà Việt Nam tham gia, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao tính cạnh tranh và năng suất thông qua mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá và giảm giá thành sản phẩm.

Cụ thể, để mở rộng quy mô sản xuất, doanh nghiệp cần huy động sự đầu tư về vốn, nhân lực, công nghệ. Đặc biệt, đầu tư phát triển công nghệ sẽ là một trong những chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp tăng năng suất và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

“Doanh nghiệp cần nghiên cứu và xác định được vị trí của mình và đối thủ trong phân khúc cạnh tranh trên thị trường để có hướng phát triển công nghệ phù hợp với khả năng. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược dài hạn xây dựng thương hiệu về sản phẩm, cũng như tăng cường sự tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

FTA thế hệ mới: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt
FTA thế hệ mới: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

VOV.VN - Hóa giải những bất lợi sẽ tạo ra nhiều lợi thế và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

FTA thế hệ mới: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

FTA thế hệ mới: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

VOV.VN - Hóa giải những bất lợi sẽ tạo ra nhiều lợi thế và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

FTA Việt Nam - EU sẽ mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam
FTA Việt Nam - EU sẽ mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam

VOV.VN - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu được kí kết và đi vào thực thi trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam.

FTA Việt Nam - EU sẽ mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam

FTA Việt Nam - EU sẽ mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam

VOV.VN - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu được kí kết và đi vào thực thi trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho Việt Nam.

FTA thế hệ mới mở rộng quyền của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
FTA thế hệ mới mở rộng quyền của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

VOV.VN - Tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do nhưng thương mại Việt Nam chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi, cơ hội từ các FTA mang lại.

FTA thế hệ mới mở rộng quyền của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

FTA thế hệ mới mở rộng quyền của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

VOV.VN - Tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do nhưng thương mại Việt Nam chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi, cơ hội từ các FTA mang lại.