Tháo gỡ điểm nghẽn, nâng tầm chuỗi giá trị lúa gạo
VOV.VN - Bộ NN và PTNT và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL trong nhiệm vụ triển khai đề án vùng lúa chất lượng cao do Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Qua đó, nhằm tạo cuộc cách mạng cho cây lúa, cũng như ngành hàng lúa gạo và phát triển vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai cho thấy khó khăn, bất cập khi thực hiện với quy mô lớn, chưa có tiền lệ tham khảo.
Trong bài đầu loạt bài “Cấu trúc lại ngành hàng lúa gạo vững bước trong kỷ nguyên mới” với nhan đề "Đề án 1 triệu ha: Tín hiệu tích cực từ vựa lúa Miền Tây", nhóm phóng viên VOV-ĐBSCL đã ghi nhận những nỗ lực và sự quyết tâm của Bộ NN và PTNT và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL trong nhiệm vụ triển khai đề án vùng lúa chất lượng cao do Chính phủ trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Qua đó, nhằm tạo cuộc cách mạng cho cây lúa, cũng như ngành hàng lúa gạo và phát triển vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai cũng cho thấy có nhiều khó khăn, bất cập khi Đề án thực hiện giảm phát thải trên lúa với quy mô lớn; các hoạt động, nội dung đều mới, chưa có tiền lệ tham khảo.
Tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, sẽ có trên 33.000 nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác bền vững, tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%.
Thực tế, tại các mô hình thí điểm đang được triển khai ở Trà Vinh trong vụ hè thu 2024, năng suất lúa đã lên 6,1 tấn/ha, cao hơn bên ngoài mô hình 0,2 tấn/ha. Với những hiệu quả bước đầu, nông dân trong tỉnh mong muốn tiếp tục trồng lúa theo mô hình của đề án. Tuy nhiên, vốn chính là rào cản lớn nhất hiện nay. Vì muốn tham gia thì 70% diện tích phải áp dụng cơ giới hoá đồng bộ.
Tại Cần Thơ, theo ông Nguyễn Cao Khải, HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp bước đầu đã thành công. Tuy nhiên, theo ông Khải, rào cản lớn nhất là nguồn tín dụng để mua sắm thiết bị đồng bộ trong quá trình sản xuất, HTX hoặc người dân không đủ nguồn lực để mua sắm. Vì vậy, cần có những chính sách để hỗ trợ nguồn vốn.
“Mô hình này đạt kết quả rất cao. Cách sản xuất như thế này tôi sẽ tiếp tục, sẽ đầu tư, nói chung HTX hoặc người nông dân số vốn không nhiều cũng đang chờ nguồn hỗ trợ, HTX chúng tôi sẽ sắm máy móc để phục vụ”, ông Nguyễn Cao Khải chia sẻ.
Còn tại Sóc Trăng, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Ðề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, góp phần tạo đột phá lớn cho ngành lúa gạo vùng ÐBSCL và cả nước. Ngay sau khi có Ðề án, tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt, đã phối hợp với Bộ NN và PTNT và các đơn vị có liên quan triển khai mô hình thí điểm tại tỉnh. Mô hình đã giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và giá bán lúa. Ðể phát huy hiệu quả đạt được, tỉnh đã chủ trương tiếp tục nhân rộng các mô hình thí điểm trên diện rộng tại tỉnh, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế và điều kiện môi trường sinh thái của tỉnh. Trong đó, nguồn vốn là điều kiện cần rất quan trọng.
“Đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn kết nối phù hợp với vùng sản xuất nhằm đảm bảo tưới, tiêu phục vụ vận chuyển, lưu thông hàng hóa nhanh chóng. Kinh phí đề xuất bước đầu của tỉnh Sóc Trăng là 1.393 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới là 1.071 tỷ đồng, đối ứng của tỉnh là 322 tỷ đồng”, ông Lâm Hoàng Nghiệp thông tin.
Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, việc huy động nguồn lực đầu tư hiện nay không theo kịp tiến độ triển khai Đề án, đặc biệt nguồn đầu tư từ ngân sách ngay trong giai đoạn 2024-2025 chưa bố trí được nguồn. Trong giai đoạn 2026-2030, cần chuẩn bị sẵn sàng vốn đầu tư hạ tầng từ các nguồn vay nước ngoài và nguồn ngân sách cùng với cơ chế, chính sách thông thoáng để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư công thuộc phạm vi đầu tư của Nhà nước cho Đề án. Đồng thời, cần nhanh chóng triển khai gói tín dụng đủ tầm cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia Đề án vay ngắn hạn để mua vật tư, thu mua lúa cho nông dân, vay trung và dài hạn để mua máy cơ giới, máy móc thiết bị phục vụ bảo quản, chế biến, đầu tư cho hệ thống kho chứa và logistics.
Cùng với đó, vấn đề cần có giải pháp đồng bộ ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL cho thấy việc quy hoạch và phát triển hạ tầng chưa đồng bộ (thủy lợi, giao thông, kho bãi... chưa được kết nối) đã và đang làm cho việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Thực tế diễn ra ở nhiều địa phương, việc trồng lúa phát thải thấp, người nông dân thường áp dụng phương pháp tưới ngập khô xen kẽ. Biện pháp này được đánh giá có thể giúp giảm tới 25% lượng khí nhà kính. Nghĩa là phải luôn chủ động nguồn nước, tuỳ vào từng thời điểm để đưa nước vào hoặc rút nước ra. Tuy nhiên, có một tồn tại là nhiều công trình nội đồng hiện nay ở ĐBSCL chưa đáp ứng được yêu cầu này.
“Về hạ tầng giao thông và thủy lợi thì đối với các tỉnh ĐBSCL trong đó có An Giang thì thấy Chính phủ rất quan tâm trong thời gian vừa rồi nhưng mà nếu được quan tâm nhiều hơn, quan tâm đầy đủ hơn nữa, nhiều hơn nữa thì chắc chắn sẽ là giúp cho đồng ĐBSCL phát triển, đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp”, ông Hồ Văn Mừng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nêu rõ.
Theo tổng hợp của Bộ NN và PTNT, trước mắt, đối với lĩnh vực thuỷ lợi cần nguồn lực để nạo vét 1.924 km kênh cấp II trong vùng sản xuất lúa; xây mới/nâng cấp 1.628 km đê bao khép kín kết hợp với lưu thông vận chuyển hàng hoá vật tư nông nghiệp; xây dựng 724 cống hở để tưới/tiêu; xây dựng 43 công trình điều tiết nước.
Cùng với đó, hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định các giải pháp giảm phát thải (MRV) trong sản xuất lúa có vai trò quan trọng là cơ sở để cấp tín chỉ các bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp. Hướng tới thị trường tín chỉ các bon trong và ngoài nước, góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo.
Tuy nhiên, thách thức khi triển khai phương pháp MRV tại ĐBSCL hiện nay là diện tích rời rạc, vì vậy phải gắn hộ sản xuất nhỏ lẻ vào HTX để có cơ chế hỗ trợ. Đặc biệt là kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn từ vài trăm đến vài nghìn hecta.
“Kiến nghị Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn thì sớm triển khai tổ chức và quản lý thực hiện đồng bộ hệ thống và quy trình đo đếm, báo cáo rồi thẩm định lượng phát thải trong sản xuất lúa, cơ sở để cấp tín chỉ Carbon. Cái này quan trọng để người dân có thêm thu nhập để tăng giá trị”, ông Đỗ Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, 1 trong 5 địa phương tham gia thí điểm đề án nói.
Từ thực tế triển khai tại ĐBSCL, nhiều địa phương trong vùng cũng đã có những bước triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ Bộ NN và PTNT, Đề án thực hiện giảm phát thải trên lúa với quy mô lớn; các hoạt động, nội dung đều mới, chưa có tiền lệ tham khảo. Cùng với đó, kiến thức, sự hiểu biết của một bộ phận người dân về Đề án còn hạn chế; một số hộ dân còn sản xuất theo tập quán cũ. Vì thế, muốn thực hiện Đề án có hiệu quả trước hết phải có sự đồng thuận của người nông dân, quy mô tối thiểu tham gia thực hiện Đề án phải có diện tích liền mảnh từ 50 ha trở lên, trong khi thực tế nhiều tỉnh diện tích canh tác lúa còn manh mún, nhỏ lẻ.
“Đối với người dân vùng ĐBSCL người ta đã thấy những người khác làm có hiệu quả từ tự người ta làm theo mình cản người ta cũng rất là khó. Mình còn có cách là đưa người ta đến những mô hình đó cho người ta thấy được hiệu quả của mô hình thì người ta sẽ làm theo”, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.
Có thể nói, trong suốt thời gian qua, người nông dân ĐBSCL đã quen với phương thức canh tác lúa truyền thống. Chính vì thế, để triển khai phương thức sản xuất mới, đảm bảo sản xuất mang tính bền vững, liên kết cao, rất cần có sự tuyên truyền phổ biến mạnh mẽ; nâng cao năng lực; hỗ trợ người nông dân được tiếp cận với mô hình trình diễn cụ thể đi kèm với sự hỗ trợ về cơ chế và nguồn lực để tạo động lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật để có thể thay đổi tư duy sản xuất.
Triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm tạo động lực mới cho phát triển ngành lúa gạo của Việt Nam bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, việc xác định các phương thức đầu tư hợp lý và tính toán hiệu quả đầu tư một cách khôn ngoan để vừa đảm bảo được các mục tiêu về môi trường lại vừa tăng được thu nhập của các bên tham gia chuỗi giá trị lúa gạo, đặc biệt là thu nhập của người nông dân trồng lúa, là hết sức cần thiết để Đề án có thể được thực hiện thành công như kỳ vọng. Trong bài viết cuối với nhan đề "Cuộc cách mạng cho cây lúa Đồng bằng trong kỷ nguyên mới" của loạt bài, nhóm phóng viên VOV-ĐBSCL sẽ phân tích rõ vấn đề này.