Kỷ nguyên mới với đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố mang tên Bác
VOV.VN - Là đô thị đặc biệt của cả nước, TP.HCM có nhịp sống sôi động, hiện đại và đa dạng sắc màu văn hóa với sự hội tụ của 53 dân tộc thiểu số. Trước thềm năm mới 2025, đồng bào các dân tộc kỳ vọng những chính sách mới sẽ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, giúp bà con nâng cao đời sống kinh tế.
Điểm sáng thực hiện chính sách dân tộc
Với hơn 500.000 người đang sinh sống và làm việc tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, chiếm tỷ lệ hơn 5% dân số toàn thành phố, đồng bào các dân tộc thiểu số tại TP.HCM có cuộc sống ổn định, an tâm lao động và sinh hoạt. Bà con tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, từng bước hòa nhập vào xu hướng phát triển chung của thành phố.
Từ thực tế đời sống, kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, thành phố đã phê duyệt ban hành nhiều chủ trương, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc, phù hợp với yêu cầu phát triển toàn diện cho đồng bào.
Chị Hoàng Thị Lê là giáo viên dân tộc Tày, ngụ quận Bình Tân, từ quê nhà ở Cao Bằng đến TP.HCM lập nghiệp 7 năm qua chia sẻ: "Các cấp lãnh đạo quan tâm cho đáo đến đồng bào dân tộc, em rất vui và tự hào về đất nước mình. Nơi đây có rất nhiều anh em dân tộc và mọi người luôn đoàn kết, gắn bó yêu thương và thể hiện lòng nhân ái. Người dân tộc Tày ở quê em cuộc sống còn nhiều khó khăn, mong muốn lãnh đạo sẽ quan tâm đầy đủ hơn đến dân tộc thiểu số, để các bạn học sinh được đến trường, hoặc có chính sách cụ thể về học đại học, để cuộc sống của mọi người tốt hơn và đất nước ngày càng phát triển".
Có thể nói TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong chăm lo việc học tập cho con em dân tộc thiểu số. Từ năm học 2019-2020 đến năm học 2023-2024, thành phố đã có chính sách miễn học phí đối với học sinh dân tộc Khmer, dân tộc Chăm từ mẫu giáo đến trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập. Ngoài ra còn có chính sách hỗ trợ chi phí học tập dành cho sinh viên đại học người dân tộc thiểu số là thành viên hộ nghèo, cận nghèo; vay vốn tín dụng đối với học sinh, sinh viên nghèo, hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh người dân tộc thiểu số…
Với tinh thần "đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình", bà Phùng Kim Phụng, dân tộc Hoa – Trưởng ban công tác mặt trận Khu phố 6, Quận 11 gửi gắm niềm tự hào và kỳ vọng. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với bà, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng là điểm tựa tinh thần vững chắc đối với đồng bào dân tộc nói chung và người Hoa nói riêng. Họ tin rằng, những quyết sách đúng đắn sẽ mở ra con đường phát triển mới, mang lại ấm no và hạnh phúc cho mọi người.
“Mong đồng bào dân tộc Hoa được đứng vào hàng ngũ của lãnh đạo, nắm tình hình nguyện vọng của đồng bào để có tiếng nói. Trong thời gian qua, đối với đồng bào người Hoa, chính sách về an sinh xã hội rất được quan tâm từ việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, trao phương tiện sinh kế để hộ nghèo vượt chuẩn nghèo để cuộc sống ổn định. Khi tuyên truyền thì vừa có tiếng Hoa vừa tiếng Việt để đồng bào hiểu rõ hơn, cùng thực hiện tốt", bà Phụng nói.
Đáp ứng nguyện vọng của đồng bào dân tộc, thành phố quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Hiện có 2.189 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trên địa bàn.
Năm mới vững niềm tin
Những năm gần đây, việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, di sản văn hóa; công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực, lễ hội, tết cổ truyền của các dân tộc thiểu số rất được chú trọng. Trong số 188 di tích của TP.HCM đã được xếp hạng, có nhiều di tích lịch sử, cơ sở tín ngưỡng, di tích văn hóa của đồng bào dân tộc, nhất là 26 di tích liên quan đến cộng đồng người Hoa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố.
Năm 2020, “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa Quận 5” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2023, lễ hội đua ghe ngo của đồng bào dân tộc Khmer lần đầu tiên được Quận 3 tổ chức nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, thu hút đồng bào dân tộc Khmer ở TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ tham gia…
Hòa thượng Danh Lung, đồng bào Khmer, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – Trụ trì chùa Candaransi, Quận 3 cho biết: "Đua ghe ngo là môn thể thao rất đặc sắc ở vùng sông nước, chúng tôi kỳ vọng thành phố sẽ phát triển thể dục thể thao, trong đó có đua ghe ngo, ngoài ra còn có nghệ thuật ca múa nhạc, sân khấu... Mong Thành phố đầu tư triển lãm, trình bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, ẩm thực truyền thống Khmer đối với cộng đồng các dân tộc anh em cũng như người dân ở các nước khi đến tham quan TP.HCM, để họ thấy rằng Việt Nam là đất nước có nền văn hóa dân tộc đặc sắc, phong phú với 54 dân tộc anh em”.
Trước sự ảnh hưởng mạnh mẽ của toàn cầu hóa, đồng bào các dân tộc cũng đang nỗ lực bảo tồn ngôn ngữ, trang phục và các giá trị truyền thống. Nhiều bà con mong rằng có thêm điều kiện phát triển các không gian văn hóa cộng đồng, trường học dạy tiếng mẹ đẻ và các chương trình truyền thông quảng bá giá trị văn hóa dân tộc mình.
Ngoài ra, việc nâng cao đời sống kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của đồng bào dân tộc thiểu số. Chị Trịnh Thị Mỹ Lệ, người dân tộc Khmer ngụ tại Quận 3, bộc bạch: "Em mong sao công tác chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, cũng như đồng bào dân tộc thiểu số nói chung sẽ được chú trọng để người dân có nhiều cơ hội phát triển hơn. Quan trọng nhất là có điều kiện lao động, tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn; có nhiều chính sách hỗ trợ cho người lớn tuổi, thanh niên thất nghiệp… thường xuyên hơn”.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, dù đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều cải thiện, nhưng một số hộ gia đình vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, giáo dục và y tế.
Không dừng lại ở mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chăm lo, đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là thế hệ trẻ cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển bền vững của thành phố trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bạn Triệu Chí Phong, dân tộc Hoa, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM bày tỏ: "Em kỳ vọng sự hiệu quả hơn nữa về công tác dân tộc trên địa bàn TP.HCM trong các năm tiếp theo. Là thế hệ trẻ mà đặc biệt là sinh viên, em mong muốn thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số lập nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học. Em nghĩ khó khăn với các bạn là có được nguồn vốn, cần được trang bị kiến thức, kỹ năng mềm trước khi tham gia Start-up nào đó, và cập nhật tiến bộ về khoa học công nghệ, đặc biệt là liên quan đến trí tuệ nhân tạo".
TP.HCM là đô thị đặc biệt, không có vùng dân tộc thiểu số, không có các xã đặc biệt khó khăn, không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo có thu nhập trong chuẩn nghèo quốc gia, nhưng công tác giảm nghèo bền vững đối với hộ nghèo, cận nghèo diện đồng bào dân tộc thiểu số luôn được Thành ủy, UBND Thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và thực hiện hiệu quả.
5 năm tới, thành phố phấn đấu có 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 80% người dân tộc thiểu số sau các khóa học nghề...
Đặc biệt, thành phố sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để phát huy lợi thế, tiềm năng về vốn, liên kết trong doanh nghiệp của đồng bào dân tộc gắn với định hướng phát triển kinh tế của TP.HCM. Từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, giữ vững sự ổn định chính trị trên địa bàn.