Việt Nam có thể trở thành "con hổ châu Á" nếu dám nghĩ lớn và làm lớn
VOV.VN - Việt Nam có thể trở thành con hổ Châu Á nếu dám nghĩ lớn và làm lớn, đó là ý kiến của đại biểu tại Hội thảo "Đổi mới để vươn mình trong kỷ nguyên mới" do Sở Công Thương TP.HCM và Báo Tuổi Trẻ tổ chức. Hội thảo trong khuôn khổ Giải thưởng "Thương hiệu Vàng TP.HCM" lần 5 tổ chức hôm nay (1/3)
Dịch chuyển sản xuất
Tại hội thảo, ông Sam Korsmoe - đồng tác giả của cuốn sách “Việt Nam - Ngôi sao đang lên của châu Á” cho rằng, Việt Nam là quốc gia trỗi dậy mạnh mẽ trên trường quốc tế, đặc biệt là vai trò tiên phong của TP.HCM, qua sự tăng trưởng ấn tượng đến từ những đổi mới sáng tạo không ngừng.
Để đạt mục tiêu trở thành "con hổ Châu Á" vào năm 2045, Việt Nam cần nghĩ lớn, làm lớn và tránh sa vào bẫy thu nhập trung bình. Theo ông Sam Korsmoe, "nghĩ lớn" nghĩa là tư duy dịch chuyển từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế đổi mới, sáng tạo và công nghệ. Việt Nam cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, đồng thời đầu tư cho những thương hiệu toàn cầu.
Việt Nam có thể đưa văn hóa của mình trên sân khấu toàn cầu được hay không? Kết nối tất cả các nền tảng kinh tế số để chuyển đổi nền kinh tế toàn diện. Trong các Thành phố lớn của Việt Nam thì TP.HCM có thể trở thành nơi trung tâm đổi mới sáng tạo về AI và Thành phố có vai trò dẫn dắt.
Cá nhân hóa
Ông Lê Trí Thông - Tổng giám đốc PNJ chia sẻ hành trình đổi mới, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp này. Trong đó, xây dựng thương hiệu PNJ giá trị cốt lõi là niềm tin cho khách hàng. Niềm tin này không chỉ xây dựng từ uy tín và sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, mà còn là sự hiện diện mạnh mẽ trên các kênh truyền thông chính thống, mạng xã hội, giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế. Đồng thời, PNJ không ngừng đổi mới để thích ứng với sự thay đổi của thị hiếu khách hàng. Ngày nay, khách hàng thông thái hơn nên phải đa dạng hóa sản phẩm, tạo sự khác biệt và đề cao phong cách cá nhân.
Về xây dựng niềm tin cho thương hiệu, ông Thông cho biết: "Niềm tin của khách hàng cũng có những có những tiêu chuẩn mới, cảm nhận khác trước đây. Câu chuyện của những năm 2020, niềm tin không chỉ thuần túy là công ty lớn mà là phải là công ty mạnh, không chỉ xuất hiện trên các kênh báo chí truyền thông chính thống. Đó là vai trò của câu chuyện, sự tương tác với kênh mạng xã hội, không chỉ giải thưởng trong nước mà niềm tin tạo ra được còn là câu chuyện vươn tầm quốc tế của thương hiệu đó như thế nào".
Ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc Điều hành marketing của Vinamilk chia sẻ quá trình tái định vị thương hiệu của doanh nghiệp. Người tiêu dùng ngày càng phân mảnh, đa dạng, nhất là đòi hỏi cao cấp hơn và cá nhân hóa. Vinamilk không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng bộ nhận diện thưởng hiệu mới, thay đổi bao bì và phong cách sản phẩm… Đây là bước đi cần thiết để đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường hiện đại.
"Chiến lược này xoay quanh giá trị cốt lõi "Chăm sóc" (Care), thể hiện sự quan tâm đến cả sản phẩm lẫn trải nghiệm của khách hàng. Doanh nghiệp làm sao giữ vững được người tiêu dùng trung thành với thương hiệu, đồng thời kết nối với thế hệ người tiêu dùng mới đó là điều chúng tôi rất trăn trở", ông Trí nói.