Đây từng được coi là “bảo tàng sống”, là không gian tái hiện ký ức của Quảng Bình những năm 60, tới đầu những năm 70 thế kỷ 20, trong cuộc chiến tranh chống không lực Hoa Kỳ đánh phá miền Bắc.
Người đưa ra ý tưởng và triển khai thực hiện một công trình - dự án rất có ý nghĩa này là ông Nguyễn Xuân Liên, người Hà Nội, cựu binh ở Quảng Bình, Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh.
“Bảo tàng chiến tranh Vực Quành” được khởi dựng từ năm 2004, có diện tích hơn 10 ha; tái hiện một cách chân thực và sinh động không gian thời chiến, với những ngôi nhà ở, trạm xá, trường học, nhà trẻ dã chiến..., những hầm chữ A, hào giao thông, kho bãi... Nơi đây cũng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật lịch sử - chiến tranh có giá trị.
Vực Quành từng là điểm du lịch nổi tiếng của Đồng Hới nói riêng và tỉnh Quảng Bình, là phim trường của những đoàn làm phim, là nơi tham quan giáo dục cho học sinh – sinh viên về lịch sử những năm tháng chiến tranh khốc liệt...
Vực Quành hoạt động phi lợi nhuận, không có nguồn thu để tái đầu tư để duy trì và phát triển và có quá nhiều những trở ngại, rào cản từ phía chính quyền địa phương. Và do đó, thay vì được đầu tư để nâng tầm giá trị, phát huy vai trò của một điểm đến nhiều ý nghĩa, thì Vực Quành đã và đang lụi tàn, hoang phế, trong sự tiếc nuối của nhiều người.
Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông chủ Nguyễn Xuân Liên ngậm ngùi: “Vực Quành bây giờ là phế tích rồi”. Vực Quành là nơi tái hiện ký ức chiến tranh; và bây giờ, chính Vực Quành cũng đang dần trở thành ký ức.../.
|
Cổng và lối vào chính của Vực Quành hoang phế, những cánh cổng gỗ đã mục nát
|
|
Một ngôi nhà bên lối vào, điêu tàn, không còn tường vách, và không thể nhận biết kiến trúc này có chức năng gì
|
|
Những tấm bia ghi khắc quyết tâm đánh giặc đã mờ chữ
|
|
Một quả bom cùng hố bom tái tạo, cây cỏ dại mọc um tùm
|
|
Khu vực trưng bày chính của “Bảo tàng Vực Quành” bị ngăn cách khu vực cổng bởi một con lạch. Nơi đây trước kia từng có một cây cầu???
|
|
Ở một lối vào khác cách cổng chính khoảng 50m, đi sâu vào trong, cũng phải qua con lạch này, bằng một cầu phao cũ nát....
|
|
Người muốn sang bờ bên kia phải tự kéo
|
|
Đây là khu vực chính, tái hiện không gian thời chiến, với những công trình dã chiến, những hầm hào... Hào giao thông cây đang phủ lấp...
|
|
Ngôi nhà này tái hiện một lớp học thời chiến...
|
|
Lớp học là một ngôi nhà khung gỗ, được đặt nửa chìm trong lòng đất, để kết nối với hầm chữ A và hệ thống giao thông hào
|
|
Còn đây là một nhà trẻ dã chiến
|
|
Nơi đâu cũng liền kề với hệ thống hầm hào trú ẩn để tránh bom
|
|
Những hiện vật thời chiến: Vũ khí, bom mìn, mũ rơm... trước kia được trưng bày trực quan và sinh động; sau những hư hao mất mát, nay được dồn lại để trong ngôi nhà ở chính để dễ trông coi
|
|
Một ngôi nhà khác điêu tàn và có nguy cơ sắp đổ sập
|
|
Mảnh xác máy bay Mỹ
|
|
Những quả bom này, trước kia được “đứng xếp hàng”, trên đó viết khẩu hiệu thể hiện lòng quyết chiến một thời “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; nay đã thành một đống ngổn ngang, như một nỗi buồn.
|