Đại học Ural – địa chỉ mới cho sinh viên Việt Nam tại Nga
VOV.VN - Hiện mới chỉ có 22 sinh viên Việt Nam trong tổng số 50.000 sinh viên theo học tại trường Đại học Ural tại thành phố Ekaterinburg.
Ngôi trường nhiều "tham vọng"
Đại học Tổng hợp Liên bang Ural (UrFU) được sáp nhập trên cơ sở hai trường đại học hàng đầu của vùng Ural gồm Đại học Tổng hợp kỹ thuật quốc gia Ural mang tên tổng thống Nga đầu tiên Boris Yeltsin và Đại học Tổng hợp quốc gia Ural mang tên Gorki vào năm 2011.
Việc sáp nhập này nhằm tập trung, thống nhất nguồn lực giáo dục, khoa học và sáng tạo, phát triển Ural thành một trong những trung tâm kinh tế lớn của nước Nga.
Mặt tiền trường Đại học Ural |
Với chiến lược đổi mới toàn diện môi trường giáo dục, nghiên cứu khoa học, UrFU đã đề ra 5 hướng ưu tiên phát triển chiến lược, bao gồm: đào tạo con người hiện đại có khả năng phát triển toàn diện, xây dựng nhà trường thành hạt nhân khoa học sáng tạo của vùng Ural, hợp tác chiến lược với người sử dụng lao động và doanh nghiệp để phát triển kinh tế khu vực, liên kết với không gian giáo dục - khoa học quốc tế, xây dựng nhà trường là môi trường thuận lợi, an toàn, sáng tạo cho giáo viên và sinh viên.
Năm 2012, UrFU nằm trong TOP 15 trường đại học uy tín nhất của Nga và đang không ngừng đổi mới để nâng cao uy tín, khả năng cạnh tranh không chỉ ở Nga, mà mục tiêu là lọt vào TOP 100 trường đại học danh tiếng trên thế giới đến năm 2020.
Bên cạnh không khí học tập, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế... đang diễn ra rất năng động nhà trường đã và đang triển khai nhiều dự án xây dựng hạ tầng như bể bơi lọc tuần hoàn thông minh, xây dựng khu KTX mới, xây dựng trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nano và vật liệu mới.
Khởi đầu mới trong hợp tác giáo dục với Việt Nam
Trong thời kỳ Liên bang Xô viết đã từng có nhiều sinh viên Việt Nam học tập tại thành phố Ekaterinburg. Mặc dù vậy, cái tên Đại học Tổng hợp kỹ thuật quốc gia mang tên Yeltsin, hay Đại học Tổng hợp Liên bang Ural hầu như còn rất xa lạ trong đối với các sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nga.
Tuy nhiên, từ năm 2012 trở lại đây chương trình hợp tác giáo dục giữa nhà nước với phía Việt Nam đã được thiết lập, những du học sinh Việt Nam đầu tiên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử sang học tại UrFU và năm nay vừa có thêm 8 sinh viên mới được cử sang học chuyên ngành điện hạt nhân để chuẩn bị nguồn nhân lực cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I đang được triển khai xây dựng ở Việt Nam.
Sinh viên Việt Nam theo học tại trường |
Ông Maksim Borisovich Khomyakov - Phó Hiệu trưởng phụ trách đối ngoại cho biết, hiện nay trường UrFU đang tích cực triển khai các chương trình hợp tác đào tạo với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
UrFU đang hợp tác rất chặt chẽ với Cơ quan năng lượng nguyên tử Nga (Rosatom) trong đào tạo nhân lực điện hạt nhân cho Việt Nam và hy vọng trong các năm tới sẽ đào tạo cho Việt Nam ngày càng nhiều chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này, bởi nhu cầu nhân lực điện hạt nhân của Việt Nam giai đoạn sau năm 2020 là rất lớn.
Ngoài ra, ban lãnh đạo nhà trường cho rằng với lợi thế cạnh tranh về chất lượng đào tạo, ngành học đa dạng, môi trường học tập thuận lợi và chi phí rẻ hơn nhiều so với các nước châu Âu cũng như các trường khác của Nga, UrFU hoàn toàn có thể trở thành nơi thu hút sinh viên Việt Nam sang du học.
Hiện nay, số sinh viên Việt Nam đang học tại UrFU còn rất khiêm tốn, năm 2012 là 22 em và năm nay mới có thêm 8 sinh viên mới được nhà nước cử sang. Mặc dù ít, song các em đã tích cực tham gia các hoạt động chung của nhà trường, của khoa và các hoạt động của cộng đồng.
Em Nguyễn Thị Phương Thùy, một trong 8 sinh viên đầu tiên mới đến Đại học Tổng hợp Liên bang Ural cho biết rất vui được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử sang Nga học ngành năng lượng hạt nhân và ấn tượng ban đầu về ngôi trường mới là mọi người rất thân thiện.
Là người Ninh Thuận, Phương Thùy chia sẻ em lựa chọn ngành năng lượng hạt nhân để sau này về làm việc trên chính quê hương và sẽ cố gắng học thật tốt tại trường UrFU để trở thành chuyên gia giỏi, làm chủ công nghệ của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Còn Phạm Văn Thường, đang học chương trình Thạc sỹ tiếng Nga tại UrFU cho biết, các sinh viên Việt Nam thích nghi rất nhanh với môi trường sống, học tập tại Ekaterinburg. Mặc dù mới học được 1 năm tại UrFU, song các sinh viên Việt Nam rất tự hào về truyền thống cũng như những đổi mới tại ngôi trường mình đang theo học.
Ngoài ra, các sinh viên Việt Nam tại đây cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ phía Tổng Lãnh sự quán Việt Nam, cộng đồng người Việt tại Ekaterinburg, các phong trào thanh niên cũng đang được tổ chức dần đi vào nề nếp, giúp sinh viên có môi trường sống, học tập, rèn luyện tốt trong thời gian du học tại đây./.