Diễn đàn kết nối, thúc đấy hợp tác du lịch Việt Nam – Séc
VOV.VN - Theo các nhà tổ chức cũng như các doanh nghiệp du lịch, Việt Nam và Séc có tiềm năng lớn để phát triển hợp tác trong lĩnh vực du lịch.
Ngày 14/3, hàng chục doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và Cộng hòa Séc tham gia diễn đàn tại thủ đô Praha, thảo luận về biện pháp tháo gỡ những vướng mắc cản trở hợp tác du lịch giữa hai nước; đồng thời bàn khả năng thiết lập các đối tác hợp tác làm ăn lâu dài. Hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng Hòa Séc, phối hợp với Tổng Cục Du lịch Việt Nam và Cục du lịch Séc tổ chức.
Đại sứ Trương Mạnh Sơn kỳ vọng có sự bứt phá hợp tác du lịch sau Hội thảo. |
Theo các nhà tổ chức cũng như các doanh nghiệp du lịch, Việt Nam và Cộng hòa Séc đều có tiềm năng lớn để phát triển hợp tác trong lĩnh vực du lịch. Nằm ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có bờ biển dài, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, trong đó có 8 di sản vật thể và 12 di sản phi vật thể thế giới được UNESCO công nhận.
Bên cạnh đó nhu cầu đi lại giữa hai nước của người Việt Nam rất lớn bởi hiện có hơn 65.000 người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Cộng hòa Séc. Đó là chưa kể tới nhu cầu muốn quay trở lại thăm Cộng hòa Séc của khoảng 200.000 người Việt Nam đã từng học tập lao động tại Séc - Slovakia trước đây.
Trong khi đó, với vị trí nằm ở khu vực Trung Âu, Cộng hòa Séc có nền văn hóa lâu đời với kiến trúc cổ baroque của thế kỷ 16-17 vẫn còn nguyên vẹn, và hàng loạt các địa danh được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Tuy nhiên các nhà tổ chức và doanh nghiệp lữ hành cho rằng những lợi thế này chưa được hai nước khai thác có hiệu quả trong thời gian qua bởi nhiều lý do khác nhau ở cấp độ cơ quan quản lý nhà nước và bản thân các doanh nghiệp hai nước.
Doanh nghiệp hai nước tìm hiểu đối tác thiết lập quan hệ. |
Chính vì vậy Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Trương Mạnh Sơn cho rằng diễn đàn du lịch lần này là dịp để hai bên tìm hướng khai thông rào cản, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.
Đại sứ Việt Nam tại Séc Trương Mạnh Sơn cho rằng: “Đây là cơ hội cho các nhà quản lý du lịch cũng như doanh nghiệp du lịch Việt Nam và Séc bàn thảo tháo gỡ những bất cập trong trao đổi du lịch giữa hai nước như vấn đề quảng bá hơn nữa về đất nước, con người của hai bên, việc mở đường bay thẳng giữa Praha và Việt Nam, đồng thời kiến nghị nhà nước Việt Nam và Séc tạo điều kiện cấp visa cho công dân hai nước thăm quan du lịch lẫn nhau”.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp của Séc đều đánh giá cao lợi thế phát triển du lịch của Việt Nam và mong muốn hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp không khói này. Nhưng họ đều cho rằng, khoảng cách địa lý và đặc biệt là sự bất tiện trong di chuyển giữa hai địa điểm đang là những rào cản lớn đối với họ.
Đông đảo doanh nghiệp du lịch 2 nước tham dự hội thảo. |
Ông Tomas Cikan, Giám đốc một công ty du lịch lớn nhất Cộng hòa Séc chuyên cung cấp các sản phẩm du lịch độc lạ bên ngoài châu Âu, từng khai thác thị trường du lịch Việt Nam, chia sẻ: “Chúng tôi coi Mỹ, Trung Quốc và Thái Lan là ba thị trường tiềm năng lớn nhất, và rất muốn Việt Nam đứng trong hàng ngũ những nước này bởi triển vọng phát triển của thị trường các bạn. Tuy nhiên vấn đề bây giờ là các bạn ở xa và chưa có đường bay thẳng, khiến người du lịch phân vân khi lựa chọn điểm đến. Nếu các bạn giải quyết được trở ngại này thì rất có thể Việt Nam sẽ nằm trong danh sách các thị trường hàng đầu của chúng tôi”.
Ông Nguyễn Quốc Phương nói: “Tôi đánh giá thị trường Séc là thị trường khá tiềm năng. Ngoài phục vụ bà con sinh sống và làm việc tại Cộng hòa Séc thì nhu cầu du lịch đi lại hai nước đang trên đà phát triển trong những năm gần đây. Theo thống kê, tăng trưởng hàng năm trên hai con số khoảng 16%. Chúng tôi đang nghiên cứu mở những chuyến bay thẳng từ Séc về Việt Nam trong thời gian tới khi đội ngũ tàu bay mới Boeing 787 và Airbus 350 được giao vào năm 2017”.
Quang cảnh Hội nghị. |
Trong khi đó các doanh nghiệp du lịch Việt Nam lại mong muốn hai bên thúc đẩy các chiến dịch quảng bá và có sự cởi mở hơn về thủ tục cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch từ Việt Nam sang Séc và ngược lại. Năm 2015 Việt Nam thực hiện miễn visa cho khách du lịch từ một số nước châu Âu, nhưng không có thị trường Séc.
Bà Trần Thị Nga, giám đốc Công ty du lich TourViet, một trong những nhà cung cấp dịch vụ lữ hành hàng đầu của Việt Nam tại Cộng hòa Séc, khẳng định rằng nếu khách du lịch Séc cũng được hưởng chính sách trên, số lượng khách du lịch Séc vào Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể. Mặc dù vậy trong khi chờ các nhà quản lý du lịch đề đạt nguyện vọng tháo gỡ khó khăn lên cấp trên, các doanh nghiệp lữ hành cũng tìm cách khai thác lợi thế hiện có của thị trường du lịch hai nước.
Bà Nga cho biết: “Trước mắt khi chưa có đường bay thẳng, chưa miễn visa cho người Séc thì chúng tôi phải sử dụng lợi thế cạnh tranh khác của Việt Nam để tạo ra sản phẩm hấp dẫn khách du lịch người Séc, ví dụ: điều quan tâm của khách bây giờ là an ninh an toàn khi đến một địa điểm du lịch, và Việt Nam chúng ta hoàn toàn có lợi thế như vậy. Tôi nghĩ đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn của Việt Nam đối với các nước láng giềng và các nước khác”.
Trao đổi khả năng hợp tác trong giờ giải lao. |
Trao đổi với Phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Praha, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng, Tổng cục du lịch Việt Nam, đồng ý với quan điểm sự thiếu bài bản trong các chiến dịch quảng bá, khó khăn trong vấn đề đi lại và cấp thị thực đang là rào cản lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp tới việc triển khai các hoạt động dịch vụ du lịch của hai bên. Ông tin rằng chỉ khi nào các rào cản này được dỡ bỏ, lúc đó mới có đột phá trong phát triển hợp tác du lịch giữa hai nước.
Ông Nguyễn Văn Tuấn nói: “Chúng ta có những điểm đến, sản phẩm độc đáo rất khác biệt so với sản phẩm của Séc nói riêng và châu Âu nói chung. Tuy nhiên thời gian vừa qua, số lượng khách Séc tới Việt Nam hay ngược lại chưa nhiều. Chúng tôi sẽ có chương trình làm việc chính thức với Bộ phát triển vùng của Cộng hòa Séc. Chúng tôi sẽ có đề xuất hai bên sẽ tăng cường hợp tác thúc đẩy du lịch. Chúng ta có tiềm năng, có nguồn lực và nếu chúng ta có quyết tâm làm và có giải pháp đúng mức, cần thiết thì chúng ta sẽ đạt được kết quả tích cực trong thời gian tới”.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp hai nước đã trực tiếp gặp gỡ tìm hiểu đối tác, sản phẩm du lịch của nhau và lên kế hoạch hợp tác trong thời gian tới./.