Hội đoàn người Việt tại Hy Lạp - kết nối người Việt
Uyển chuyển trong thu hút người Việt vào các hoạt động, minh bạch trong tài chính và tổ chức chặt chẽ… là những kinh nghiệm của Hội đoàn.
Ông Vũ Nguyên Thể (quê gốc Hải Dương), từng là bác sĩ công tác tại Bộ Công nghiệp nhẹ. Sau khi về hưu, ông ra nước ngoài sinh sống và đến năm 2001 thì tới định cư tại Hy Lạp. Tại đây, với tâm huyết lớn dành cho cộng đồng người Việt ở nước sở tại, Vũ Nguyên Thể đã chủ động tìm cách kết nối những người Việt tại đây.
Cuộc gặp gỡ của hai ý tưởng
Thời điểm đó, ở Hy Lạp có khoảng 300-400 người Việt Nam sinh sống, tập trung chủ yếu ở Thủ đô Athens và đảo Rodos. Năm 2005, nhận thấy sự kết nối giữa những người Việt Nam tại đây khá rời rạc vì nhiều lí do, Vũ Nguyên Thể nảy ra ý tưởng thành lập một tổ chức người Việt để thuận tiện hơn trong việc giúp đỡ, bảo vệ và kết nối cộng đồng người Việt Nam tại đây. Nhưng công việc không đơn giản như ông nghĩ.
Ông Thể cho biết: "Cộng đồng người Việt tại đây tuy ít nhưng lại rất khó tập hợp vì họ ra đi với nhiều lí do khác nhau, có quan điểm, lập trường chính trị khác nhau nên việc vận động họ cùng tham gia trong một tổ chức là rất khó. Nhiều người Việt đã từng có ý tưởng giống như tôi nhưng không thể thành lập được Hội vì không thuyết phục được bà con".
Kinh nghiệm thành công của hội đoàn người Việt tại Hy Lạp |
Trong khi đi vận động, ông Thể đã gặp ông Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập - một người Hy Lạp nhưng lại "Việt Nam hơn cả người Việt Nam" (người vừa được Nhà nước ta trao tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT Việt Nam). Kể từ khi trở về Hy Lạp vào năm 1965, ông Kostas đã tích cực giúp đỡ, tạo điều kiện ổn định cuộc sống cho người Việt tại đây.
Kostas Nguyễn Văn Lập cũng có ý tưởng thành lập một tổ chức dành cho người Việt tại Hy Lạp, nhưng những nỗ lực đơn độc của ông chưa đủ để biến ý tưởng thành hiện thực.
Sau khi gặp gỡ và trao đổi với nhau nhiều lần, hai ông Lập và Thể cùng nhau đi khắp Hy Lạp để thuyết phục, vận động bà con tham gia các hoạt động từ thiện hướng về Việt Nam. Hai người chủ động duy trì những hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ người Việt khi đau ốm, qua đời hay gặp khó khăn liên quan đến giấy tờ, pháp luật tại Hy Lạp… để dần tạo mối thiện cảm trong cộng đồng.
Những nỗ lực đầy nhiệt huyết ấy đã đem lại kết quả tốt đẹp: Tháng 6/2009, Hội Hữu nghị Việt Nam - Hy Lạp được thành lập tại Anthens với con số thành viên đủ để Tòa án tối cao Hy Lạp công nhận đây là một tổ chức có tư cách pháp nhân, được cấp con dấu hoạt động và có quyền đưa quan điểm của mình tới các cấp chính quyền Hy Lạp. Hồi đó, ông Kostas Nguyễn Văn Lập là Chủ tịch Hội và ông Vũ Nguyên Thể làm Tổng Thư ký Hội.
Nỗ lực kết nối
Cùng với sự gia tăng của số người Việt tới định cư, cũng như thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ra đời, con số thành viên của Hội cũng tăng lên nhanh chóng. Đến nay, Hội đã có khoảng 130 Hội viên chính thức trên tổng số khoảng 500 người Việt đang sinh sống và học tập tại đây.
Ngay sau khi thành lập, Hội đã nhanh chóng triển khai các hoạt động Hội đoàn chính thức, trên cơ sở những hoạt động trước đó. Đặc biệt là đầu năm 2010, nhân dịp Tết Nguyên đán của người Việt Nam, Hội đã đứng ra tổ chức ngày sum họp đặc biệt cho bà con. Ông Thể nhớ lại: "Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm xa cách, những người Việt ở Hy Lạp mới được đón cái Tết thực sự đầm ấm, vui tươi và đầy tinh thần đoàn kết nơi đất khách quê người. Có những người đã bật khóc vì xúc động bởi họ đã không được đón Tết để từ khi ra đi".
Những hoạt động tích cực của Hội đã làm thay đổi những quan điểm trái chiều về vai trò của Hội. Có những người Việt còn mang nặng định kiến với quê hương nên ban đầu từ chối không tham gia hoạt động Hội nhưng sau đó lại chủ động gửi hoa đến chúc mừng Hội mỗi khi có sự kiện lớn và cuối cùng thì xin gia nhập Hội.
Trước khi Đại sứ quán Việt Nam được thành lập tại Hy Lạp (tháng 12/2010) thì Hội hữu nghị Việt Nam - Hy Lạp đã hỗ trợ đắc lực cho Đại sứ quán Việt Nam tại Italy (kiêm nhiệm Hy Lạp), trong việc tổ chức các hoạt động đối ngoại. Sau chuyến thăm Hy Lạp của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp được thành lập. Đại sứ Vũ Bình đã cùng với Hội phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa cho cộng đồng, cũng như hỗ trợ bà con tốt hơn trong các vấn đề làm ăn, phiên dịch hay các thủ tục pháp lý…
Ông Thể chia sẻ: "Cộng đồng người Việt tại đây được chính quyền và nhân dân sở tại đánh giá rất cao bởi bản chất chịu thương, chịu khó, chăm chỉ làm ăn chân chính và đặc biệt không vi phạm pháp luật nước sở tại. Tuy nhiên, có một vấn đề mà Hội vô cùng băn khoăn hiện nay là làm sao dạy tiếng Việt cho thế hệ người Việt thứ 2, thứ 3 tại đây, hầu như các cháu không nói được tiếng Việt. Bà con rất mong Bộ Giáo dục Việt Nam tạo điều kiện cử giáo viên dạy tiếng Việt sang Hy Lạp trong ít nhất 3 tháng Hè mỗi năm để giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ trong cộng đồng"./.