Vào trung tuần tháng 4/2013, tại Hà Nội đã diễn ra buổi giới thiệu 2 quyển sách "Một mình trên đường” và "Ngã ba đường” của nữ nhà văn Việt kiều Lệ Tân Sitek. Đây là hai tập của một bộ tiểu thuyết - tự truyện do NXB Trẻ ấn hành, kể về cuộc đời của tác giả - một cuộc đời gắn chặt với lịch sử Việt Nam. Được biết, nữ nhà văn Lệ Tân Stek năm nay đã ở tuổi 74, hầu như cả đời hành nghề kiến trúc. Tuy nhiên khi bước vào tuổi 70, bà bất ngờ rời bỏ công việc chuyên môn để tập trung vào viết sách.
Bà Lệ Tân Sitek có tên đầy đủ Bùi Lý Lệ Tân mang trong người dòng máu Việt Nam nhưng lại sinh ra ở Hồ Nam (Trung Quốc). Bà là con gái đầu lòng của 2 lão thành cách mạng người Việt từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dìu dắt trong những năm đầu của thế kỷ XX. Đó là ông Bùi Hải Thiệu (bí danh Lý Quốc Lương) và bà Hoàng Lệ Minh (bí danh Lý Phương Thuận, Lý Sâm). Sau khi cha mất (năm 1944), Lệ Tân cùng mẹ và hai người em gái tìm về Việt Nam và suốt 10 năm sau đó, bà sống với bà nội và các cô chú tại làng Phổ Đông, huyện Nam Đàn, (tỉnh Nghệ An). Thời gian này do cuộc kháng chiến chống Pháp đang bùng nổ nên chuyến về thăm quê của bà kéo dài đúng bằng chiều dài 9 năm của cuộc kháng chiến (từ năm 1945 đến năm 1954). Sang năm 1955, bà Lệ Tân được cử đi du học tại Ba Lan. Năm 1962, bà xây dựng gia đình với ông Ryszard Sitek, từ đó mang thêm họ Sitek. Năm 1964, bà Lệ Tân Sitek tốt nghiệp ngành kiến trúc tại Politechnika Gdánka (Ba Lan). Từ năm 1967 bà cùng gia đình rời khỏi Ba Lan, sang định cư tại Oslo (Nauy) và hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc.
|
Nữ nhà văn Lệ Tân Sitektrong buổi ra mắt sách tại Hà Nội
|
Trong khi nhiều người gốc Việt về thăm quê hương sau hàng chục năm sống ở nước ngoài thường không nói được tiếng Việt hoặc nói rất khó khăn, thì bà Lệ Tân Sitek lại khác hẳn. Dù chỉ sống khoảng gần 10 năm ở Việt Nam nhưng bà vẫn nói và viết rất rành rẽ tiếng Việt. Cũng do cha mẹ đều đi làm cách mạng nên bà Lệ Tân cũng sớm nếm trải những tháng năm cơ cực và sóng gió nhất của đời người. Điều này đã được phản ánh khá đầy đủ, chân thực trong hai cuốn tiểu thuyết "Một mình trên đường” (phát hành năm 2009) và "Ngã ba đường” (vừa xuất bản hồi tháng 8-2012). Cả hai tác phẩm tuy ra đời cách nhau 4 năm nhưng đều cho người đọc cảm nhận đây không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, tự truyện đơn thuần. Nó chứa đựng trong đó là cả một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, được ghi dấu bởi những hy sinh to lớn và bình dị, những nguồn tình cảm chân thành, đáng quý mà con người dành cho nhau suốt những tháng năm đói nghèo và ly biệt. Bà Lệ Tân Sitek cho biết: Quyển "Một mình trên đường” được viết bằng tiếng Việt trước rồi dịch sang tiếng Ba Lan – đất nước mà tôi luôn xem như quê hương thứ hai, còn quyển "Ngã ba đường” thì ngược lại. Tuy vậy đây không hoàn toàn là một hồi ký cũng không phải là một quyển sách lịch sử nhưng mang rất nhiều sự kiện đã xảy ra trong tuổi thơ của tôi”. Đáng chú ý, trong cả hai tập sách, nhân vật chính đều được tác giả đặt tên là An với ý nghĩa chữ "An” trong từ "Nghệ An” cũng chính là quê hương của cha mẹ bà.
Nữ nhà văn Lệ Tân Sitek cho biết thêm: "Cả 2 cuốn sách viết về đất nước Việt Nam xa xôi này rất được độc giả Ba Lan đón nhận. Tôi nghĩ rằng, có một lý do quan trọng bởi Ba Lan là một dân tộc rất yêu đọc sách. Ngoài ra cũng đã có người nói với tôi rằng viết về Việt Nam thì dễ, chỉ cần mua vé bay sang Việt Nam rồi đi dọc từ Bắc tới Nam, nhưng để thực sự hiểu được Việt Nam thì rất khó. Riêng những quyển sách của tôi đã giúp người Ba Lan "nhìn thấy” cuộc sống của người Việt Nam không quá xa lạ”.
Sau buổi ra mắt tại Hà Nội, theo dự kiến, chương trình giới thiệu sách và gặp gỡ tác giả Lệ Tân Sitek sẽ diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh (vào ngày 24-4) và tại Thư viện tỉnh Nghệ An - quê hương của bà. Trước khi xuất bản 2 tiểu thuyết tại Việt Nam, nữ nhà văn Lệ Tân Sitek cũng đã in một tập truyện ký có tên "Sưu và Tầm” tập hợp những gì bà thu thập được về kiến trúc và bài viết về các tác phẩm nghệ thuật. Sách do Nhà xuất bản Mỹ thuật ấn hành năm 2003./.