Về việc truyền dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt tại Nga
Việc dạy học tiếng Việt và văn hóa Việt cần trở thành việc làm chung của toàn cộng đồng, chứ không của riêng ai.
Có thể thấy rằng tiếng Việt ngày nay là kết quả của tất cả những cuộc tiếp xúc ngôn ngữ đã diễn ra trong suốt chiều dài của lịch sử nước ta. Ðể có được một ngôn ngữ như tiếng Việt ngày nay, ông cha chúng ta từ thế hệ này sang thế hệ khác một mặt là chủ động tiếp thu những gì cần thiết và mặt khác là từ chối tất cả những gì gây rối ren cho tiếng mẹ đẻ của mình. Cho nên, giữ gìn và phát triển tiếng nói và chữ viết của dân tộc được đặt ra một cách thường trực, thể hiện tinh thần và lòng yêu nước, như cách nói của học giả Phạm Quỳnh – người tiên phong trong việc quảng bá, bảo vệ chữ Quốc ngữ, dùng tiếng Việt thay cho chữ Nho hay tiếng Pháp: "Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn, nước Nam còn”.
Trao phần thưởng cho các học sinh giỏi tại LB Nga. Ảnh: BaoNga.com |
Tiếng Việt đang dần mất vai trò trong đời sống của trẻ em Việt tại Nga
Hiện nay tiếng Việt đang dần bị lai căng ngay trên quê hương mình bởi tiếng nước ngoài (phổ biến là tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn) xâm lấn… có nguy cơ đe dọa tới việc gìn giữ nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, ở trong nước càng gìn giữ, đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt bao nhiêu, thì người Việt ở nước Nga nói riêng, thế giới nói chung phải chung tay góp sức, gìn giữ nó bấy nhiêu.
Muốn gìn giữ, trân trọng và phát huy một di sản, một giá trị nào đó phải xuất phát từ trách nhiệm, cũng như tình yêu thực sự. Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh người thanh niên chơi đàn bầu trong buổi mừng Tết Nguyên Đán tại Moskva mùa Xuân trước. Tiếng đàn bầu da diết của anh không chỉ tấu lên những cảm xúc của mình, mà như lời anh nói, còn để thế hệ sau này biết được thêm nhiều bài hát hay, ngôn ngữ trong sáng, để họ biết yêu quê hương, yêu lời ca, tiếng hát bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Những làn điệu dân ca, bến nước, sân đình, con đò và những nhịp cầu tre nơi miền Tây sông nước… tất cả đều được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ đa màu sắc của tiếng Việt, khơi gợi trong trái tim chúng ta về một tình yêu quê hương da diết, mãnh liệt. Nhưng một thực tế đáng buồn là thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở Nga đang ngày càng xa dần với tiếng dân tộc của mình, khiến tiếng Việt bị mai một, nhạt nhòa dần. Thật buồn khi chúng ta phải chứng kiến chính những đứa con, đứa cháu của mình phát âm sượng sạo, ấp úng, lắp bắp khi dạ, thưa bằng tiếng Việt trong khi lại nói rất trôi chảy bằng tiếng bản địa.
Người Việt ở Nga hiện nay chủ yếu là những tiểu thương, mưu sinh bằng công việc buôn bán, không có nhiều thời gian gần gũi để chăm sóc, chỉ bảo thường xuyên cho con cái mình. Đa phần trẻ Việt được gửi cho các bảo mẫu người Nga nuôi từ khi bắt đầu chập chững biết đi. Khi đến tuổi đi học, trẻ Việt cả ngày ở trường, học ăn, học uống, học chơi, học văn hóa của người Nga. Hơn nữa, phần đông cha mẹ các cháu không đánh giá cao tầm quan trọng của việc giáo dục ngôn ngữ, về nết ăn, nết ở theo phong tục Việt cho con em, thường xuyên phó mặc cho nhà trường, xã hội. Sự nhận thức hời hợt đó đã dẫn đến việc nhiều thanh, thiếu niên Việt ở Nga hiện nay không hiểu về lối sống, văn hóa Việt Nam. Đơn giản nhất là mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái, ông bà - cháu chắt trong gia đình ngày càng trở nên xa lạ. Chúng cũng lạ lẫm trong ẩm thực, những món ăn dân dã của người Việt hoặc những giai điệu mang âm hưởng dân gian xưa như tuồng, chèo, cải lương… Những điều nhỏ bé ấy vô tình lấy đi của chúng chỗ dựa tinh thần vững chắc, chúng cũng không có cảm giác thân thương, gắn bó với chính quê hương mình, để một ngày nào đó, khi đã trưởng thành, chúng sẽ thấy cô đơn, trống rỗng và chênh vênh giữa nơi đất khách quê người.
Tham gia những hoạt động cộng đồng sẽ giúp các em hiểu hơn về văn hóa dân tộc |
Gia đình - nhân tố quyết định trong việc giữ gìn tiếng Việt cho trẻ em
Một điều dễ nhận thấy là không riêng gì trẻ em, mà ngay chính các bậc phụ huynh cũng không hiểu hết tầm quan trọng của việc học tiếng Việt. Họ nghĩ rằng con cái họ học tập ở Nga chỉ cần tiếng Nga giỏi là được, học đọc, viết tiếng Việt không có mục đích rõ ràng. Do đó, hướng trẻ em Việt gần gũi với văn hóa Việt là điều cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Gây dựng một thế hệ trẻ yêu quê hương, biết ngôn ngữ, hiểu văn hóa dân tộc không hề dễ dàng, nhưng cũng không quá khó... Vấn đề cần đặt ra với những người có trách nhiệm là phải bắt đầu từ đâu?
Việc dạy học diễn ra riêng lẻ tại một số nơi, một số cộng đồng không thể giải quyết được vấn đề. Chúng ta có thể tổ chức đón giáo viên từ Việt Nam sang dạy tiếng Việt, nhưng thực sự rất khó khăn, khi nước Nga thì rộng lớn mênh mông, trẻ Việt lại không được sống tập trung thành một cụm dân cư hoặc không có các “Làng Việt Nam” như ở một số nước. Hơn nữa, các em có độ tuổi chênh lệch nhau, rồi trình độ, nhận thức cũng khác nhau. Điều quan trọng hơn cả, để đón được một giáo viên sang cần phải chi phí quá lớn trong việc đi lại, trả lương, nơi ăn, chốn ở, thuê trường lớp và việc hợp pháp hóa thủ tục cho giáo viên được ở lại trên nước Nga là điều rất khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Rồi quá trình tuyển chọn giáo viên cũng nhiều rào cản, khi không phải giáo viên tiểu học nào cũng sẵn sang rời xa quê hương, sang Nga làm việc.
Để trẻ em học được tiếng Việt thì điều quan trọng nhất phụ thuộc hoàn toàn vào các bậc phụ huynh. Cha mẹ cần phải kiên trì và dành nhiều tâm huyết. Để các cháu có thể hiểu và cảm nhận rõ nét hơn về văn hóa Việt, thì ngay từ lúc lọt lòng, những câu ca dao, tục ngữ cần được “gieo mầm” trong tâm hồn trẻ qua những lời hát ru mượt mà, đầm ấm.
Để giúp thệ hệ trẻ có thể hiểu và cảm nhận được bản sắc văn hóa dân tộc thì hãy tạo môi trường sinh hoạt, không gian văn hóa Việt nhiều hơn. Hãy sắp xếp thời gian để mỗi ngày những đứa trẻ có thể được ăn một bữa cơm cùng gia đình với những món ăn thuần Việt, tạo thói quen của trẻ với ẩm thực Việt Nam. Việc dạy tiếng Việt cho trẻ trong bữa ăn, trong sinh hoạt là điều dễ dàng nhất, mỗi món ăn, mỗi thứ gia vị, mỗi dụng cụ sinh hoạt và mỗi câu chuyện thân mật của gia đình đều dễ dàng thẩm thấu vào tâm hồn trẻ hơn với việc dạy tiếng Việt theo những giáo trình khô khan. Đưa trẻ đi cùng trong những dịp đến chơi nhà bạn bè, thăm hỏi người ốm đau, bệnh tật, tiệc cưới, tiệc hỏi để trẻ cảm nhận được nét đẹp trong văn hóa thăm hỏi của người Việt Nam. Tạo điều kiện cho trẻ mua sắm hoa quả, dọn dẹp, trang trí ban thờ tổ tiên trong những dịp lễ tết sẽ giúp trẻ hiểu thêm về văn hóa tín ngưỡng, nghi lễ thờ cúng của người Việt. Điều trở ngại lớn nhất ở đây là hầu hết các phụ huynh học sinh phần vì quá bận bịu với công việc buôn bán, phần vì chưa có phương pháp nuôi dạy trẻ đúng cách nên dẫn tới việc trẻ Việt ở Nga đang “mất gốc” tới mức báo động.
Những làn điệu dân ca, bến nước, sân đình, con đò và những nhịp cầu tre nơi miền Tây sông nước… tất cả đều được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ đa màu sắc của tiếng Việt, khơi gợi trong trái tim chúng ta về một tình yêu quê hương da diết, mãnh liệt |
Vai trò của báo chí trong việc dạy và học tiếng Việt ở Nga
Báo chí truyền thông có vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền làm cho người Việt ở Nga hiểu được tầm quan trọng của việc học tiếng Việt. Tuy nhiên, ở Nga hiện nay lượng phóng viên có tâm huyết với đề tài này thật hiếm hoi. Các cơ quan truyền thông của nhà nước như TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN đều có cơ quan thường trú ở Nga nhưng do bận quá nhiều công việc, hơn nữa lượng phóng viên ít nên không thể đi sâu, đi sát tới đời sống cộng đồng được, nhất là đề tài “dạy và học tiếng Việt”. Một số trang web, tờ báo của người Việt ở Nga thì không có phóng viên chuyên nghiệp, không được đào tạo cơ bản, không có thẻ báo chí, không được giao phó trách nhiệm, chủ yếu viết theo cảm hứng cho nên hiệu quả công việc chưa cao. Các tờ báo ở Việt Nam, kể cả các báo lớn đều không có phóng viên thường trú ở Nga và thậm chí có rất ít cộng tác viên.
Cộng đồng hiện nay rất cần những bài báo phê phán, những lời khuyên hữu ích tới các bậc phụ huynh đang sao nhãng trong việc chăm sóc trẻ. Cần những bài phân tích, chỉ ra những hậu quả, hệ lụy từ những việc làm ấy. Và càng cần hơn những bài viết, những phóng sự truyền hình hay về những tấm gương, những kinh nghiệm nuôi dạy trẻ thành công, những gia đình luôn giữ gìn được nền nếp Việt và các cháu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc trong trường phổ thông Nga, nhưng lại đọc, viết và có vốn tiếng Việt phong phú.
Có thể thấy rằng, việc dạy học tiếng Việt ở Nga hiện nay đang diễn ra tự phát, riêng lẻ mà chưa đưa vào trong một lộ trình cụ thể. Đối tượng học sinh cũng không toàn diện. Cho nên, việc dạy học chỉ mang tính chất tạm thời. Muốn xây dựng và phát triển lâu dài tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài cũng như phát triển ngôn ngữ Việt Nam trên đất Nga thì cần phải có kế hoạch, chiến lược cụ thể, khoa học và sát thực.
Những năm gần đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga thường xuyên tổ chức trao phần thưởng cho các học sinh Việt Nam đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh xuất sắc trong các trường phổ thông Nga. Thiết nghĩ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga nên phát động phong trào học tiếng Việt cho trẻ em Việt. Thông qua Hội người Việt, Hội doanh nghiệp, Hội phụ nữ, các hội đồng hương và các chi hội người Việt để lập danh sách trẻ em Việt trên toàn nước Nga, ghi rõ điều kiện, hoàn cảnh, độ tuổi, lớp học của từng cháu; tổ chức phân phát sách dạy tiếng Việt đến tay từng gia đình có trẻ đang đi học; động viên các gia đình quan tâm đến việc học tập của trẻ hơn nữa, tiến tới đạt được mục đích “Mỗi phụ huynh học sinh là một giáo viên tiếng Việt tại gia”; lập ra các thư viện sách tiếng Việt ở các Kí túc xá có người Việt sinh sống, ở các thành phố có đông người Việt trên toàn Liên bang, sưu tầm các bài hát tiếng Việt hay, các phần mềm dạy tiếng Việt, các đĩa video về quê hương đất nước; thường xuyên động viên các cháu tham gia đọc, viết, tạo thư viện thành sân chơi bổ ích cho các cháu; tổ chức các cuộc thi “Vở sạch, chữ đẹp”, tiến tới tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa, địa lý, danh nhân, quê hương, đất nước….
Để làm tốt những việc trên, rất cần tới sự tuyên truyền của truyền thông, báo chí.
Là người sống ở nước Nga hơn 20 năm nay, hơn nữa lại rất tâm huyết trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếng Việt của cộng đồng người Việt ở Nga, tôi đã từng viết rất nhiều bài báo về đề tài này và đã đăng rộng rãi ở một số trang web của người Việt ở Nga cũng như một số báo trong nước. Qua một thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy có rất nhiều phụ huynh quan tâm và phản hồi một cách tích cực. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, để tuyên truyền sâu, rộng và có sức lan tỏa thì phải cần tới sự đồng lòng của các cơ quan truyền thông báo chí trong nước và của cộng đồng người Việt trên nước Nga.
Để báo chí cộng đồng thực sự gần gũi với đời sống người Việt xa xứ và phát huy tốt vai trò trong việc truyền dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ người Việt ở Nga, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm của Nhà nước tới những người làm báo cộng đồng, tạo điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho những người có tâm huyết. Các tờ báo ở Việt Nam, thậm chí cả VTV4 nên tìm những cộng tác viên tốt, làm hợp đồng ràng buộc trách nhiệm pháp lý trong việc cung cấp thông tin, bài viết. Tạo điều kiện cấp thẻ CTV để họ dễ dàng tác nghiệp hơn.
Vì một thế hệ trẻ Việt ở Nga, tôi tha thiết đề nghị tất cả chúng ta, những người có trách nhiệm cùng vào cuộc để các thế hệ trẻ người Việt ở Nga trở thành những công dân Việt Nam hữu ích, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nơi xứ người và góp phần xây dựng quê hương Việt Nam ngày càng giàu đẹp hơn./.