Lao động Việt vẫn gặp nhiều trở ngại ở Thái Lan
VOV.VN - Một hội thảo mới được tổ chức ở Bangkok nhằm thảo luận các trở ngại mà lao động Việt Nam gặp phải tại thị trường Thái Lan.
Hôm 28/3, tại Bangkok, Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thái Lan tổ chức Hội thảo về hợp tác lao động các quốc gia tiểu vùng ASEAN.
Tham dự hội thảo có các đại diện của các tổ chức quốc tế, Bộ Lao động Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành và gần 200 khách mời.
Đại sứ Nguyễn Tất Thành phát biểu tại hội thảo. |
Tại buổi hội thảo, các học giả, chuyên gia và người quản lý lao động đã đưa ra những ý kiến nhằm tăng cường việc hợp tác về lao động giữa các quốc gia ASEAN, đặc biệt là trong bối cảnh cộng đồng chung ASEAN vừa mới hình thành. Theo các chuyên gia, thị trường lao động Thái Lan rất tiềm năng và nhiều cơ hội. Tuy nhiên, đây vẫn là một thị trường khó tiếp cận một cách hợp pháp đối với lao động Việt Nam. Hội thảo này được coi là tiền đề hữu ích cho Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 24, diễn ra tại Vientiane (Lào) vào tháng 5 cũng như Hội nghị Bộ trưởng về Hợp tác Lao động lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội vào năm tới.
Các diễn giả cho biết, hiện nay có tới 6,8 triệu lao động nhập cư trong khu vực và phần lớn là trình độ trung bình hoặc thấp. Thái Lan là quốc gia có số lượng người nhập cư tới làm việc đông nhất với khoảng 4 triệu lao động, trong đó 81% là lao động từ các quốc gia ASEAN. Đại diện Bộ Lao động Thái Lan cho hay, quốc gia này cần người làm việc tại các ngành nghề như xây dựng, đánh bắt cá, nông nghiệp và phục vụ nhà hàng.
Các diễn giả, nhà quản lý, học giả tham dự hội thảo. |
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hồ Văn Lâm, Chủ tịch hội doanh nhân Thái - Việt toàn Thái Lan, lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan gặp nhiều khó khăn trong khâu thủ tục.
Ông Lâm cho biết, ông rất muốn sử dụng lao động từ Việt Nam vì người Việt Nam vốn khéo tay và cần cù. Ông cũng đã thuê nhiều lao động Việt và đều rất thành công. Tuy nhiên, để hoàn thành mọi thủ tục giấy tờ thì thật sự là một trở ngại lớn.
Ông Hồ Văn Lâm nói: “Người Việt sang lao động làm cần cù, giỏi và làm thật. Việc người Việt sang Thái Lan lao động, nước Thái rất cần nhưng còn phức tạp về vấn đề giấy tờ để làm đúng với pháp luật của nước Thái”.
Hiện tại, trong khu vực tiểu vùng ASEAN, Thái Lan đã có hiệp định chính thức về lao động với các nước như Myanmar, Campuchia và Lào. Tuy nhiên, với Việt Nam, mọi thứ còn rất hạn chế. Thái Lan mới mở cho lao động Việt Nam đăng ký ở hai ngành nghề đó là xây dựng nhưng đó lại là hai ngành không nằm trong thế mạnh của lao động Việt Nam.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Lý, đại diện của Bộ Lao động Việt Nam góp mặt tại hội thảo cho biết thêm: “Thực tế lao động Việt Nam có thế mạnh ở các lĩnh vực khác như trong nhà máy, trong các ngành dịch vụ và thực tế không chỉ ở Thái Lan. Chúng tôi mong rằng trước mắt đề nghị với bạn mở rộng thêm ngành nghề, đàm phán kỹ để soát quy trình thủ tục trong 2 ngành đã được mở. Trong thời gian thí điểm sẽ đánh giá lại để làm cơ sở đề nghị bạn mở rộng thêm ngành nghề khác, phù hợp hơn với lao động Việt Nam”.
Trong vòng 5 năm qua, đã có 3 triệu người vào Thái Lan để làm việc và đa phần đều từ Myanmar. Chưa kể các lao động tới từ quốc gia khác thì con số này thật sự là một thách thức về mặt việc làm và người di cư đối với Thái Lan. Hiện tại, bản thân luật pháp của Thái Lan cũng có những lỗ hổng và khoảng cách nhất định đối với người lao động nước ngoài.
Hồi cuối năm 2015, Bộ Lao động Thái Lan đã cấp phép cho khoảng 1.500 người Việt Nam làm trong các ngành xây dựng, phụ việc nhà hàng và giúp việc gia đình. Tuy nhiên, đây mới là con số rất thấp so với số lượng lao động thực tế ước chừng trên đất Thái nhưng nó thể hiện sự nỗ lực một cách nghiêm túc của 2 quốc gia nhằm tăng cường hợp tác trong lao động.
Nói về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong vấn đề lao động thời gian sắp tới, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành cho biết: “Qua hội thảo này, chúng tôi hy vọng sẽ nâng sự hiểu biết chung về vai trò của lao động di cư. Chúng tôi rất ủng hộ sáng kiến của Thái Lan về hợp tác lao động với các nước Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Chúng ta đã ký được với Thái Lan về thỏa thuận hợp tác lao động vào tháng 7/2015. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy hiểu biết chung về điểm tốt của lao động Việt Nam.”
Đại diện của Bộ Lao động Việt Nam tại hội thảo. |
Đại sứ Nguyễn Tất Thành cho biết thêm: “Các diễn giả phát biểu nhiều về vấn đề mà họ thấy cần có sự hợp tác hơn nữa, sự sửa đổi trong chính sách, sự kết nối giữa các tổ chức quốc tế… Mọi người đều đánh giá cao lao động Việt Nam hiện nay đang có mặt tại Thái Lan.
Tôi tin rằng trong chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Lao động Thái Lan tới Việt Nan, hai nước ký kết được chương trình hành động để thực hiện thỏa thuận lao động giữa hai nước. Thúc đẩy đưa lao động Việt Nam sang làm việc hợp pháp, trước mắt là hai ngành xây dựng và đánh cá. Qua hội thảo này, với sự hiện diện của nhiều đại diện Bộ, ngành của Thái Lan, bạn có thể hiểu được lao động Việt Nam có thể và có thể làm tốt rất là nhiều công việc tại Thái Lan. Điều này có lợi không chỉ cho người lao động Việt Nam mà còn cho chủ lao động và cả nền kinh tế của Thái Lan”./.