Những nhà khoa học miệt mài dốc sức ngăn lũ lớn
(VOV)- Đưa lũ thoát ra biển Tây, sử dụng nước ngọt trong mùa lũ để cải tạo đất phèn chua, các nhà khoa học đã làm nên điều kỳ diệu...
Cho đến hôm nay, ít ai tin rằng, công trình: “Điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên- thoát lũ ra biển Tây” do nhóm tác giả GS.TS Nguyễn Sinh Huy, PGS.TS Hồ Văn Chín, Viện Địa lý và Tài nguyên TP HCM thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cộng sự thực hiện lại phát huy hiệu quả đáng kinh ngạc đến như vậy.
Công trình đã giảm đáng kể mực nước lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giảm thiệt hại cho người dân mỗi khi mùa mưa bão về. Với những thành quả đạt được trong suốt hơn 15 năm qua, công trình vừa chính thức đoạt giải cao nhất trong lĩnh vực Khoa học ứng dụng của cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2012.
PGS.TS Hồ Văn Chín (thứ 2 từ trái sang) trong lễ trao giải Nhất cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2012 |
Chia sẻ với phóng viên VOV về ý tưởng của công trình, PGS.TS Hồ Văn Chín cho biết: Hàng nghìn năm nay, ở ĐBSCL có 2 mùa: Mùa lũ và mùa khô. Trong mùa lũ thì lại có 2 vùng: vùng Đồng Tháp Mười (hay gọi là vùng lũ kín) và vùng biển Tây (vùng lũ mở). Trong những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước, vùng ĐBSCL đã xuất hiện những trận lũ lớn gây thiệt hại đến cơ sở hạ tầng, đời sống sản xuất, canh tác của người dân.
Để hạn chế tác hại mỗi đợt mưa lũ về, năm 1996, nhóm tác giả GS.TS Nguyễn Sinh Huy, PGS.TS Hồ Văn Chín đã đưa ra ý tưởng kiểm soát lũ tràn từ biên giới Campuchia vào đồng ruộng, để làm sao cho mỗi khi có lũ về thì phải chảy ra biển, giảm mực nước lũ ở vùng biển Tây từ khoảng 30-40cm.
Tuy lũ có nhiều mặt hại nhưng mặt lợi của nó là có mật độ nước ngọt tương đối cao. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Sinh Huy, PGS.TS Hồ Văn Chín đã nghiên cứu để mật độ nước ngọt của lũ có thể chảy vào những vùng bị hoang hóa, có độ phèn chua cao mà những năm 1990, vùng Tứ giác Hà Tiên thường trồng bạch đàn, tràm, sắn... Thay vì trồng những cây trên, người dân có thể chuyển sang trồng lúa.
PGS.TS Hồ Văn Chín cho biết: “Để công trình phát huy hiệu quả, nhóm nghiên cứu khoa học đã phải đi khắp các tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL tìm hiểu mực nước lũ tại các con sông, ven biển và tác hại của lũ đối với đời sống, vụ mùa của người dân ra sao.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm việc, nhóm nghiên cứu đã gặp muôn vàn khó khăn vì có địa phương sợ mất nước, tỉnh khác sợ ngập lũ và một số Bộ, ngành chưa thống nhất quan điểm. Vì vậy, để được sự đồng thuận của cơ quan chức năng và các địa phương, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Hồ Văn Chín đã phải đưa ra những lý lẽ, việc làm thuyết phục.
Và điều may mắn là ý tưởng của nhóm nghiên cứu được Giáo sư, Viện sỹ (GS.VS) Nguyễn Văn Hiệu khi đó đang là Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ Quốc gia biết đến. VS. Nguyễn Văn Hiệu đã mời GS Nguyễn Sinh Huy trình bày ý tưởng công trình với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt”.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây đã được đề xuất nhằm mục đích kiểm soát lũ tràn từ biên giới Campuchia vào đồng ruộng vùng Tứ Giác Long Xuyên.
Điều kỳ diệu đến thật bất ngờ
Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng thêm công trình ngăn lũ mới, tháng 4/1997, công trình đầu tiên trong hệ thống là kênh T5 (nay là kênh Võ Văn Kiệt) đã được khởi công và tới 30/8/1997 hoàn thành.
PGS.TS Hồ Văn Chín |
Sau bao vất vả, khó nhọc, cuối cùng nhóm nghiên cứu cũng đã cảm thấy yên tâm hơn khi công trình bắt đầu cho thấy những hiệu quả bước đầu. Lần đầu tiên trong lịch sử khai phá ĐBSCL, dòng nước lũ mang phù sa đã được chuyển tới vùng đất phèn chua Tứ giác Hà Tiên.
Tiếp theo đó, lần lượt các công trình trong hệ thống được khởi công và hoàn thành, đặc biệt là năm 1998, công trình nạo vét cải tạo kênh Vĩnh Tế được thực hiện. Năm 1999, các công trình đầu mối điều khiển lũ dọc theo kênh Vĩnh Tế được xây dựng. Vì thế, những đợt lũ đầu mùa năm 1999 đã được khống chế.
Năm 2000, lũ lụt tại ĐBSCL đặc biệt nghiêm trọng. Ngay từ giữa tháng 7, mực nước tại Tân Châu đã đạt 3,35m. Đỉnh lũ chính vụ rất cao, tại Tân Châu đạt 5,06m chỉ kém trận lũ năm 1961 là 6cm. Nước rút chậm, vào những ngày cuối tháng 10, tại vùng đầu lũ mức nước vẫn còn 4,2-4,3m. Tuy đỉnh lũ năm 2000 thấp hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1961, song về tổng lượng thì các trận lũ năm 2000 đã vượt xa lũ năm 1961 tới 20 tỷ m3.
Trong tình hình mực nước lũ cao như vậy, công trình "Thoát lũ ra biển Tây" đã phát huy hiệu quả. Vào năm 2000, kênh Vĩnh Tế và hệ thống thoát lũ đã vận chuyển được 13 tỷ m3. Nước phù sa sông Hậu chảy sâu vào nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên từ 30 đến 40 km, đã có 8 tỷ m3 được sử dụng để thau chua, rửa phèn so với 2,5 tỷ m3 như trước đây.
PGS.TS Hồ Văn Chín cho biết, công trình đã phát huy hiệu quả bất ngờ đối với việc cải tạo đất. Ngay trong 5 năm đầu tiên, vùng ĐBSCL đã khai hoang được 50.000 ha đất nông nghiệp, tạo nguồn nước ngọt cho 200.000 ha đất tự nhiên, 150.000 ha đất phèn được cải tạo, hơn 200.000 người dân thoát khỏi cảnh thiếu nước sinh hoạt hàng ngày, môi trường đã tốt hơn, chim đàn trở về nhiều hơn trước.
Riêng tỉnh Kiên Giang, năm 2002 đã thu hoạch được 2,5 triệu tấn lương thực so với 1,6 triệu tấn những năm chưa có công trình. Đến nay, hệ thống thoát lũ biển Tây ngày càng phát huy hiệu quả toàn diện, các mục tiêu tổng hợp của công trình như ngăn lũ, thoát lũ, cải tạo môi trường, tạo nguồn, giữ nước và phối hợp thuỷ lợi – giao thông – dân cư được thực hiện đồng bộ.
Năm 1997, tổng sản lượng lương thực của tỉnh An Giang là 800.000 tấn thì sau khi dòng nước lũ mang phù sa được chuyển tới vùng đất phèn chua này đã khiến cho tổng sản lượng lương thực tăng lên đến nay là 4,2 triệu tấn.
Với những thành quả đem lại trong việc ngăn lũ, cải tạo đất phèn chua ở ĐBSCL, công trình: “Điều khiển lũ ở Tứ giác Long Xuyên- thoát lũ ra biển Tây” vừa đoạt giải thưởng cao Nhất của cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2012 trong lĩnh vực Khoa học ứng dụng. Vì tuổi cao, sức yếu, GS.TS Nguyễn Sinh Huy đã từ trần, không thể cùng chung vui với cả nhóm đến dự và nhận giải thưởng nhưng các cộng sự vẫn nhắc tới vai trò lớn của ông đối với sự thành công của công trình.
Tận mắt chứng kiến công trình của nhóm đem lại hiệu quả thiết thực đối với đời sống kinh tế-xã hội của người dân vùng ĐBSCL trong suốt hơn 15 năm qua, khi cùng nhóm cộng sự nhận giải, PGS.TS Hồ Văn Chín đã không giấu nổi niềm vui lẫn xúc động và hy vọng, Việt Nam sẽ có nhiều nhà nghiên cứu khoa học nhiệt huyết, mạnh dạn đưa ra những ý tưởng, sáng chế mới có thể áp dụng vào thực tiễn đời sống và góp phần phát triển đất nước./.