Những trải nghiệm về TP.HCM của một người Việt sinh ra tại Đức
Đối với tôi thì thời gian ở Việt Nam trôi nhanh tới mức tôi không thể tin rằng đã hết gần một phần tư thời gian của tôi ở TP. Hồ Chí Minh.
Vyvy Trần sinh ra và lớn lên ở Đức, năm nay 20 tuổi, có cha và mẹ là người Việt, hiện đang sống ở thị trấn nhỏ Henstedt-Ulzburg. Tháng 9/2015, Vyvy sang Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) để làm công tác tự nguyện thực hiện dự án “Tiếng Anh và công tác văn hóa” ở trường Đại học Việt – Đức trong một năm.
Vyvy Trần ở Đà Lạt. Ảnh nhỏ là trường Đại học Việt - Đức, nơi Vyvy là thanh niên tự nguyện làm dự án. |
Mới đây, Vyvy Trần đã có bài viết đăng trên báo “Hamburger Abendblatt” dưới tiêu đề “Ở TP. Hồ Chí Minh, không có thời gian để buồn tẻ”, kể về những trải nghiệm thú vị của mình trong ba tháng ở Việt Nam, nội dung cơ bản như sau:
Nếu người ta được trải nghiệm nhiều điều mới mẻ thì thời gian trôi đi rất nhanh. Đối với tôi thì thời gian ở Việt Nam trôi nhanh tới mức tôi không thể tin rằng đã hết gần một phần tư thời gian của tôi ở TP. Hồ Chí Minh.
Ngày 5/9/2015, tôi hạ cánh xuống đây mà không biết mình sẽ dấn thân vào những gì. Những ấn tượng đầu tiên ở đây đã làm cho tôi hoài nghi là liệu mình có thể làm quen với cuộc sống ở đây được hay không. Giờ đây, tôi tin rằng có thể nói được rằng dù có nhiều bất cập, nhưng tôi có thể thấy ổn. Tôi cảm thấy TP. Hồ Chí Minh hỗn độn, lộn xộn và người đông đúc. Mặc dù vậy, sau bốn tháng, tôi đã thấy quen thuộc với thành phố và cuộc sống ở đây.
Ở TP. Hồ Chí Minh có nhiều điều kỳ lạ
Một sinh viên cùng chỗ tôi làm có lần nói với tôi: “Đường phố TP. Hồ Chí Minh như một ma trận đối với tôi” và điều đó mô tả tình hình khá tốt. Có nhiều phố và ngõ nhỏ cắt những đường phố lớn, mà trên đó xe máy và cư dân lúc thì dừng lại, thỉnh thoảng lại phóng với tốc độ đáng sợ. Và tôi thực sự cũng chưa biết hết. Nhưng không sao. Trong tuần lễ đầu tiên, lần đầu tiên tôi đã đi cùng xe máy, từ từ thử nói tiếng Việt và đi ngang qua những phố đầy xe mà không phát hoảng.
Sáng sáng tôi gặp nhiều điều kỳ lạ trên đường phố TP. Hồ Chí Minh. Sau 12 tuần lễ ở đây, tôi vẫn còn phát hiện ra nhiều điều mới làm tôi kinh ngạc, làm tôi phải mỉm cười hoặc suy tư.
Một buổi sáng bắt đầu với việc tôi đi qua những ngõ nhỏ để tới phố chính Bạch Đằng. Tôi vẫn chưa biết cách phát âm chính xác tên phố này. Nhưng tôi biết rằng trên phố này sáng nào cũng có một chỗ tất cả bị ùn tắc. Xe buýt, xe máy và ô tô xem chừng bao giờ đến trước đèn đường cũng quyết định gây ùn tắc.
Nhưng trước khi tôi tới phố này, trước hết tôi phải đi qua một ngõ nhỏ có rất nhiều món ăn ngon mà tôi thích. TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều góc như vậy, là nơi mà người ta có thể phát hiện ra những khu dân cư rất khác nhau. Tôi cho rằng chính điều đó tạo nên sức quyến rũ của thành phố.
Một giờ đi xe buýt tới nơi làm dự án của tôi được khắc đậm bởi một xã hội dễ chịu, dạy tiếng Việt cho tôi và gợi nhớ tôi rằng ngôn ngữ được nói ở đây rất khác với những ngôn ngữ mà tôi làm chủ.
Khi đọc, tôi thường nhận ra rằng: Từ mà tôi đọc, không đúng với từ mà tôi phải đọc. Và từ mà tôi muốn viết, đáng tiếc nhiều khi cũng không đúng với từ mà tôi viết lên giấy. Ví dụ từ “quý” có nghĩa là “quý giá” lại trở thành từ “quy”, nghĩa không hay lắm. Và khi có ai trả lời câu hỏi “Bạn đã ăn no chưa” bằng từ “No”, thì tôi không chắc rằng từ “no” ở đây có nghĩa là “no bụng” trong tiếng Việt hay có nghĩa là “không” trong tiếng Anh.
Nói tiếng của cha mẹ
Tôi nghĩ rằng ngôn ngữ là điều làm cho tôi không bao giờ trở nên buồn chán, bởi vì chỉ cần giải mã những chữ ở những ngôi nhà đi ngang qua đã là sự giải trí đối với tôi. Với việc lười học và sự đa dạng của tiếng nói, hiện nay tôi đang nghi ngờ là mình liệu có đạt được mục tiêu sau 12 tháng này có thể đọc được một cuốn sách với tốc độ bình thường hoặc viết được một bài luận văn nghiêm chỉnh hay không. Nhưng một thực tế là ở đây tôi dám nói (và dĩ nhiên thường buộc phải nói) tiếng nói của cha mẹ mình đã có ý nghĩa rất nhiều rồi.
Nếu người ta hỏi tôi xem tôi thích gì nhất ở TP. Hồ Chí Minh thì câu trả lời của tôi ngay từ khi mới tới đây đã là “con người”. Nếu tôi lục tìm trong thế giới blog du lịch, tôi thường gặp câu nói: “Đó không phải là về nơi bạn đến, đó là về con người mà bạn gặp dọc đường”. Điều đó hoàn toàn đúng với những trải nghiệm của tôi ở đây.
Ở đây tôi vẫn chưa đi được nhiều, chưa dám tự mình ngồi trên xe máy để đi phát hiện vẻ đẹp của thành phố và dám nói rằng, hầu hết những ngõ mà tôi đã đi qua cho tới nay, không cho thấy vẻ đẹp mà người ta phải đến Barcelona hoặc Roma để xem. Mặc dù vậy, tôi thấy cuộc sống ở đây thực sự đẹp, nhờ những con người mà tôi gặp thường ngày với sự vui vẻ, cởi mở và đôi lúc là tò mò nữa.
Dù là ở nơi làm việc, mà tôi may mắn được làm quen với các sinh viên, hay các nhân viên và giáo viên, trong nhóm nhạc mà trong tuần lễ đầu tiên tôi đã tham gia, hoặc người phụ nữ cao tuổi với con gái và con rể ở gần chỗ tôi, mà nước mía của họ làm ngọt ngào thêm đường về nhà của tôi. Bất chấp khả năng nói ban đầu của tôi còn rất kém, nhưng chỉ vài từ đã đủ để gặp gỡ nhau một cách nhiệt tình rồi.
Chỉ thoáng nhìn diễn biến trong tuần, tôi đã thường xuyên ngạc nhiên nhận ra rằng kế hoạch mới và những trải nghiệm mới đã nhanh chóng lấp đầy những ngày đêm của mình. Để tham gia các hoạt động của sinh viên, thông thường tôi ngủ hai đêm trong một tuần ở ký túc xá, nơi tôi ở cùng với ba nữ sinh viên trong một phòng. Những ngày còn lại tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói chính xác hơn là ở quận Bình Thạnh. Tôi ở cùng căn hộ với hai tình nguyện viên khác ở đó.
Nơi giao tiếp giữa các nền văn hóa
Ngày làm việc của tôi bắt đầu lúc 8 giờ 30 và kết thúc lúc 16 giờ 30. Tôi thường nhận ra rằng một trường đại học bao gồm nhiều thứ hơn là chỉ có sinh viên và giáo sư. Tôi không bao giờ nghĩ tới là có nhiều phòng ban để thu xếp mọi việc như vậy. Tôi tham gia vào nhiều hoạt động của sinh viên và hiện nay đang giúp thành lập một „Câu lạc bộ văn hóa và ngôn ngữ Đức“, bởi vì sinh viên của trường Đại học Việt – Đức rất quan tâm tới ngôn ngữ và văn hóa Đức.
Có thể mô tả cuộc sống của tôi ở đây khá tốt với hình ảnh một người nói tiếng Đức, phải nói tiếng Anh với những người có tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt để luyện tập tiếng Đức và chia sẻ văn hóa Đức. Đó là một sự lẫn lộn giữa các ngôn ngữ, văn hóa và con người và tôi có cảm giác là với tư cách là một người Việt Nam sinh ra ở Đức, tôi đang ở đúng vị trí giao tiếp các nền văn hóa. Đối với tôi, được trải nghiệm điều này thật là tuyệt vời một cách bất ngờ và ngay bây giờ tôi đã thích được nhìn lại những trải nghiệm ở Việt Nam và vui mừng hơn nữa đối với những gì mà tôi còn được trải nghiệm ở đây trong tương lai./.