Sinh viên Việt Nam “săn” việc ở Anh, dễ hay khó?
VOV.VN -Tìm việc làm trong lúc du học ở Anh không phải đơn giản, song cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Anh đã chia sẻ những kỹ năng “săn” việc cho các bạn trẻ.
Theo quy định mới được áp dụng từ giữa tháng 7/2015, tất cả học sinh đang theo học tại các trường Phổ thông (college) tại Anh sẽ không được phép đi làm, đối với sinh viên đại học (university), kể cả sinh viên quốc tế, các bạn vẫn được phép đi làm nhưng trong khuôn khổ và thời gian nhất định.
Nhiều sinh viên Việt Nam xác định ra nước ngoài du học và làm việc. (ảnh: Hoàng Đình Nam/AFP) |
Thời gian làm mỗi tuần được giới hạn khoảng 16-20 giờ một tuần (áp dụng hầu hết với visa học sinh), các công ty, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng có thể sẽ chấp nhận cho bạn làm theo ca sáng- tối. Lương của những nơi này khoảng 7.5-8.5 bảng Anh/giờ (xấp xỉ 350.000 VNĐ) cao hơn so với làm tại các cửa hàng đồ ăn nhanh trung bình là 6-7 bảng Anh/giờ (xấp xỉ 250.000 VNĐ).
Tuy nhiên, trước khi quyết định vừa học, vừa làm, lời khuyên của Hội đồng Anh và những cựu du học sinh Việt tại Anh với các bạn trẻ Việt Nam là bạn nên đặt ra những câu hỏi và lựa chọn câu trả lời phù hợp trước khi quyết định.
Bạn có cần đi làm không?
Một điều quan trọng cần nhớ là bạn không thể dựa vào thu nhập sẽ kiếm được từ việc làm thêm bán thời gian để chứng minh khả năng chi trả học phí và chi tiêu sinh hoạt của mình. Trước khi sang Anh, bạn phải chứng minh rằng bạn có đủ tài chính cho việc học tập và sinh hoạt nếu bạn có làm bất kỳ công việc gì thì cũng chỉ là kiếm thêm tiền tiêu vặt thôi. Pháp luật qui định nếu là sinh viên, bạn chỉ được làm việc bán thời gian, tối đa 20 giờ/một tuần trong kỳ học.
Bạn có cần thị thực đặc biệt để làm việc tại Anh không?
Các sinh viên đến từ một quốc gia thuộc khu vực kinh tế châu Âu (EFA) hoặc Thụy Sĩ không cần có thị thực đặc biệt và được tự do làm việc bao nhiêu tuỳ thích. Những sinh viên không thuộc các nước EFA như Việt Nam, chỉ được phép làm việc trong thời gian rảnh khi đang đi học. Nhưng trong các kỳ nghỉ, bạn có thể làm việc toàn thời gian.
Tìm việc ở đâu?
Có nhiều nơi để tìm việc bán thời gian ngay trong hoặc trong trường của bạn. Bạn có thể xem các bảng thông báo quanh trường mình, tìm trong các báo địa phương, ở trung tâm việc làm và tại văn phòng tư vấn nghề nghiệp của trường. Hiện nay nhiều trường đã có “quầy việc làm” của riêng trường để dán thông báo về những công việc bán thời gian hoặc làm việc trong kỳ nghỉ và đôi khi các “quầy” này còn cho ra bản tin giới thiệu việc làm.
Văn phòng dịch vụ tư vấn nghề nghiệp cũng có thể đưa ra nhiều thông tin và lời khuyên về việc làm, đào tạo và học nâng cao (gồm cả những cơ hội sau khi tốt nghiệp, giấy phép làm việc và những cơ hội để lấy kinh nghiệm làm việc). Dịch vụ này cũng giúp bạn một cách thiết thực để tìm việc và xin việc.
Bạn không được phép làm việc quá 20 giờ/một tuần trong kỳ học chính khoá, trừ trường hợp công việc đó là một chỗ làm thực tập đã được thoả thuận trước hoặc là chương trình thực tập bắt buộc của khoá học do nhà trường thu xếp. Có nhiều việc làm bán thời gian với giờ làm khá linh hoạt và bạn kiếm thêm một ít tiền trong khi đang học. Hãy để mắt tới những việc ở cửa hàng, quán rượu, quán ăn hoặc hãy nghĩ về một chỗ làm thực tập với một chủ lao động.
Thường thì cách tốt nhất để tìm việc làm tại địa phương là xỏ giày đi bộ vào, nở một nụ cười, rồi với hồ sơ cá nhân (CV) trong tay bạn hãy đi dạo quanh các cửa hàng để xem có cơ hội việc làm nào không.
Cho tới nay, phần lớn các sinh viên theo học các khoá lấy bằng thấy khá khó khăn trong việc xin phép ở lại Anh để làm sau khi học xong (trừ những trường hợp đào tạo chuyên nghề hoặc chuyên khoa, hoặc để lấy kinh nghiệm làm việc trước khi về nước).
Về dự thảo mới của Anh trong việc thắt chặt visa đối với sinh viên nước ngoài sau khi hoàn thành khóa học, muốn ở lại Anh để làm việc; theo bạn Phạm Quỳnh Thư du học sinh Việt Nam đang làm việc tại London: “Dự thảo này không mấy ảnh hưởng với người Việt. Sinh viên đại học, sau khi học xong vẫn có thể ở lại xin visa mà không hề bị ảnh hưởng”.
Cũng theo thông tin từ Hội đồng Anh, chính phủ Anh đã xem xét lại chính sách của mình và đã có một số thay đổi tạo thuận lợi hơn cho sinh viên ở lại để làm việc. Những sinh viên đã hoàn thành các khoá lấy bằng tại Anh và những người đã được cơ quan tuyển dụng lao động xin giấy phép làm việc thì có thể chuyển sang làm việc mà không buộc phải rời khỏi nước Anh một thời gian trước khi đi làm. Những quy định đặc biệt mà trước đây vẫn luôn được áp dụng cho những người hành nghề bác sỹ, nha sỹ, và y tá thì hiện vẫn tiếp tục được áp dụng./.