Tàu lớn vươn khơi xa
(VOV) - “Người ta có tiền thì mê ô tô xịn, tui- dân đi biển thì mê tàu thôi”.
Gần 30 năm vươn khơi, xông pha khắp các ngư trường cá trong vùng biển, đảo của Đất nước, ông Phạm Gia Đông (phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá) vẫn ước mơ một ngày được sở hữu tàu cá ngang tầm với tàu cá của ngư dân nước bạn. Và nay ước mơ đó đã thành hiện thực khi ông chính thức sở hữu đôi tàu “khủng” 1.000 CV.
Đôi tàu lớn- "giấc mơ của cả đời tui"...
Dẫn chúng tôi đi thăm 2 con tàu đang được đóng ngay tại xưởng quê nhà, ngư dân Phạm Gia Đông, hào hứng nói: “Nó là giấc mơ của cả đời tui. Chỉ một thời gian ngắn nữa là con tàu này có thể ra chinh chiến giữa biển khơi mà không sợ mưa to, gió lớn nữa rồi”.
Dự kiến con tàu cuối tháng 11 sẽ ra khơi |
Hai con tàu của ngư dân Phạm Gia Đông “đồ sộ” đang trong quá trình hoàn thành. “Trước đây chỉ được “cỡi” con tàu công suất 350-400CV, ra khơi vẫn bị cảm giác thiếu an toàn. Giờ trên con tàu “khủng” này thì chẳng còn sợ gì nữa” – ông Đông tự hào khoe. Hiện đôi tàu của ông Đông đang giữ kỷ lục về mẫu mã, kích cỡ… khu vực Bắc Trung Bộ.
Bắc thang lên bong tàu, ông Đông đọc vanh vách các thông số của 2 con tàu này: “Chiều dài 28 m, rộng 6,5m, cao 7,5 m, có hai bộ đàm, máy quay cammera, máy định vị với nhiều phương tiện hiện đại như máy quét ngang, quét dọc. Khi hoàn thành sẽ được trang bị 2 máy công suất 500CV nhập từ Mỹ, có thể đạt đến vận tốc 13 hải lí/giờ, chịu được sóng cấp 8-9. Nghĩa là có thể đánh bắt được cả trong thời tiết biển động”.
Nói đến Phạm Gia Đông, ngư dân ở Quảng Tiến chẳng ai không biết. Ông có tiếng vì trước đây đã từng chỉ huy đoàn tàu của cả phường thực hiện những chuyến bám biển đánh bắt thuỷ, hải sản trị giá tiền tỷ. Ông cũng đã từng tâm sự với mọi người về ước mơ đóng cặp tàu lớn để hành nghề giã cào cao tốc ngoài khơi. “Cũng nghe ông ấy nói thế, có rủ chúng tôi tham gia nhưng thời buổi này mà bỏ cả đống tiền ra đóng tàu lớn thì ái ngại lắm! Không ngờ ông ấy làm thật.”, ông Nguyễn Văn Trung, một ngư dân ở Quảng Tiến cho hay.
Đầu năm 2012, ngư dân phường Quảng Tiến không khỏi bất ngờ khi nghe ông Đông tuyên bố sẽ chính thức đóng đôi tàu lớn để tiếp tục bám biển đánh bắt thuỷ, hải sản ở vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ với công suất 1.000 CV hành nghề đánh giã cào cao tốc ngoài khơi. “Tui trình bày dự định của mình với gia đình, chính quyền địa phương đều nhận được sự đồng thuận cao. Với số tiền đang có, tui vay thêm ngân hàng hơn 1 tỉ đồng để bắt đầu triển khai đóng tàu trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Người mừng cho tui, người khen tui cũng có nhưng cũng không ít người nói tôi là khùng. Ờ thì khùng, nhưng thằng khùng này vẫn phải thực hiện cho được ước mơ của mình để chứng tỏ mình không… khùng chứ!”- ông Đông chia sẻ.
Khi được hỏi về thiết kế mẫu tàu, ông Đông cười: “nhìn tàu cá trên biển, thấy ưng là tôi chụp ảnh lại, chụp lén thôi, rồi cứ ao ước có một con tàu như vậy!”. Nói xong, ông Đông rút ngay trong túi quần chiếc điện thoại mở những tấm ảnh chụp tàu cá ra khoe. “Sau khi xem ảnh con tàu, anh em thợ ở đây khẳng định làm ngon. Vậy là tui bắt đầu cho triển khai, sau gần 1 năm thực hiện nay con tàu đã “ngon” rồi đấy!”.
Dự kiến cuối tháng 11 này, cặp tàu lớn của ngư dân Phạm Gia Đông sẽ tiến hành hạ thuỷ ra khơi, là một trong những chiếc tàu lớn nhất Bắc Trung Bộ và cả Miền Bắc, đảm bảo hành nghề cả trong điều kiện biển động.
Thể hiện chủ quyền biển đảo
“Người ta có tiền thì mê ô tô xịn, tui- dân đi biển thì mê tàu thôi”. Chứng mình cho việc mê tàu của mình, ông Đông kể: vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống bám biển. Năm hơn 20 tuổi, anh thanh niên Phạm Gia Đông đã được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng một tàu đánh cá trên biển của Hợp tác xã Thành Lập (xã Quảng Tiến). Khi hợp tác xã tan rã, Đông đã cùng những ngư dân khác góp tiền mua lại 2 chiếc tàu cá tiếp tục ra khơi đánh bắt thuỷ sản ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ và Miền Trung.
Có được chút vốn, ông liền nghĩ ngay tới đống tàu lớn cho riêng mình. “Tàu to tha hồ ra biển, không sợ gió, sợ bão, sợ tàu nước ngoài đe doạ, tranh chấp ngư trường. Giữ ngư trường cũng là cách thiết thực để giữ biển, khẳng định chủ quyền. Hơn nữa góp phần tạo công ăn việc làm cho con em địa phương để phát huy truyền thống bám biển của địa phương mình.” – ông Đông tâm sự.
Trong câu chuyện kể về những chuyến đi biển, ông Đông khẳng định: “Vịnh Bắc Bộ là một kho hải sản, mặc dù đã phân chia đường ranh giới rõ ràng nhưng một số tàu cá của ngư dân Trung Quốc cậy có công suất lớn vẫn lén lút vào ngư trường nước ta để đánh bắt. Có lần chúng tôi đã tập trung nhau lại, không kể ngư dân tàu khai thác của tỉnh Thanh Hoá, Quảng Bình, Bình Định hay Phú Yên … dàn hàng ngang cả trăm chiếc không cho tàu họ xâm phạm, quẫy nhiễu việc mình đánh bắt. Họ thấy mình đông, đoàn kết nên cũng quay đầu tàu trở ra.”
“Đối với ngư dân nước mình thì 2 con tàu của tui có thể thuộc loại lớn, nhưng nó chỉ là hạng trung so với tàu cá của ngư dân nước bạn. Nhưng dù sao tui cũng rất vui vì có thể tiếp tục tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động địa phương và sẵn sàng làm nhiệm vụ khi đất nước cần”- ông Đông quả quyết!./.