Các địa phương đã xử lý nhiều tin giả, tin sai sự thật về bão lũ
VOV.VN - Lợi dụng bão số 3 phức tạp, nhiều đối tượng xấu đã giả mạo tổ chức uy tín, nhằm quyên góp và trục lợi tiền ủng hộ đồng bào vùng bão lũ; thông tin sai lệch, không đúng sự thật về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả sau bão. Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT đề nghị người sử dụng không phát tán tin giả, cần kiểm tra lại trước khi chia sẻ.
Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vừa cảnh báo, trên các trang mạng xã hội những ngày qua xuất hiện hàng loạt fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ, nhằm vận động quyên góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ. Qua xác minh, các cơ quan chức năng tại các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ còn phát hiện hàng loạt fanpage giả mạo các cơ quan, tổ chức uy tín khác như Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh, Mặt trận tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ),… Chưa kể, rất nhiều tin giả, tin sai sự thật gây hoang mang cho người dân đã khiến các cơ quan chức năng phải liên tục đăng tin cảnh báo và xử lý các vi phạm.
Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam (có địa chỉ tingia.gov.vn) không chỉ tiếp nhận phản ánh về tin giả, mà vẫn liên tục đăng tải các thông tin cảnh báo về thông tin sai lệch. Đây là 1 trong những địa chỉ tin cậy, mà người sử dụng có thể truy cập, để phản ánh về các loại tin giả, tin xấu độc, hoặc tự tra cứu địa chỉ các đường link tin giả.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: "Đối với công tác xử lý các đối tượng tung tin giả thời gian vừa qua, hiện nay chúng tôi cũng thống kê có nhiều địa phương đều đã chủ động xử lý các đối tượng này. Ví dụ như Hải Dương đã xử lý 21 trường hợp tung tin giả về mưa lũ trên các mạng xã hội. Công an Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng đã xử lý rất nhiều các trường hợp tung tin giả để vỡ đê. Quảng Ninh xử lý tin giả liên quan đến thông tin là Cẩm Phả vớt 16 xác người buộc dây. Chúng tôi cũng cảnh báo người dân cần tỉnh táo để xác thực các thông tin trước khi chia sẻ.
Chỉ trong 1 tuần từ khi bão số 3 đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc, Bộ Thông tin và Truyền thông còn phối hợp với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok để gỡ bỏ gần 90 thông tin sai sự thật và chặn các tài khoản đăng tải thông tin xuyên tạc về tình hình phòng chống thiên tai. Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam cũng tiếp nhận 45 trường hợp tin giả, chuyển đến các cơ quan chức năng điều tra và xử lý.