Đắk Lắk nỗ lực triệt xoá tội phạm công nghệ cao
VOV.VN - Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 25 vụ án sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 75 bị can.
Tình hình tội phạm lừa đảo trên không gian mạng ở tỉnh Đắk Lắk diễn biến phức tạp. Các đối tượng sử dụng mạng viễn thông, xã hội hay giả danh cán bộ cơ quan thực thi pháp luật thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Cơ quan chức năng đang đẩy mạnh các biện pháp triệt xoá, tuyên truyền vận động người dân nâng cao cảnh giác trước các hành vi lừa đảo, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bơ phờ, ấm ức, tiếc của là tâm trạng của bà Lê Thị Linh, ở phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk mấy ngày qua. Bà vừa bị đối tượng xấu lừa số tiền 80 triệu đồng qua Zalo.
Bà kể, hơn một tháng trước đã đến bộ phận một cửa thành phố Buôn Ma Thuột làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Sáng 2/10, hồ sơ được chuyển tới cơ quan thuế, tính khoản tiền phải nộp. Để thuận tiện, bà nhờ cán bộ thuế tên T. kiểm tra, hỗ trợ. Vị này đồng ý và sẽ trả lời trong ít ngày.
Hai ngày sau, một số zalo lạ gọi đến xưng tên T., là cán bộ thuế yêu cầu chuyển 80 triệu đồng đóng trước một phần. Nghe thông báo, bà đã chuyển theo yêu cầu người gọi mà không kiểm tra lại.
Đến sáng 6/10, số Zalo này tiếp tục gọi yêu cầu chuyển thêm 100 triệu đồng. Thấy nghi ngờ vì ngày Chủ nhật cơ quan thuế không làm việc, bà gọi điện thoại cho cán bộ tên T., thì được vị này khẳng định không có việc gọi Zalo yêu cầu chuyển tiền đóng thuế. Biết bị lừa, bà tới công an trình báo.
Bà Linh băn khoăn không hiểu sao đối tượng biết bà phải nộp thuế đất và biết cán bộ xử lý thuế tên T. để mạo danh gọi điện, xong còn nhắn tin số tài khoản yêu cầu chuyển tiền. Thấy số tài khoản tên T. bà đã không nghi ngờ hay cân nhắc kiểm tra mà chuyển ngay.
Chồng bà tiếc của nên ra ngân hàng kiểm tra thì tên T. trùng với cán bộ thuế, nhưng họ không trùng khớp và nhân viên ngân hàng nói số tiền 80 triệu đã nộp được chuyển tiếp tới tài khoản tận Campuchia.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 25 vụ án sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với 75 bị can. Tổng số tiền chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng.
Trung tá Nguyễn Huy Nam – Trưởng phòng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Công an tỉnh cho biết, thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ các cơ quan thực thi pháp luật như: Công an, toà án, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng gọi điện thoại, zalo, facebook yêu cầu chuyển tiền nộp phạt vi phạm giao thông, đóng phí làm căn cước công dân, viện phí, bảo hiểm hay các loại thuế phí khác; mời gọi đầu tư sàn thương mại điện tử, tiền ảo.
Song song đó các đối tượng cũng thường sử dụng phương thức đánh cắp tài khoản facebook, zalo nhắn tin người thân lừa vay tiền; tạo các trang web bán hàng trực tuyến liên kết lừa đảo; kết bạn qua tin nhắn yêu đương rồi yêu cầu chuyển tiền làm thủ tục định cư ở nước ngoài; cho vay nặng lãi qua app mạng; tặng quà yêu cầu chuyển tiền trước trả phí vận chuyển từ nước ngoài về …
Trung tá Nguyễn Huy Nam, khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác, bảo mật các thông tin về đời tư; khi tham gia mạng xã hội không chia sẻ thông tin. Khi quyết định việc gì liên quan đến chuyển tiền, người dân phải kiểm tra kỹ lưỡng; thường xuyên theo dõi tình hình và phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao trên các báo đài chính thống.
Ông Trần Thế Việt – Phó Giám đốc Viettel Đắk Lắk cho rằng, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ hướng tới mục tiêu thúc đẩy năng suất, hiệu suất của toàn xã hội; mọi hoạt động trong các lĩnh vực đang được số hóa, dữ liệu được hội tụ, hình thành các kho dữ liệu số lớn.
Tuy nhiên, kéo theo đó là tội phạm có trình độ cao sử dụng mạng viễn thông, nền tảng mạng xã hội thực hiện hành vi lừa đảo xuất hiện ngày càng nhiều. Các đối tượng thường dùng các thủ thuật chiếm dụng trái phép các tài khoản zalo, facebook, viber, thông tin cá nhân định danh, đăng ký sim rác… thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Để hạn chế các hành vi này trên mạng viễn thông, cần loại bỏ sim rác và xây dựng hệ thống tự động khống chế các số điện thoại “rác” gọi điện, nhắn tin nhiều lần lừa đảo khách hàng.
Ông Trần Thế Việt, cho biết, đơn vị sẽ chủ động rà soát, nếu biết được sim nào không chính chủ sẽ gửi xuống đơn vị thôn, buôn, nơi có các nhân viên của Viettel cùng các thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng trong quá trình thực hiện VneID và chuẩn hoá sim. Hệ thống tự động của Viettel cũng sẽ theo dõi đếm các sim hay gọi đến các số điện thoại khác, hệ thống này sẽ tự động gửi xác nhận, nếu khách hàng xác thực sim rác làm phiền thì sẽ tự động bị chặn ngay lập tức.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao trên không gian mạng, ngoài việc đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn của cơ quan chức năng, nhân dân cần nâng cao cảnh giác, làm theo hướng dẫn của công an, không chia sẻ dữ liệu cá nhân nhằm tránh lộ, lọt thông tin. Qua đó, giúp mọi người hạn chế và phòng ngừa bị các đối tượng xấu lấy cắp thông tin, lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tiền, không rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.